Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Myanmar (20-04-2018)

Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Myanmar tiếp tục gặt hái nhiều thành quả mới. Điều này sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Hợp tác kinh tế song phương đã có những bước phát triển mạnh: Khối lượng thương mại hai chiều năm 2017 đạt gần 830 triệu USD, vượt mục tiêu kim ngạch 500 triệu USD mà hai nước đã đặt ra. Việt Nam vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Myanmar.
Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Myanmar
Ảnh minh họa

Đánh giá tiềm năng phát triển

Việt Nam và Myanmar đã thiết lập quan hệ ngoại giao hơn 40 năm và không ngừng phát triển. Myanmar là quốc gia có nhiều tiềm năng với nguồn tài nguyên phong phú và diện tích lớn thứ hai trong ASEAN. Những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Myanmar ngày càng đạt được sự phát triển khả quan. Tốc độ buôn bán hai chiều đạt mức tăng trưởng bình quân khoảng 27,3%/năm ghi nhận trong giai đoạn 2010-2016 và đạt mức tăng 50,9% trong năm 2017.

Tại thị trường Myanmar, Việt Nam là một trong những nước tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại sớm nhất. Hàng năm, các hoạt động xúc tiến thương mại sang Myanmar được Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức thường xuyên; Sản phẩm của Việt Nam được khách hàng Myanmar ưa chuộng, do chất lượng tốt và có giá thấp hơn hai đối thủ cạnh tranh Trung Quốc, Thái Lan.

Tuy nhiên, hàng Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước có sản phẩm tương đồng. Bên cạnh đó, còn gặp bất lợi về thời gian vận chuyển dài, chi phí vận chuyển cao, mất nhiều thời gian làm thủ tục hải quan và kiểm dịch... Do đó, nếu muốn chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp chuyên nghiệp như Thái Lan, Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải xây dựng chiến lược bài bản khi quyết định thâm nhập thị trường Myanmar.

Nắm chắc quy định của Myanmar

Myanmar đang trong quá trình hội nhập nên các quy định của họ liên tục được cập nhật, thay đổi. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này, phải tích cực, chủ động tìm hiểu. Ví dụ như Myanmar có những quy định rất bất lợi cho doanh nghiệp nước ngoài, không cho đứng tên nhập khẩu hàng mà phải thông qua đại lý phân phối là doanh nghiệp bản địa. Với cách làm này, nếu có tranh chấp thì người Việt sẽ thua thiệt.

Các chính sách thuế, hải quan cũng cần phải nắm rõ. Bên cạnh đó, chú trọng nghiên cứu văn hóa tiêu dùng để chọn cách tiếp cận đối tác phù hợp. Hàng hóa ghi rõ thông tin sản phẩm và giá bán bằng tiếng Myanmar hoặc tiếng Anh để người mua dễ dàng nhận biết. Đối với việc thời gian vận chuyển hàng từ Việt Nam đến Myanmar khá dài, các doanh nghiệp phải tính toán kỹ, đảm bảo thời gian giao hàng mà vẫn tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Lợi thế cho doanh nghiệp Việt: Quan hệ Việt Nam - Myanmar toàn diện, sâu sắc

Trong hai ngày 19-20/4/2018, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar đã lần đầu tiên đến thăm chính thức Việt Nam.

Trước đó, chuyến thăm của cựu Tổng thống Myanmar Htin Kyaw tới Việt Nam tháng 10/2016 đã tạo thêm cơ sở để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Myanmar. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Myanmar tháng 8/2017 đã đánh dấu mốc quan trọng, nâng cấp quan hệ hai nước lên "Đối tác Hợp tác toàn diện".

Chuyến thăm lần này của bà Aung San Suu Kyi không chỉ tiếp nối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước mà còn khẳng định quan hệ hợp tác toàn diện về mọi mặt, tạo cơ sở vững chắc thúc đẩy quan hệ "Đối tác Hợp tác toàn diện" ngày càng phát triển, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc hội đàm song phương và lãnh đạo hai bên sẽ ký kết nhiều văn bản hợp tác quan trọng. Để hiện thực hoá quan hệ "Đối tác Hợp tác toàn diện", hai bên sẽ thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác không chỉ trong lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng, mà cả trong các lĩnh vực kinh tế, nông - lâm - thủy sản, viễn thông, giáo dục...  

Mối quan hệ hợp tác này chứng tỏ hai nền kinh tế bổ sung cho nhau - đôi bên cùng có lợi; đặc biệt khi chính phủ Myanmar đang tiến hành cải cách kinh tế rộng rãi, trong các lĩnh vực thương mại nông nghiệp, đầu tư, chế biến thủy sản, du lịch và dịch vụ.

Với kinh nghiệm hơn 40 năm giao lưu hợp tác, cộng với nỗ lực chung, quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Myanmar sẽ gặt hái được nhiều thành quả mới, to lớn hơn, đáp ứng lợi ích thiết thực của hai dân tộc.

 Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác