Bà Rịa - Vũng Tàu: Thúc đẩy sản xuất trong điều kiện tác động của dịch bệnh Covid-19 (12-08-2020)

07 tháng đầu năm 2020, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện hiệu quả nhiều biện pháp quyết tâm ngăn chặn khai thác hải sản IUU; Đồng thời, nỗ lực xây dựng và thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất trong điều kiện tác động của dịch bệnh Covid-19.  
Bà Rịa - Vũng Tàu: Thúc đẩy sản xuất trong điều kiện tác động của dịch bệnh Covid-19
Ảnh minh họa

Trong các tháng đầu năm (từ tháng 2 đến tháng 4), các ngành trồng trọt, nuôi trồng thủy sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên rất khó tiêu thụ sản phẩm, giá cả giảm dẫn tới kết quả thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng giảm so với kế hoạch đề ra. Ước khả năng thực hiện cả năm 2020: Khai thác thủy sản tăng 3,86% so cùng kỳ, chỉ tiêu kế hoạch 3,84%; Nuôi trồng thủy sản tăng 4,51% so cùng kỳ, chỉ tiêu kế hoạch 4,53%. Công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản được thực hiện tương đối tốt; công tác thủy nông được đảm bảo, không xảy ra hạn hán. Công tác thanh tra, kiểm tra quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản được quan tâm chỉ đạo và được tăng cường, duy trì thực hiện thường xuyên; không có sự cố về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tháng 7/2020, giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 1.018.743 triệu đồng, tăng 4,10% so cùng kỳ (lũy kế 7 tháng đầu năm 7.222.978 triệu đồng, đạt 64,5% kế hoạch, tăng 3,99% so cùng kỳ), trong đó: Giá trị khai thác thủy sản 909.990 triệu đồng, tăng 4,05% so cùng kỳ (lũy kế 6.617.650 triệu đồng, đạt 65,5% kế hoạch, tăng 3,94% so cùng kỳ); Giá trị nuôi trồng thủy sản 108.753 triệu đồng, tăng 4,49% so cùng kỳ (lũy kế 605.328 triệu đồng, đạt 55,6% kế hoạch, tăng 4,48% so cùng kỳ). 

Khai thác thủy sản

Trong 7 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã đóng mới 04 tàu cá, tổng số tàu cá đến ngày 20/7/2020 là 5.823 chiếc (trong đó có 2.901 chiếc hoạt động vùng khơi có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, chiếm 49,8%). Sản lượng khai thác trong tháng 7/2020 là 30.534 tấn, tăng 4,5% so cùng kỳ (lũy kế 214.641 tấn, tăng 4,3% so cùng kỳ, đạt 66,5% kế hoạch. Trong đó sản lượng khai thác của các loại nghề lưới rê, vây, câu mực tăng, nhất là nhóm đối tượng có giá trị kinh tế như họ cá thu, cá ngừ, cá cờ, mực ống, bạch tuộc). Trong tháng, tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền vận động thành lập tổ đoàn kết trên biển; đồng thời, kiện toàn lại số phương tiện và thành viên tham gia của các tổ (tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 346 tổ đội đoàn kết trên biển với 2.453 tàu cá, tổng số 2.222 thành viên, trong đó có 03 hợp tác xã với 22 xã viên, 63 tàu cá và 01 nghiệp đoàn khai thác cá cơm gồm 42 thành viên, với 40 tàu cá). Nhìn chung, Chi cục Thủy sản đã thực hiện tốt công tác quản lý tàu cá, cấp giấy chứng nhận nguồn góc thủy sản khai thác, giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác. Tiếp tục thực hiện Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản cho bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, UBND tỉnh đã phê duyệt đóng mới 14 tàu composite (11 tàu nghề chụp mực kết hợp câu khơi và 03 tàu lưới vây). Đến nay, toàn tỉnh có 01 tàu lưới vây, 02 tàu nghề chụp mực kết hợp câu khơi đã đưa vào hoạt động và 03 tàu đang đóng.

Đối với công tác chuyển đổi cơ cấu nghề, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tiếp tục thực hiện các giải pháp chuyển đổi tàu cá hoạt động nghề lưới kéo và tàu cá khai thác thủy sản ven bờ sang nghề khác thích hợp. Tính đến ngày 20/7/2020, số lượng tàu cá hoạt động nghề lưới kéo trên địa bàn tỉnh là 1.564 chiếc, giảm 35 chiếc so với tháng 12/2019. Bên cạnh đó, lập các Đề án, dự án để trình duyệt và triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Một là, Đề án chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh: UBND tỉnh đã phê duyệt Đề cương nhiệm vụ lập Đề án (tại Quyết định số 1786/QĐ-UBND ngày 01/7/2020); Hiện thực hiện các thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn lập Đề án. Hai là, Dự án điều tra nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ và vùng lộng trên địa bàn tỉnh: UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập Dự án (tại Quyết định số 1442/QĐ-UBND ngày 04/6/2020); Hiện nay, Sở đang thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu để triển khai lập Dự án. Ngoài ra, tỉnh còn tăng cường quản lý tàu cá, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân của tỉnh khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tổ chức triển khai tuyên truyền, tập huấn, phổ biến Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong năm 2020. Đã tổ chức 05 lớp tuyên truyền với 236 người tham dự, cấp phát 236 bộ tài liệu, 8.000 tờ rơi. Ngoài ra, đã thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn thông qua các hình thức gặp gỡ trực tiếp khi thực hiện thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, giải quyết các chính sách.

Ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và PTNT Bà Rịa – Vũng Tàu đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 21/KH-UBND về việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách trong 6 tháng đầu năm 2020 nhằm khắc phục “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Sau đó, Sở đã phối hợp với các sở ngành, địa phương tiến hành kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại các cảng cá, văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh. Tiến hành xác định tàu cá có nguy cơ vi phạm khai thác IUU, lập danh sách, cập nhật thường xuyên và cung cấp cho các cơ quan, đơn vị liên quan trong tỉnh và ngoài tỉnh, phối hợp theo dõi, giám sát đặc biệt. Ngày 05/6/2020, Sở đã ban hành Quyết định số 277/QĐ-SNN nhằm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan ban hành Quy trình phối hợp xử lý tàu cá có dấu hiệu khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Ngày 11/6/2020, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản số 5881/UBND-VP về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với tàu cá khai thác IUU... Nhờ đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã từng bước ngăn ngừa hiệu quả hành vi vi phạm khai thác hải sản IUU.

Đối với công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá: Trong tháng 7/2020, có 50 tàu cá lắp đặt máy giám sát hành trình, nâng tổng số đến nay trên địa bàn tỉnh có 2.384/2.901 tàu khai thác vùng khơi theo quy định lắp thiết bị giám sát hành trình, đạt 82,2% (trong đó: tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 266/280 tàu; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 2.119/2.621 tàu). Ngoài ra, số lượng tàu cá đã lắp thiết bị thông tin liên lạc định vị vệ tinh GPS VX-1700 là 807 chiếc. Thực hiện công tác đánh dấu tàu cá theo quy định 4.696/5.525 tàu cá, đạt 85%. Đặc biệt, từ tháng 8/2019 đến nay, toàn tỉnh đã cơ bản chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.

Nuôi trồng thủy sản

Trong tháng 7/2020, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 6.310 ha (trong đó: nuôi quảng canh 711,2 ha, nuôi quảng canh cải tiến 5.174 ha, nuôi bán thâm canh 122,5 ha, nuôi thâm canh 302,3 ha), chia ra: 1.822,4 ha nuôi nước ngọt và 4.487,6 ha nuôi nước mặn, lợ. Sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tháng là 1.667 tấn, tăng 1,8% so cùng kỳ (lũy kế 10.737 tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ, đạt 56,5% kế hoạch). Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh động vật thủy sản tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; Trên địa bàn tỉnh có 2,7 ha tôm nuôi thương phẩm bị nhiễm bệnh đốm trắng, đã hướng dẫn người dân xử lý. Chi cục Thủy sản đã lấy 28 mẫu nước tại các vùng nuôi: Long Hương, Lộc An, Phường 12, Long Sơn, An Ngãi, Phước Thuận, Phước Hòa và Phước Hải để quan trắc chất lượng nước và cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản, đã phân tích 268 chỉ tiêu môi trường, kết quả có 52 chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép, đã khuyến cáo người dân xử lý trước khi lấy nước vào ao nuôi (lũy kế đã lấy 196 mẫu nước, phân tích 1.876 chỉ tiêu, có 353 chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép). Trong tháng 7, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện kiểm dịch động vật thủy sản xuất tỉnh 57,6 triệu con ấu trùng tôm; 33,61 triệu con tôm giống (lũy kế đã kiểm dịch 263,2 triệu con ấu trùng tôm; 159,11 triệu con tôm giống).

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch sắp xếp các Cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2, năm 2020. Theo đó, các nội dung triển khai thực hiện trong giai đoạn 2 gồm: Thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản và tổ chức cưỡng chế đối với các cơ sở nuôi phát sinh trái phép trên địa bàn tỉnh. Về việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp: Tính đến ngày 20/7/2020, toàn tỉnh có 18 cơ sở nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 352 ha, tăng 100 ha so cùng kỳ, trong đó đang sản xuất 222 ha, sản lượng ước đạt 1.821 tấn/năm và 4,8 tỷ con giống/năm.

Quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản

Trong 7 tháng đầu năm 2020, các đơn vị đã tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã thực hiện kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT tại 184 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông sản và thủy sản, kết quả có 04 cơ sở đạt loại A, 132 cơ sở đạt loại B và 45 cơ sở không đạt đã hướng dẫn khắc phục, đồng thời đã công khai kết quả kiểm tra trên trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT; Trạm kiểm nghiệm tiếp nhận và phân tích 421 mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản theo nhu cầu của các tổ chức cá nhân; Tổ chức và cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho 11 người là chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản, thủy sản; đã hướng dẫn UBND các địa phương triển khai công tác quản lý các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đến nay, các địa phương đã triển khai cho 15.084 cơ sở ký cam kết, đạt 42,4% tổng số cơ sở do địa phương quản lý; Tổ chức 01 lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm với 10 người tham dự.

Trong tháng 7/2020, đã thực hiện 05 đợt thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 160 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông – lâm - thủy sản, phương tiện đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh (lũy kế đã tổ chức 25 đợt thanh tra, kiểm tra tại 884 cơ sở). Qua kiểm tra, có 28 trường hợp vi phạm (lũy kế có 140 trường hợp vi phạm, trong đó có 47 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp, 04 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực vật tư thủy sản và 89 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản), đã xử phạt vi phạm hành chính.

Thúc đẩy sản xuất thủy sản trong điều kiện tác động của dịch bệnh Covid-19

Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự, an toàn xả hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ngày 22/7/2020 Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng Kế hoạch hành động số 60/KH-SNN về việc thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP. Trong đó một số nhiệm vụ, giải pháp để đạt các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020, thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng năm 2020 đạt cao hơn 06 tháng đầu năm, cụ thể: Khai thác thủy sản tăng 3,86% so năm 2019 (06 tháng đầu năm tăng 3,84%); Nuôi trồng thủy sản tăng 4,51% so năm 2019 (06 tháng đầu năm tăng 4,48%).

Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tập trung thực hiện các giải pháp trong từng ngành, từng lĩnh vực: Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản của Trung ương như: Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP, Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg; Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp tháo gỡ ”thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu; Tiếp tục đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất: Trong nuôi trồng thủy sản, phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; Tập trung sản xuất giống một số đối tượng có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, giống cá nước lợ, các loài nhuyễn thể,... Trong khai thác thủy sản, tiếp tục duy trì và phát triển khai thác thủy sản theo mô hình tổ đoàn kết, liên kết giữa tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần cho nghề cá.

Đặc biệt là, thường xuyên rà soát, lập danh sách các đối tượng sản xuất gặp khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để báo cáo UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, xem xét, hỗ trợ theo các quy định hiện hành (Nghị định 41/2020/NĐ-CP, Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước). Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chủ động phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố phố rà soát, thống kê các mặt hàng nông sản, thủy sản gặp khó khăn về thị trường, trên cơ sở đó có đề xuất phương án hỗ trợ cụ thể. Xây dựng các mô hình liên kết, sản xuất tập trung, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, phát triển mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, để nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm (nhất là những sản phẩm chủ lực) và tập trung vào thị trường tiêu thụ nội địa; kết nối đưa nông – thủy sản vào các chuỗi siêu thị, chợ truyền thống, chuỗi cửa hàng cung ứng sản phẩm nông – thủy sản, vận động nhân dân chung tay tiêu thụ hàng Việt Nam. 

Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng tiến hành xây dựng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp tìm kiếm thị trường để tiêu thụ nông sản, tổ chức các phiên chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm nông - thủy sản. Hỗ trợ duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đáp ứng tiêu chí nhập hàng của các nhà phân phối. Thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông – thủy sản trên địa bàn tỉnh, không để bị ứ đọng cục bộ; kịp thời thông báo đến các doanh nghiệp và nông - ngư dân để chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm chỉ đạo các đơn vị chuyên môn có kế hoạch phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi, ép giá, gian lận thương mại, gây hoang mang cho người tiêu dùng (nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người dân có nhu cầu mua lương thực, thực phẩm tích trữ).

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác