Hội thảo diễn ra với sự tham gia của gần 40 đại biểu đến từ Tổng cục thủy sản, Vụ Khai thác Thủy sản, Vụ Pháp chế, thanh tra, Trung tâm Thông tin Thủy sản, Chi cục Thủy sản một số tỉnh/thành phố ven biển như: Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Cà Mau, Kiên Giang Bà Rịa-Vũng Tàu; đại diện tàu cá các tỉnh; đại diện đơn vị cung cấp Công ty công nghệ MECOM và các chuyên gia; đại diện Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam (VINATUNA), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội Nghề cá và các tổ chức phi chính phủ (MCD, WWF).
Nhằm thích ứng với tình hình dịch COVID19, Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp với trực tuyến với nhiều điểm cầu tại các tỉnh thành ven biển hiện đang tích cực tham gia áp dụng eCDT trong khai thác thủy sản.
Hoạt động này được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Chia sẻ bài học thực hành và cải thiện hướng dẫn kỹ thuật ứng dụng điện tử trong ghi chép khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản eCDT tại Việt Nam” do Tổ chức Tư vấn Thủy sản bền vững (Sustainable Fishery Advocates) tài trợ và Trung tâm MCD chủ trì thực hiện với sự phê duyệt của Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam.
Tại Hội thảo, Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản đã trình bày tổng quan quá trình xây dựng hệ thống phần mềm và hướng dẫn thực hiện ghi chép khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử được Bộ NN và PTNT xây dựng và nghiệm thu; Tổng cục Thủy sản tham mưu và phối hợp thực hiện bao gồm đào tạo và thí điểm tại các địa phương. Dự kiến năm 2022 sẽ hoàn thành Bộ tiêu chuẩn và các hướng dẫn quốc gia thực hiện.Việc thực hiện eCDT đảm bảo tính minh bạch thông tin về tàu khai thác thủy sản trong truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin với khách hàng. Khi có yêu cầu kiểm tra lại các thông tin về nguồn gốc sản phẩm, quá trình truy xuất diễn ra nhanh chóng thuận tiện giảm thời gian chờ đợi của doanh nghiệp, giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.
|
Hội thảo đã lắng nghe tóm tắt kết quả, bài học kinh nghiệm và các khoảng trống từ các thực hành thí điểm eCDT tại Việt Nam bao gồm sáng kiến MCD hỗ trợ tại tỉnh Bình Định. Các ý kiến từ thực hành cho thấy, ngư dân có thể tham gia và sử dụng các ứng dụng điện tử trong nhật kí khai thác, cung cấp thông tin về ghi chép nhật ký khai thác cần thiết cho công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản, nếu như có hệ thống công cụ và hướng dẫn cấp quốc gia phù hợp; sự phối hợp của các cơ quan quản lý thủy sản tại địa phương và đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ.
Các bài học từ thí điểm đã góp phần hoàn thiện chương trình nhật ký khai thác điện tử và truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử do Công ty cổ phần hàng hải MECOM phối hợp thực hiện theo chương trình của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đại diện MECOM đã trình bày mô hình kỹ thuật của hệ thống gồm phần cứng, phần mềm với các chức năng chính gồm định vị và ghi vết hành trình, ghi nhật ký khai thác và gửi dữ liệu về bờ bằng sóng điện thoại di động.
|
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu bộ nguyên tắc eCDT toàn diện do Hiệp hội về Tính hợp pháp và Truy xuất nguồn gốc Thủy sản (SALT) gợi ý để các quốc gia tham khảo. Đây là một tiến trình cần sự chung tay của cả hệ thống gồm cơ quan quản lý thủy sản trung ương và địa phương, các doanh nghiệp cung cấp công nghệ, và tổ chức hỗ trợ ngư dân và đặc biệt là sự chủ động từ các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản. Các đơn vị kết nối và hỗ trợ kĩ thuật có vai trò thúc đẩy nhất là giai đoạn ban đầu trong đó việc huy động sự tham gia và hợp tác của các bên đóng góp quan trọng.
“Việc theo dõi nhật ký và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm thủy sản là yêu cầu và tuân thủ thực hiện Luật Thủy sản 2017. Ứng dụng điện tử là thêm lựa chọn tốt cho người dân nhưng để thực hiện được thì chúng ta cần sự hợp tác và phối hợp các bên cùng hành động và tư duy, phải cùng nhau tháo gỡ khó khăn và tìm cách hiệu quả về chi phí và nguồn lực và phải có Lộ trình để tiến tới thực hiện được một cách toàn diện”, ông Trần Đình Luân, nhấn mạnh tại Hội Thảo.
Hạnh Luyến