Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tăng chậm lại trong năm 2023 (07-02-2023)

Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương mới đây đã đưa ra dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc dự kiến sẽ tăng chậm lại, đặc biệt trong nửa đầu năm 2023, nửa cuối năm sẽ khả quan hơn. Tuy vậy, nhiều chuyên gia nhận định, việc mở cửa biên giới và nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 gần đây của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ là “cú hích” giúp xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tăng chậm lại trong năm 2023
Ảnh: Cá tra phi lê đông lạnh tại siêu thị Trung Quốc

Thị trường tỷ đô

Tháng 12/2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 785 triệu USD, tiếp tục mức giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng liên tục trong 10 tháng đầu năm nên cả năm 2022, xuất khẩu thủy sản của nước ta vẫn cán địch 11 tỷ USD, tăng gần 24% so với năm 2021.

Trong tháng 12/2022, xuất khẩu tôm giảm 21% so với cùng kỳ, đạt 260 triệu USD, sau khi giảm 18% trong tháng 11. Cả năm 2022, ngành tôm đã ghi nhận kỷ lục trên 4,3 tỷ USD, trong đó tôm chân trắng đạt 3,1 tỷ USD, tôm sú đạt gần 570 triệu USD, tôm hùm 278 triệu USD, còn lại là các loài tôm song và tôm biển khác.

Cá tra đã mang về hơn 2,4 tỷ USD, tăng 52% so với năm 2021. Trong tháng 12/2022, xuất khẩu cá tra cũng giảm mạnh 23% so với cùng kỳ, đạt 166 triệu USD.

Mặc dù cũng sụt giảm 22% trong tháng 12/2022 với doanh số trên 68 triệu USD, nhưng ngành cá ngừ đã cán mốc 1 tỷ USD lần đầu tiên trong hơn 20 năm xuất khẩu. Xuất khẩu mực bạch tuộc mang về 764 triệu USD, tăng 26% so với năm 2021.

Các sản phẩm cá khác như cá cơm, cá nục, cá thu và nhiều loài cá biển khác đã đóng góp doanh số lớn 2 tỷ USD trong năm 2022, cao hơn 22% so với năm 2021.

Về thị trường, từ nhiều năm nay, Trung Quốc trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất và là thị trường “tỷ đô” của thủy sản Việt Nam. Giá trị xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt mức cao nhất trong lịch sử năm 2019 với trên 1,2 tỷ USD, qua đó đưa thủy sản vào top 3 mặt hàng có giá trị lớn nhất trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản xuất sang Trung Quốc. Nhưng sau đó, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc liên tục giảm và xuống dưới mức 1 tỷ USD vào năm 2021. Thủy sản cũng rời khỏi top 3 những mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang thị trường này.

Tuy nhiên, từ đầu 2022 đến nay, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đã có sự tăng trưởng trở lại và thậm chí “lợi hại hơn xưa”. Theo Cục Xuất Nhập khẩu, năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh so với năm 2021, mặc dù Trung Quốc áp dụng chiến lược “Zero COVID-19” trong cả năm, nhưng các doanh nghiệp đã quen và đáp ứng được các yêu cầu kiểm dịch của nước này. Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc năm 2022 đạt 476,8 nghìn tấn, trị giá 1,57 tỷ USD, tăng 32,7% về lượng và tăng 61,2% về giá trị so với năm 2021.

Năm 2022, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chủ lực sang Trung Quốc đều tăng trưởng mạnh so với năm 2021 như: Cá tra tăng 30,1% về lượng và tăng 59,8% về giá trị; tôm các loại tăng 33,2% về lượng và tăng 76,6% về giá trị; cá khô tăng 71,4% về lượng và tăng 80,8% về giá trị; mực các loại tăng 27% về lượng và tăng 49% về giá trị.

Tiềm năng và xu hướng

Theo rodaint.com, Trung Quốc tiêu thụ số lượng hải sản lớn nhất thế giới, do đó, đây cũng là quốc gia nhập khẩu nhiều thủy sản nhất. Tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc chiếm 45% khối lượng toàn cầu, tương đương 65 triệu tấn trong tổng số 144 triệu tấn. Tiếp theo là Liên minh châu Âu 13 triệu tấn, Nhật Bản 7,4 triệu tấn, Mỹ 7,1 triệu tấn và Ấn Độ 4,8 triệu tấn.

Ảnh: Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới.

Thị trường thủy sản Trung Quốc đang bùng nổ mang đến cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu thủy sản quốc tế. Mức tiêu thụ thủy sản ở Trung Quốc đã tăng từ 11,5 kg/người năm 1990 lên 25,4 kg năm 2004, dự kiến đạt 35,9 kg trong năm 2021, tương đương khoảng 52 triệu tấn. Dự đoán giai đoạn 2022 - 2023, tiêu thụ thủy sản của nước này sẽ tăng lên khoảng 39 - 40 kg/người (58 triệu tấn với dân số 1,5 tỷ người), tới năm 2028 dự báo tiêu thụ thủy sản tăng tới trên 44 kg/người (64 triệu tấn).

Theo truyền thống, người tiêu dùng Trung Quốc thích thủy sản tươi sống hơn thực phẩm chế biến, vì vậy tiêu thụ thủy sản chế biến trong nước tương đối thấp. Tuy nhiên, tiêu thụ thủy sản chế biến dự kiến sẽ tăng đều đặn do những cải tiến trong hệ thống chế biến, phân phối và chuỗi lạnh của Trung Quốc, cũng như sự gia tăng số lượng người tiêu dùng trẻ tuổi.

Trung Quốc đã tạo ra nhu cầu rất lớn trên thị trường thủy sản toàn cầu. Theo báo cáo “Sự thay đổi khẩu vị của người Trung Quốc” của Rabobank, trong vài năm tới, Trung Quốc có khả năng trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản trị giá 20 tỷ USD. Sức tiêu dùng của người dân Trung Quốc được cải thiện là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản toàn cầu. Hàng năm, các nước trên thế giới xuất khẩu lượng lớn thủy sản sang Trung Quốc.

Top 10 nhà nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Trung Quốc gồm Nga, Ecuador, Ấn Độ, Canada, Việt Nam, Mỹ, Indonesia, Australia, Na Uy và Thái Lan. Nhập khẩu từ 10 quốc gia này chiếm gần 70% tổng nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc.

Mười sản phẩm thủy sản nhập khẩu phổ biến nhất tại thị trường Trung Quốc là: Tôm, tôm hùm, cá minh thái đông lạnh, cua, cá hồi, cá tuyết đông lạnh, mực nang, mực ống, fillet cá da trơn và cá bơn đông lạnh.

Xét về mức độ phổ biến, các sản phẩm thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất ở Trung Quốc là tôm, cá bơn sao và mực. Việc người tiêu dùng Trung Quốc theo đuổi thủy sản chất lượng cao và tốt cho sức khỏe cũng được phản ánh trong các sản phẩm cao cấp như tôm hùm, cá hồi, cua huỳnh đế, bào ngư và sò điệp. Những sản phẩm chất lượng cao ngày càng trở nên phổ biến hơn đối với người tiêu dùng trung lưu và sự bổ sung của các kênh thương mại điện tử đã làm tăng đáng kể sự tiện lợi khi mua hàng của người tiêu dùng.

Vẫn nhiều cơ hội

Cục Xuất Nhập khẩu nhận định, năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc dự kiến sẽ tăng chậm lại, đặc biệt trong nửa đầu năm. Mặc dù hầu hết người dân Trung Quốc đã thích ứng với COVID-19, nhưng nhu cầu dự kiến vẫn thấp do dịch bệnh kéo dài 3 năm khiến thu nhập của hầu hết các hộ gia đình giảm.

Tuy nhiên, cũng theo Cục Xuất Nhập khẩu, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc nửa cuối năm 2023 sẽ khả quan hơn so với nửa đầu năm. Bởi mới đây, ngày 8/1/2023, Cơ quan Quốc gia về Quy định thị trường của Trung Quốc đã chính thức ngừng xét nghiệm và khử trùng COVID-19 đối với thực phẩm đông lạnh và ướp lạnh. Cơ quan Hải quan Trung Quốc cũng đã ngừng xét nghiệm COVID-19 đối với các lô hàng đông lạnh và ướp lạnh đến các cảng của nước này. Nhờ đó, chi phí nhập khẩu thủy sản đông lạnh và ướp lạnh vào Trung Quốc sẽ giảm so với trước đây. Trong nửa cuối năm 2023, việc mở cửa nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phát huy tác dụng, kinh tế phục hồi khả quan hơn, thu nhập của người dân tăng sẽ hỗ trợ tiêu dùng thủy sản. Điều này được kỳ vọng sẽ là “cú hích” giúp xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023.

Mới đây, Bộ NN&PTNT cho biết, hệ thống hướng dẫn đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc (CIFER), thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức phê duyệt, bổ sung thêm 23 cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc. Lũy kế đến đầu năm 2023, hệ thống CIFER của Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ghi nhận 802 doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang nước này.

Trong năm 2023, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục xử lý các vướng mắc liên quan đến đăng lý doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc trên hệ thống CIFER, bổ sung sản phẩm vào Danh mục được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, phối hợp với Cơ quan thẩm quyền Trung Quốc tiếp tục xử lý các trường hợp lô hàng thủy sản bị cảnh báo tại thị trường nhập khẩu.

Việc có thêm nhiều doanh nghiệp thủy sản được phép xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc ở thời điểm nước này vừa mở cửa kinh tế, hứa hẹn sẽ góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường hơn 1 tỷ dân khởi sắc.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đánh giá, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng, Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong năm 2023 nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác.

          Trong các mặt hàng xuất khẩu, bà Lê Hằng nhận định, cá tra sẽ có lợi hơn tôm do doanh nghiệp có sẵn quan hệ thương mại với các đối tác Trung Quốc, cá tra Việt Nam có thể lấp đầy khoảng trống cá thịt trắng từ Nga trong bối cảnh xung đột chính trị vẫn chưa đến hồi kết.

Còn đối với mảng tôm, Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn nhưng tôm Việt Nam khó cạnh tranh ở Trung Quốc ở cả phân khúc cao cấp và nguyên liệu. Do vậy, các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng sang các thị trường tiềm năng khác như Nhật Bản, EU...

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác