Tiền Giang: phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh đạt khoảng 650 triệu USD (08-09-2021)

Vừa qua, UBND tỉnh Tiền Giang  đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 174/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của Tỉnh đạt khoảng 650 triệu USD, trong đó, thủy sản đạt 416 triệu USD.
Tiền Giang: phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh đạt khoảng 650 triệu USD
Ảnh minh họa

Kế hoạch đặt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông thủy sản; tập trung thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu của Tỉnh nhằm đáp ứng được các quy định của thị trường nhập khẩu; tiếp tục định vị và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông thủy sản của tỉnh Tiền Giang trên thị trường Quốc tế.

Cụ thể, đến năm 2025: kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của Tỉnh đạt khoảng 520 triệu USD, trong đó, thủy sản đạt 332 triệu USD, các mặt hàng nông lâm thủy sản khác đạt khoảng 17 triệu USD. Đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản đạt khoảng 650 triệu USD, trong đó, nhóm nông lâm thủy sản chính đạt khoảng 214 triệu USD, thủy sản đạt 416 triệu USD,..

Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh Tiền Giang đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cụ thể như sau:

Tổ chức lại sản xuất, tạo nguồn hàng xuất khẩu: rà soát, điều chỉnh lại Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu để bảo đảm phát triển bền vững; thực hiện các giải pháp về phát triển vùng sản xuất và triển khai có hiệu quả các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ lực, các đề án, dự án trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp của Tỉnh.

Hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các yêu cầu tham gia xuất khẩu: hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng công nghệ mới kéo dài thời gian bảo quản; xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, tem,..; hỗ trợ xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật chất lượng nông lâm thủy sản.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu: đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, sản phẩm tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và có nhiều tiềm năng. Trong đó, lựa chọn xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực; tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm để tìm kiếm đối tác liên kêt tiêu thụ sản phẩm nông thủy sản chủ lực của Tỉnh, khảo sát hội trợ, triển lãm quốc tế,..

Bên cạnh đó, còn có các nhiệm vụ tập huấn, tuyên truyền kiến thức pháp luật về hoạt động xuất khẩu; đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách xuất khẩu nông lâm thủy sản,.. để đạt được các mục tiêu trên của Kế hoạch.

Nhằm triển khai thực hiện các nhiêm vụ, mục tiêu trên một cách đồng bộ, hiệu quả, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang giao Sở Nông nghiệp và PTNT, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo sự thông thoáng và thuận lợi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến xuất khẩu; tháo gỡ rào cản kỹ thuật về dư lượng hóa chất, an toàn thực phẩm do thị trường nhập khẩu đặt ra.

Hướng dẫn, hỗ trợ cấp mã số vùng nuôi trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật từ nguyên liệu đầu vào và chất lượng sản phẩm đầu ra, đảm bảo an toàn thực phẩm; phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu thông qua Chương trình thương hiệu quốc gia và tham gia các hội chợ, triển lãm để tìm kiếm đối tác liên kết tiêu thụ sản phẩm nông thủy sản chủ lực và tiếp tục thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn.

Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng tháo gỡ kháo khăn, vướng mắc, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản như quy định về an toàn thực phẩm; thu thập thông tin thị trường nước ngoài để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận, định hướng hoạt động sản xuất sản phẩm xuất khẩu; tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho các doanh nghiệp có xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường tham gia các Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam; kịp thời cung cấp thông tin liên quan việc cấp giấy C/O cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các loại nông, thủy sản chủ lực của tỉnh thông qua các hoạt động như: tổ chức và tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa trong và ngoài nước và tích cực vận động các doanh nghiệp ngành hàng nông, thủy sản của Tỉnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, xúc tiến  thương mại nông thủy sản xuất khẩu.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch cụ thể để phát triển sản phẩm xuất khẩu nông lâm thủy sản chủ lực trên địa bàn gắn với vùng nguyên liệu, thế mạnh của địa phương; nắm bắt tình hình xuất khẩu tại địa phương và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất khẩu trên địa bàn quản lý.

Ngoài ra, các Sở: Khoa học và Công nghệ; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Giao thông vận tải; các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh thực hiện nghiêm theo chức năng, nhiệm vụ được giao để đạt được các mục tiêu theo Kế hoạch đề ra.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác