Tin bão trên đất liền (Cơn bão số 10) (15-09-2017)

Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trưa nay (15/09/2017) bão số 10 đã đi vào khu vực các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Bình.
Tin bão trên đất liền (Cơn bão số 10)

Do ảnh hưởng của bão số 10, từ ngày hôm qua (14/09/2017) đến 13 giờ chiều nay (15/09/2017) ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa 200-300mm, một số nơi có mưa lớn hơn như Tp.Hà Tĩnh 331mm, Tp. Đồng Hới  334mm, đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) 356mm, Tp. Đông Hà 335mm,… Tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 10, giật cấp 13, Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 11, giật cấp 15; Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; Tân Mỹ (Quảng Bình) gió mạnh cấp 8, giật cấp 13; Tp. Đồng Hới (Quảng Bình) gió mạnh cấp 8, giật cấp 12; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 11, giật cấp 14, Cửa Việt (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trên đất liền các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.

Hồi 14 giờ chiều nay, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12. Dự báo trong 06 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sang khu vực Trung Lào và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 15/09, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 104,2 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9. Dự báo trong 06 đến 12 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau là một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) chiều nay còn có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12, sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh (Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3).

Cảnh báo mưa lớn: Trong chiều và đêm nay, ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Nghệ An tiếp tục có mưa to đến rất to (70-150mm, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 200mm). Ở Thanh Hóa, các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La từ chiều nay đến hết ngày 16/09 có mưa vừa, mưa to đến rất to (50-150mm, có nơi trên 200mm).

Cảnh báo lũ: Từ nay đến ngày 17/09, trên các sông từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình lên mức báo động BĐ2-BĐ3; các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế lên mức BĐ1 và trên BĐ1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế.

Để chủ động ứng phó với bão số 10, sáng ngày 15/9/2017, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (BCĐ TW PCTT) đã họp các Bộ, ngành, thành viên thường trực BCĐ về công tác ứng phó với bão số 10 đang vào đất liền các tỉnh Quảng Tri- Hà Tĩnh.

Theo đó, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT, Ủy viên Thường trực BCĐ TW PCTT Trần Quang Hoài đề nghị các Bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó cơn bão số 10. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cần thường xuyên cung cấp thông tin về bão, kể cả thông tin về lượng mưa sau bão càng chi tiết càng tốt để phục vụ chỉ đạo vận hành xả lũ, phòng chống lũ quét, sạt lở đất.

Tổng cục trưởng đề nghị các lực lượng chức năng yêu cầu người dân còn ở tàu thuyền đang neo đậu rời khỏi tàu thuyền, tránh thiệt hại về người khi bão đổ bộ. Lưu ý khi bão đi qua, nếu thấy an toàn thì bỏ lệnh cấm biển sớm để ngư dân hoạt động sản xuất trở lại. Bên cạnh đó, cần kiểm tra, sơ tán ngay người dân ở vùng có nguy cơ ngập úng, gặp nguy hiểm do bão ở ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Tại thôn Nguyễn Huệ, xã Kỳ Xuân, Kỳ Anh vẫn còn một số hộ dân sơ tán tại chỗ, đây là nơi nguy cơ ngập sâu nên cần cảnh giác.

Tổng cục trưởng cũng yêu cầu sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn, chuyển sang thực hiện phương án ứng phó trên đất liền, kiểm tra rà soát việc đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, yêu cầu toàn bộ lực lượng kiểm soát đê điều phải xuống hiện trường kiểm tra để xử lý kịp thời xử lý sự cố giờ đầu (nếu xảy ra).

Về chuẩn bị cho việc xả lũ của các hồ thủy điện và đảm bảo an toàn lưới điện: Bộ Công thương cần phối hợp với BCĐ TW PCTT thực hiện nghiêm túc vận hành xả lũ, cũng như đảm bảo an toàn lưới điện trong và sau bão. Đề nghị Văn phòng Thường trực BCĐ TW PCTT và địa phương phối hợp thống kê, tổng hợp thiệt hại, nếu vượt quá khả năng khôi phục của đại phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị các cơ quan thông tấn truyền hình tiếp tục cập nhật, đưa tin kịp thời cảnh  báo, hướng dẫn, thông tin chỉ đạo điều hành đến các cấp chính quyền, người dân.

Hà Kiều

Ý kiến bạn đọc

Tin khác