Nội dung Chương trình Vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2012-2015 (20-03-2015)

Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1228/QĐ-TTg, ngày 7/9/2012. Theo Quyết định, đối tượng thực hiện Chương trình bao gồm người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng, người quản lý và lãnh đạo trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nội dung Chương trình Vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2012-2015

Mục tiêu chủ yếu của Chương trình là nâng cao năng lực hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương đủ năng lực quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Tổng mức vốn của Chương trình là 4.139 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương góp 1.949 tỷ đồng (chiếm 47%), ngân sách địa phương góp 1.320 tỷ đồng  (chiếm 32%), viện trợ quốc tế 430 tỷ đồng (chiếm 10%) và các nguồn vốn hợp pháp khác 440 tỷ đồng (chiếm 11%).

Chương trình gồm 6 dự án thành phần: 

- Nâng cao năng lực quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm : đặt mục tiêu 80% các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm được đầu tư xây dựng cơ sử hạ tầng và cung cấp các trang thiết bị thiết yếu, 100% các nhóm sản phẩm thực phẩm có quy chuẩn kỹ thuật được cập nhật, hài hòa và phù hợp với phân công quản lý nhà nước, trên 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Thông tin giáo dục truyền thông đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm : Mục tiêu đặt ra là 70% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩn, 80% người quản lý, 70% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm. Duy trì “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”.

- Tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm

- Phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

- Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông, lâm, thủy sản : với mục tiêu 100% số  cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản, thủy sản thực phẩm được kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo các Thông tư quy định về kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản v.v... Thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, liên ngành an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, kiểm tra từ gốc tại các nước xuất khẩu nông lâm thủy sản vào Việt Nam theo quy định tại các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm ngành công thương : Mục tiêu đặt ra là 80% cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm trong diện quản lý được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, 100% cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm công nghiệp được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), thực hành vệ sinh tốt (GHP) và HACCP v.v…

Dự án sẽ triển khai áp dụng mô hình quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tiên tiến như HACCP, ISO trên diện rộng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp. Nghiên cứu và xúc tiến ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ tiên tiến phục vụ áp dụng các hệ thống quản lý GMP, GHP và HACCP cho các nhóm ngành chế biến thực phẩm, phù hợp với điều kiện doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

                                                                                                                                           Văn Do

Ý kiến bạn đọc

Tin khác