Thủy sản Hậu Giang với vấn đề An toàn thực phẩm (03-10-2019)

Ngày 28/8/2019 Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quyết định số 13/2019/QĐ-UBND quy định Cơ quan thẩm định, chứng nhận Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện An toàn thực phẩm và Cơ quan quản lý các Cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm (thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Thủy sản Hậu Giang với vấn đề An toàn thực phẩm
Ảnh minh họa

Quyết định 13/2019/QĐ-UBND áp dụng cho các Chi cục trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang (trong đó có Chi cục Thủy sản và Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản) và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức/cá nhân có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản (bao gồm cả đối tượng thuộc diện cấp Giấy chứng nhận và không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm) nhằm đảm bảo sự thống nhất trong quản lý An toàn thực phẩm tại địa phương; không để xảy ra tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót đối tượng quản lý; bảo đảm tính khoa học, đầy đủ và khả thi.

Đối với Cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc thẩm quyền quản lý của từ 02 đơn vị trở lên thì các đơn vị phối hợp thành lập Đoàn thẩm định, đánh giá liên ngành để đảm bảo không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở đó. Trong đó, cơ sở có sản phẩm nhiều, chiếm ưu thế thuộc Cơ quan quản lý nào thì cơ quan đó chủ trì Đoàn thẩm định, đánh giá liên ngành.

Phân công, phân cấp quản lý An toàn thực phẩm

Theo Quyết định 13/2019/QĐ-UBND, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản thực hiện thẩm định, chứng nhận và quản lý các loại hình cơ sở sau: Cơ sở sản xuất nước đá phục vụ sản xuất và bảo quản thực phẩm nông, lâm, thủy sản; Cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản; Kho lạnh bảo quản thực phẩm nông, lâm, thủy sản; Chợ đầu mối, đấu giá thực phẩm nông, lâm, thủy sản; Cơ sở kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản (trừ cơ sở kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên cạn dùng  làm thực phẩm).  Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản còn thực hiện ký Bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn với 03 loại hình cơ sở (Sơ chế nhỏ lẻ; Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn).

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện thẩm định, chứng nhận và quản lý các loại hình cơ sở sản xuất ban đầu thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện thẩm định, chứng nhận và quản lý Cơ sở sản xuất ban đầu thực phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn, Cơ sở giết mổ động vật tập trung, Cơ sở kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên cạn dùng làm thực phẩm. Chi cục Thủy sản, có trách nhiệm thẩm định, chứng nhận và quản lý 03 loại hình cơ sở sau: Cơ sở nuôi trồng thủy sản; Tàu cá (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên); Cảng cá.

Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi các cơ quan, đơn vị được phân công trong việc thực hiện các nội dung trên. Đồng thời, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (theo định kỳ: báo cáo tháng, báo cáo 6 tháng, báo cáo tổng kết năm).

Quyết định 13/2019/QĐ-UBND có hiệu lực từ ngày 07 tháng 9 năm 2019 và thay thế Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ngày 29 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc quy định Cơ quan kiểm tra Cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận Cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện An toàn thực phẩm; Cơ quan quản lý Cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản ban đầu nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác