Quy định về Xuất – Nhập khẩu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác (12-04-2019)

Ngày 08/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Trong đó, có một số nội dung quy định về Xuất – Nhập khẩu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác.
Quy định về Xuất – Nhập khẩu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác
Ảnh minh họa

Để thực hiện kiểm soát tốt các hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, Nghị định 26/2019/NĐ-CP đã hướng dẫn tại Điều 70 như sau:

Đối với vấn đề cảng biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ định và công bố danh sách cảng biển cho tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng để thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác qua lãnh thổ Việt Nam và thông báo danh sách cảng được chỉ định cho Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO).

Trước khi cập cảng 24 giờ, tổ chức/cá nhân có tàu vận chuyển thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác (để nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam) phải thông báo với Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Mẫu số 17.KT (Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định) qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Trong thời hạn 24 giờ (kể từ khi nhận được thông tin của tổ chức/cá nhân có nhu cầu cập cảng), Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, xác minh thông tin về nguồn gốc thủy sản, sản phẩm thủy sản trên tàu; Từ đó, quyết định: Cho phép tàu cập cảng và thông báo với Cơ quan quản lý cảng (nếu tàu không vi phạm liên quan đến khai thác bất hợp pháp hoặc hỗ trợ cho khai thác bất hợp pháp); Hoặc từ chối cho tàu cập cảng và thông báo với Cơ quan quản lý cảng (nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến khai thác bất hợp pháp hoặc hỗ trợ cho khai thác bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng); Đồng thời, công bố và thông báo về Quyết định từ chối cập cảng cho quốc gia mà tàu mang cờ, các quốc gia ven biển lân cận, Tổ chức quản lý nghề cá khu vực và Tổ chức có liên quan.

Đối với tàu nước ngoài khi tàu cập cảng, Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyền kiểm tra tàu nước ngoài ngay sau khi tàu cập cảng (trừ trường hợp tàu chở hàng container có kẹp chì và không lên thủy sản, sản phẩm thủy sản tại Việt Nam) hoặc khi có yêu cầu của quốc gia tàu mà mang cờ, quốc gia ven biển có liên quan; Đảm bảo công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử và không gây phiền hà trong quá trình kiểm tra; không làm ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản trên tàu. Cán bộ kiểm tra có chuyên môn và am hiểu pháp luật về thủy sản; trong trường hợp cần thiết, mời đại diện của quốc gia mà tàu mang cờ tham gia kiểm tra.

Các nội dung được kiểm tra gồm có: Thông tin về tàu (tên tàu, số tàu, số IMO); thông tin về chủ tàu, giấy phép khai thác, giấy phép chuyển tải, sản lượng và thành phần loài thủy sản, ngư cụ, tài liệu theo yêu cầu của Công ước CITES (nếu có). Các tài liệu phải cung cấp cho Cơ quan kiểm tra là Giấy phép khai thác, Giấy đăng ký tàu cá; Giấy phép chuyển tải, các báo cáo chuyển tải và thông tin của tàu chuyển mạn (Giấy phép, Giấy đăng ký) và tài liệu về thông tin của tàu chuyển tải; Tài liệu khác liên quan đến thông tin khai báo trước khi cập cảng.

Đầu tiên, Cán bộ kiểm tra xuất trình giấy tờ thể hiện công vụ trước thuyền trưởng; tiến hành kiểm tra theo các nội dung quy định và thông tin trong Mẫu số 18.KT (Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định). Về phía thuyền trưởng, phải cung cấp thông tin đã khai báo và xuất trình giấy tờ theo quy định cũng như các loại giấy tờ khác (liên quan đến nội dung kiểm tra và thông tin đã khai báo trước khi cập cảng).

Biên bản kiểm tra được lập thành 02 bản, theo Mẫu số 18.KT (Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định). Thuyền trưởng và đơn vị kiểm tra mỗi bên giữ 01 bản và gửi cho quốc gia mà tàu cá treo cờ qua địa chỉ mail do Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) công bố. Khi có căn cứ về lô hàng, tàu cá khai thác bất hợp pháp hoặc hỗ trợ cho khai thác bất hợp pháp, Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ chối không cho thủy sản, sản phẩm thủy sản lên cảng và thông báo với Ban quản lý cảng không cho sử dụng các dịch vụ tại cảng; đồng thời thông báo cho quốc gia mà tàu mang cờ, quốc gia ven biển, Tổ chức quản lý nghề cá khu vực, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức quốc tế có liên quan, quốc gia mà thuyền trưởng của tàu cá đó là công dân về kết quả kiểm tra và biện pháp xử lý vi phạm.

Trường hợp đã từ chối cho tàu cập cảng nhưng vẫn cố tình cập cảng hoặc vì lý do bất khả kháng bắt buộc phải cập cảng, Cơ quan quản lý cảng phải thông báo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng và lập biên bản kiểm tra theo Mẫu số 19.KT (Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định); Đồng thời, tiến hành xử lý vi phạm (nếu có). Trường hợp cưỡng chế tàu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì phải thông báo đến quốc gia có liên quan đến tàu và lịch trình di chuyển của tàu.

Nghị định 26/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/4/2019.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác