Công văn nêu rõ, vừa qua, phía Trung Quốc đã ban hành Lệnh cấm đánh bắt cá thường niên trên Biển Đông, có hiệu lực từ ngày 1/5 - 16/8/2023, bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là lệnh cấm lặp lại đơn phương và phi lý của phía Trung Quốc, đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền và lợi ích biển, đảo của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS); đi ngược lại Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC).
Theo Hội Nghề cá Việt Nam, lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển sẽ cản trở hoạt động khai thác thủy sản bình thường của tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối Lệnh cấm đánh bắt cá nói trên của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay lệnh cấm đánh bắt cá phi lý này ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng phản đối mạnh mẽ và có những biện pháp quyết liệt, ngăn chặn Lệnh cấm đánh bắt cá phi lý nói trên, nhằm bảo vệ tài nguyên biển, nguồn lợi thủy sản đặc trưng cho từng khu vực biển, bảo vệ an toàn cho ngư dân Việt Nam khi sản xuất trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia; giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh Hội thủy sản, Hội nghề cá địa phương phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Hội thủy sản, Hội nghề cá địa phương và các cơ quan liên quan chủ động, tích cực thông tin - tuyên truyền để ngư dân chấp hành đúng pháp luật khi đánh bắt trên biển; hỗ trợ, vận động ngư dân yên tâm ra khơi bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Cùng ngày, Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã có Công văn số 37/HNC-VP gửi các Hội Nghề cá, Hội thủy sản các tỉnh, thành phố ven biển về việc phối hợp, hỗ trợ ngư dân trước Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc năm 2023.
Theo đó, Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị Hội Nghề cá, Hội thủy sản các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp với các Sở NN&PTNT, các ban, ngành và đoàn thể địa phương:
(1) Tăng cường tuyên truyền, động viên ngư dân tiếp tục bám biển sản xuất. Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho ngư dân hiểu rõ về chủ quyền biển đảo Việt Nam có quyền khai thác, đồng thời không vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép. Hướng dẫn cho ngư dân đánh bắt cá theo mô hình tổ, đội sản xuất nhằm hỗ trợ nhau trong lúc gặp nạn trên biển, giúp tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ hậu cần, đánh bắt hiệu quả.
(2) Kiến nghị cơ quan chức năng địa phương tăng cường lực lượng chức năng để bảo vệ, hỗ trợ cho ngư dân; tổ chức việc cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân khi gặp sự cố trên biển. Đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân khi hoạt động sản xuất hoặc gặp sự cố trên biển.
(3) Kịp thời thông tin về những vụ việc mà lực lượng nước ngoài gây cản trở ngư dân Việt Nam hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Đồng thời tổ chức thăm hỏi động viên ngư dân khi gặp tai nạn, có khó khăn trong cuộc sống.
(4) Cùng với đó tích cực, chủ động tham gia triển khai thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của EC và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Kế hoạch hành động số 81 ngày 13/2/2023, Công điện số 265/CĐ-TTg ngày 17/4/2023 về chống khai thác IUU và các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trọng tâm chống khai thác IUU của Bộ NN&PTNT để tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc hồi tháng 3/2023 công bố thời gian cấm đánh bắt cá hàng năm, cái gọi là “lệnh cấm” tại Biển Đông sẽ bao trùm vùng biển từ vĩ tuyến 12 đến phía Bắc đảo Đài Loan. Khu vực này gồm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trước đó, chiều 20/4/2023, tại Họp báo thường kỳ, Bộ Ngoại giao cho biết về phản ứng của Việt Nam trước “lệnh cấm đánh bắt cá” của Trung Quốc ở Biển Đông từ ngày 1/5 - 16/8/2023, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam đối với “lệnh cấm đánh bắt cá” mà Trung Quốc đơn phương ban hành trái phép ở Biển Đông.
Theo Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao, “lệnh cấm đánh bắt cá” này đã xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh: “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam, không làm phức tạp tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông”.
Hải Đăng