Xuất khẩu cá tra vẫn lạc quan (18-02-2023)

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam trong tháng cuối năm 2022 và tháng 1/2023 giảm mạnh, nhưng nhiều chuyên gia đánh giá, cá tra vẫn có triển vọng lạc quan về thị trường trong năm 2023, nhất là tại Mỹ và Trung Quốc.
Xuất khẩu cá tra vẫn lạc quan
Cá tra là loài phàm ăn, tốc độ sinh trưởng nhanh (ảnh: Hải Đăng)

Lập kỷ lục mới

Theo Tổng cục Thủy sản, ước cả năm 2022, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.500 ha, sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn, tăng tương ứng 4% và 3,5% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 2,4 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2021, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, cá tra là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản với sản lượng hàng năm khoảng 30% tổng sản lượng nuôi trồng trên cả nước. Giá trung bình xuất khẩu cá tra fillet tăng từ 28 - 66%. Giá cá tra nguyên liệu 27.000 - 29.000 đồng/kg, cao hơn 7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021.

Bộ NN&PTNT nhận định, năm 1997 lần đầu tiên cá tra tham gia vào thị trường thế giới, xuất khẩu chỉ thu về 1,6 triệu USD. Năm 2008, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 1 tỷ USD. Đến 10 năm sau, xuất khẩu cá tra vượt mốc 2 tỷ USD vào năm 2012. Đặc biệt, xuất khẩu cá tra năm 2022 với 2,4 tỷ USD đã vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỷ USD.

Xuất khẩu và giá giảm trong tháng đầu năm

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 1/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chỉ đạt gần 600 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mực, bạch tuộc và các loài cá biển khác nhích nhẹ nhưng cá tra, tôm, cá ngừ đều giảm sâu ở mức hai con số, riêng cá tra giảm 50%. Tín hiệu đi xuống của tiêu thụ cá tra đã rõ nét từ quý cuối năm 2022, với kim ngạch 475 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ 2021.

Không chỉ kim ngạch xuất khẩu giảm mà giá cá tra Việt Nam xuất khẩu trong tháng 12/2022 và đầu tháng 1/2023 cũng giảm nhẹ. Tuy nhiên vẫn có một vài thị trường có sự tăng trưởng nhẹ.

Theo Undercurrentnews, giá cá tra xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và Mỹ trong tháng 1/2023 tiếp tục giảm sau khi giảm mạnh vào cuối năm 2022, trong khi đó giá cá tra xuất khẩu đến EU lại tăng nhẹ.

Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam, đã chứng kiến giá giảm 7,5% trong tháng 1/2023, đạt mức thấp nhất kể từ mùa thu năm 2021 ở mức trung bình 2,11 USD/kg.

Giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021, xuống còn 2,96 USD/kg vào tháng 12/2022 và sau đó ổn định trong tháng 1/2023. Tuy nhiên xét trong bối cảnh 5 năm, những mức giá này là tương đối bình thường, đây là những mức giá được thấy trong năm 2019 và 2020, giữa mức tăng đột biến vào năm 2018 và sự biến động của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, trên thị trường EU, giá tất cả các loài đều ở mức trung bình đối với tất cả sản phẩm và có thể chiếm tỷ lệ cao hơn đối với các sản phẩm cao cấp, chẳng hạn như cá tra fillet không mạ băng so với các thị trường khác.

Tại các thị trường ASEAN, giá cá tra Việt Nam tháng 1/2023 chỉ giảm nhẹ so với tháng 12/2022 và chỉ thấp hơn một chút so với cùng tháng năm 2022. Không giống như một số thị trường khác, thị trường ASEAN không chứng kiến giá giảm mạnh trong năm qua, thay vào đó là mức giá giảm dần.

Tại Anh, giá xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong tháng 1/2023 thấp hơn so với 2 năm trước đó, ở mức 3,32 USD/kg. Tuy nhiên, giá này vẫn cao hơn khoảng 0,3 USD/kg so với mức đã giảm trong tháng 12/2022, sau khi giảm khá mạnh từ mùa hè.

Brazil lại khác, giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này trong tháng đầu tiên của năm 2023 cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn 0,1 USD/kg so với tháng 12/2022. Tuy nhiên, giá vẫn cao hơn gần 1 USD/kg so với năm 2021.

Cá tra phi lê xuất khẩu (ảnh: Hải Đăng)

Cuối cùng, thị trường Mexico chứng kiến giá tăng nhẹ so với tháng 12/2022, nhưng mức 2,39 USD/kg, thấp hơn mức 2,6 USD/kg của tháng 1/2022.

Nhiều cơ hội để tăng tốc

Dù có sự sụt giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu trong tháng đầu năm 2023, nhưng VASEP cho rằng, cá tra Việt Nam vẫn có triển vọng khả quan trong năm 2023, nhờ những tín hiệu tích cực từ 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ. Năm ngoái, đây là hai bạn hàng chủ lực, chiếm tỷ trọng lần lượt 30% và 23% của xuất khẩu cá tra.

Trước hết, tại thị trường lớn nhất là Trung Quốc, việc chính sách “Zero COVID” được bãi bỏ đang tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang thị trường này, trong đó có cá tra, mặt hàng số 1 của thủy sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Người Trung Quốc đang có xu hướng ưa chuộng cá tra hơn cá rô phi (sản phẩm nuôi chủ lực của nước này), cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc.

Còn tại thị trường Mỹ, triển vọng thị trường cá thịt trắng được dự báo tích cực trong năm 2023, nhất là với những loại cá có giá cả phù hợp với tình hình kinh tế khó khăn như cá tra, cá rô phi…

Tại Hội nghị Thị trường Thủy sản Toàn cầu (GSMC) diễn ra trong tháng 1/2023 tại Mỹ, nhiều chuyên gia thủy sản thông tin, lệnh cấm của Nga và nguồn cung giảm đã gây ra những thách thức đối với cá tuyết. Theo đó, dự báo Mỹ sẽ tiêu thụ nhiều cá minh thái hơn nữa trong năm 2023. Bên cạnh đó, cá tra, cá rô phi cũng thêm nhiều cơ hội tại thị trường này với nguồn cung dồi dào.

Galletti, Chủ tịch của Southwind, Công ty kinh doanh Great American Seafood Imports cho rằng, với việc kinh tế Mỹ đang rơi vào suy thoái, cá tra và cá rô phi sẽ mở ra cơ hội cho các công ty thủy sản cung cấp một loại protein có thể nuôi sống một gia đình 4 - 5 người với giá 15 - 20 USD.

Cá tra Việt Nam cũng rất “rộng cửa” để tiến vào các thị trường khác, chẳng hạn như Mexico. Mexico cam kết xóa bỏ thuế cho cá tra từ năm thứ 3 của CPTPP, do vậy mặt hàng này đã được miễn thuế nhập khẩu vào Mexico. Đây chính là cơ hội để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang thị trường Mexico. Năm 2022, Mexico là thị trường lớn thứ 3 của cá tra Việt Nam với giá trị xuất khẩu sang thị trường này là 105,1 triệu USD. Trong cơ cấu các mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Mexico, cá tra chiếm tỷ trọng áp đảo tới 82%.

Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng ven biển, công bố năm 2021, cho thấy, trong 8 năm trở lại đây mức độ tiêu thụ thủy sản bình quân trên đầu người ở Mexico là 12 - 13 kg/năm. Lượng tiêu thụ thủy sản như vậy là còn thấp nếu so sánh với các nguồn thực phẩm giàu đạm khác như thịt heo, thịt bò, thịt gà.

Bên cạnh đó, Trung Đông cũng được đánh giá là một khu vực kinh tế ổn định trong năm 2022, 2023 và cũng là thị trường tiêu thụ cá tra tiềm năng. Hiện tại, thị trường này mới chỉ chiếm 6% tổng xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Năm 2022, chiến sự Nga - Ukraine căng thẳng, nguồn cung dầu mỏ từ Nga hạn chế là cơ hội để các nước Trung Đông thu lợi nhuận, do vậy kinh tế của khu vực này vẫn tăng trưởng lạc quan và tăng cao hơn so với năm 2021. Mặc dù cũng bị lạm phát cao nhưng nhìn chung nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của các nước Trung Đông không bị ảnh hưởng nặng nề như các thị trường khác. Đó là yếu tố để doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Đông.

Ngoài ra, khối thị trường CPTPP vẫn có sức hút với các doanh nghiệp cá tra vì lợi thế thuế quan và một số thị trường trong khối có tăng trưởng kinh tế ổn định và khả quan so với các thị trường khác.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác