Trung Quốc tạo cơ chế đặc biệt nhập khẩu tôm hùm bông Việt Nam (29-01-2024)

Trung Quốc và Việt Nam sẽ ký 3 nghị định thư mở cửa xuất khẩu chính ngạch cho nhiều nông sản Việt Nam sang thị trường này. Tạo cơ chế đặc biệt để các cơ sở Việt Nam đăng ký xuất khẩu tôm hùm bông.
Trung Quốc tạo cơ chế đặc biệt nhập khẩu tôm hùm bông Việt Nam
Ảnh minh họa

Tăng cường hợp tác về nông nghiệp

Tuần vừa qua, từ ngày 14 - 20/1/2024, thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN&PTNT sang làm việc với Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) về hợp tác giao thương phát triển nông nghiệp. Ngay sau khi về nước, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã có cuộc họp báo chia sẻ về các tin vui của chuyến công tác này.

Ngày 16/1, tại cuộc họp với ông Mã Hữu Tường, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc, hai bên đã đi sâu thảo luận và thống nhất nhiều nội dung hợp tác song phương trên các lĩnh vực nông nghiệp. Hai bên đã đi sâu thảo luận và thống nhất nhiều nội dung hợp tác song phương trên các lĩnh vực cụ thể, bao gồm: Thống nhất việc tổ chức cuộc họp Ủy ban liên hiệp hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 2 tại Trung Quốc trong năm 2024; trao đổi những nội dung hợp tác về khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, nông nghiệp giảm phát thải và nông nghiệp hữu cơ; tăng cường hợp tác đầu tư trong nông nghiệp, thương mại nông sản 2 chiều; chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau về phát triển nông thôn giữa hai nước.

Trước đó, ngày 15/1, đoàn công tác đã đến khảo sát và làm việc với điển hình nông thôn kiểu mẫu thôn Tiểu Lộ, xã Hắc Trang Hộ (quận Triều Dương, thành phố Bắc Kinh) chuyên nghề nuôi cá cảnh và trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại của xã. Hai Bộ đã trao đổi thống nhất sẽ hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới. Trung Quốc có chương trình chấn hưng nông thôn với rất nhiều kinh nghiệm, mô hình hay có thể phù hợp với Việt Nam. Việt Nam có thể trao đổi kinh nghiệm góp phần xây dựng thành công nông thôn mới ở Việt Nam.

Ba Nghị định thư sẽ được ký kết

Cũng trong ngày 16/1, tại buổi làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết đoàn đã trao đổi với ông Triệu Tăng Liên, lãnh đạo Tổng cục Hải quan Trung Quốc về mở cửa thị trường hàng nông sản và hai bên thống nhất phía Trung Quốc sẽ khẩn trương hoàn thành rà soát pháp lý để ký sớm nhất 3 Nghị định thư, bao gồm: Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên, Nghị định thư về xuất khẩu cá sấu nuôi, Nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Việt Nam và Trung Quốc cũng thống nhất phối hợp xử lý vướng mắc trong xuất nhập khẩu cá tầm, tôm hùm bông theo cơ chế đặc biệt và sẽ đưa vào Nghị định thư giữa hai nước. Trong khi chờ đợi ký Nghị định thư, phía Trung Quốc sẽ xem xét, tạo cơ chế đặc biệt để các cơ sở đăng ký xuất khẩu tôm hùm sang nước này, đồng thời bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam. Các cơ quan chức năng hai bên cùng phối hợp tiến hành các thủ tục cần thiết để dỡ bỏ lệnh cấm. Bên cạnh đó, sứa muối cũng sẽ được đưa vào Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên cho Việt Nam. Khi nghị định thư được ký kết thì tôm hùm bông sẽ tiếp tục được xuất khẩu sang Trung Quốc, Thứ trưởng Nam cho biết.

Để tăng cường hợp tác giữa các đơn vị kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Hải quan của Trung Quốc ở biên giới, hai bên thống nhất sau Tết Nguyên đán sẽ có cuộc họp giao ban giữa các lực lượng này. Qua đó, tạo điều kiện cho các đơn vị tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai nhiệm vụ ở các cửa khẩu.

Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản hai nước sẽ có trưởng trưởng tốt nên vấn đề phối hợp, trao đổi kinh nghiệm giữa các lực lượng hai bên là rất là cần thiết. Đây là điểm khởi đầu cho sự tăng cường hợp tác giữa các đơn vị kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các đơn vị của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Gấp rút tạo cơ chế đặc biệt gỡ rào tôm hùm Việt

Để sớm triển khai các nội dung đã thống nhất với Trung Quốc, đoàn công tác kiến nghị Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan giao Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh sẽ khẩn trương trao đổi với đơn vị đầu mối của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để sớm khởi động việc ký kết Nghị định thư xuất khẩu động vật hoang dã gây nuôi, đồng thời làm rõ thủ tục đăng ký cơ sở xuất khẩu trước khi ký nghị định thư để thông tin tới các cơ sở đăng ký xuất khẩu các mặt hàng đang gặp khó khăn do quy định về quản lý động vật hoang dã của Trung Quốc;

VN sẽ thúc đẩy phía Trung Quốc sớm hoàn thành thủ tục nội bộ để ký kết Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên trong thời gian sớm nhất; đoàn kiến nghị giao Cục Thú y thúc đẩy phía Trung Quốc sớm hoàn thành thủ tục nội bộ để ký kết 2 nghị định thư trong thời gian sớm nhất là: Nghị định thư về xuất khẩu cá sấu nuôi và Nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Dư địa thị trường tôm hùm Trung Quốc rất lớn

Theo dữ liệu từ Tổng cục thống kê Trung Quốc, hiện nhà cung cấp tôm hùm bông chính của nước này là New Zealand – chiếm gần 40% tổng kim ngạch nhập khẩu. Theo sau là Mexico và Mỹ với thị phần lần lượt là 20% và 16%.

Trong khi đó, ba nước Đông Nam Á gồm Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đang cố gắng chiếm thị phần tôm hùm ở đất nước láng giềng này. Năm 2023, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam chiếm khoảng 6,8% thị phần nhập khẩu tôm hùm của Trung Quốc, tăng gấp đôi so với năm 2019. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy Indonesia hiện là nhà cung cấp tôm hùm lớn thứ 5 của Trung Quốc, với kim ngạch đạt 18,27 triệu USD trong năm 2023, tăng gần 44% so với năm trước. Nước này hiện chiếm 2,9% tổng kim ngạch nhập khẩu tôm hùm của Trung Quốc. Thái Lan đang nhà cung cấp lớn thứ 7, ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tôm hùm vào Trung Quốc tăng gấp 160 lần kể từ năm 2019, từ 88.123 USD lên 14,1 triệu USD năm ngoái, tương đương thị phần 2,2%.

Đáng tiếc, tôm hùm bông Việt Nam chưa có quy trình sản xuất giống tôm hùm tiên tiến, nhiều ngư dân còn đánh bắt tôm hùm giống hoang dã. Việc này rõ ràng vi phạm quy định về bảo vệ động vật của Trung Quốc. Chính vì vậy, năm ngoái Trung Quốc đã dừng nhập khẩu nhiều loại tôm hùm từ Việt Nam. Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu tôm hùm Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm đáng kể từ gần 39% tổng kim ngạch vào năm 2022 xuống còn 1,7% (tương đương năm 2019). Khiến Việt Nam tụt xuống vị trí nhà cung cấp tôm hùm lớn thứ 8, sau Thái Lan và Indonesia.

Từ năm 2020, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm hùm từ Úc đã tạo ra khoảng trống thị trường khổng lồ cho các nhà cung cấp tôm thế giới. Trước khi lệnh cấm có hiệu lực, Úc từng chiếm tới 50% kim ngạch nhập khẩu tôm hùm của Trung Quốc. Nhờ đó, năm ngoái Mỹ đã chiếm được gần 16% thị phần tôm hùm nhập khẩu tại đất nước này (trước đó chỉ chiếm 2,9% vào năm 2019). Giá trị thương mại liên quan tới mặt hàng này đã tăng gấp 3,5 lần lên 97,33 triệu USD.

Trước đây, Trung Quốc đã nhập khẩu tới hơn 900 triệu USD tôm hùm mỗi năm. Nhưng từ năm 2021, con số này giảm xuống chỉ còn khoảng 600 triệu USD. Năm ngoái, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 629 triệu USD tôm hùm, giảm 31% so với năm 2020.

Với những triển vọng trên, Tại buổi báo cáo kết quả Đoàn công tác của Thứ trưởng Trần Thanh Nam tại Trung Quốc diễn ra chiều ngày 22/1; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường tiềm năng của Việt Nam, không chỉ 5 - 10 năm sau mà còn lâu hơn nữa. Bộ trưởng nhấn mạnh, quy luật truy xuất nguồn gốc, mã vùng nuôi/vùng trồng là điều bắt buộc, không chỉ để đáp ứng yêu cầu từ thị trường xuất khẩu là Trung Quốc mà còn để đảm bảo an toàn thực phẩm cho 100 triệu dân trong nước.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác