Xuất khẩu thủy sản và các nước kém phát triển (29-08-2017)

Một nghiên cứu mới của Diễn đàn của Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển UNCTAD xem xét tiềm năng phát triển của ngành thủy sản ở một số nước kém phát triển nhất ở Châu Phi và Châu Á, đưa ra các khuyến nghị về chính sách để vượt qua những thách thức về cung và cầu.
Xuất khẩu thủy sản và các nước kém phát triển
Ảnh minh họa

Thủy sản là một trong những mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên thế giới và với dân số toàn cầu đang tăng lên đến 9,7 tỉ người vào năm 2050, thì nhu cầu về thủy sản cũng sẽ gia tăng. Điều này mang lại các cơ hội thương mại có giá trị. Ngoài phục vụ cho tiêu dùng của con người, nhu cầu về các nguồn lợi thủy sản được dự báo sẽ tăng lên trong những thập kỷ tới do nhu cầu về dầu cá và thức ăn gia súc gia tăng.

Sản lượng đánh bắt tự nhiên sẽ không đáp ứng được sự gia tăng nhu cầu thủy sản. Cần phải có các hành động có chủ ý của các nước kém phát triển (LDCs) để tăng cường phát triển nuôi trồng thủy sản nhằm đáp ứng sự gia tăng này.

Các tài liệu nghiên cứu của UNCTAD cho thấy trong ba thập niên qua, sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu đã tăng gấp ba, với tốc độ tăng hàng năm là 8,3%. Năm 2014, nuôi trồng thủy sản chiếm 46% sản lượng thủy sản thế giới so với 26% vào năm 1994.

Nghề cá, cả ven biển và trong đất liền, mang lại tiềm năng phát triển kinh tế xã hội đáng kể đối với một số nước kém phát triển. Nhiều quốc gia có lợi thế so sánh về các nguồn lợi thủy sản do sự kết hợp giữa lao động giá rẻ và các vùng nước có nhiều loài thủy sản có giá trị cao.

Các lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường của ngành thủy sản là đáng kể. Ngoài việc tạo ra việc làm và tăng các nguồn thu ngoại tệ, đánh bắt thủy sản cung cấp một nguồn protein chính ở nhiều nước kém phát triển và đóng vai trò quan trọng để cải thiện an ninh lương thực. Nghiên cứu kêu gọi các chính phủ và các bên liên quan ở các nước kém phát triển xem ngành thủy sản là động lực chính để giúp các nước đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Ngành thủy sản cũng là một sự thay thế khả thi đối với ngành sản xuất chế tạo như một nguồn tăng trưởng xuất khẩu. Các nước đang phát triển nói chung đã tăng đáng kể thị phần xuất khẩu thủy sản thế giới, từ 34,6% năm 1981 lên 50,2% vào năm 2013. Tuy nhiên, mặc dù trữ lượng thủy sản phong phú, nhưng không nhiều nước LDC có thể làm theo xu hướng này và thị phần của họ trong xuất khẩu thủy sản toàn cầu chỉ tăng nhẹ, từ 1,6 đến 3,5% trong cùng kỳ. Nghiên cứu của UNCTAD cho thấy ngành thủy sản ở các nước kém phát triển chủ yếu là truyền thống hoặc thủ công.

Trong nghiên cứu của mình, UNCTAD trình bày các nghiên cứu điển hình của sáu trong số 47 quốc gia LDCs trên thế giới như Bangladesh, Campuchia, Comoros, Mozambique, Myanmar và Uganda và xác định hàng loạt các thách thức về phía cung và cầu ảnh hưởng đến vai trò của ngành thủy sản các nước này.

Về phía cung, những thách thức chính là việc thiếu các cơ sở vận chuyển và lưu kho; cơ sở hạ tầng năng lượng nghèo nàn và chi phí điện cao; Thiếu đầu tư, tài chính hoặc tín dụng cho các nhà kinh doanh nhỏ; Đánh bắt quá mức và cạn kiệt tài nguyên thủy sản; ô nhiễm nguồn nước; và thiếu các chính sách thủy sản chung giữa các quốc gia chia sẻ tài nguyên nước.

Về phía cầu, các sản phẩm thủy sản của LDC phải đối mặt với rất ít hoặc không có hàng rào thuế quan ở các thị trường các nước phát triển. Tuy nhiên, rào cản thương mại phi thuế quan lớn nhất đối với các nhà sản xuất và chế biến từ các nước kém phát triển là các hệ thống chất lượng và an toàn nghiêm ngặt đối với các sản phẩm thủy sản ở các thị trường nước ngoài lớn, được thành lập vào những năm 90 và 2000.

Nghiên cứu cho rằng các tiêu chuẩn an toàn công cộng nghiêm ngặt thường được kết hợp bởi các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn cá nhân nặng nề hơn. Sự hợp nhất của các tiêu chuẩn công cộng và tư nhân đã hạn chế khả năng tiếp cận các thị trường nhập khẩu chính của nhiều nhà xuất khẩu thủy sản LDC.

Điều này chủ yếu là do thực tế là các tiêu chuẩn không được hài hoà và gây tốn kém cho các nước LDCs trong việc đáp ứng. Đó cũng là do các vấn đề về cấu trúc ở các nước kém phát triển, bao gồm cả các cơ sở chế biến và các phương thức mua bán, cũng như việc thiếu kiểm tra và chứng nhận sản phẩm trong suốt chuỗi giá trị.

Nghiên cứu cung cấp các kết luận và khuyến nghị về chính sách nhằm giúp các nước kém phát triển nhận ra tiềm năng phát triển đầy đủ của ngành thủy sản của họ, bao gồm cung cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện năng lực quản lý và thể chế, giám sát và điều tiết nghề cá trong nước và hài hòa các tiêu chuẩn quốc tế.

Nghiên cứu này là kết quả của việc thực hiện Dự án Đánh giá Phát triển có tiêu đề “Xây dựng năng lực cho các nước LDC được lựa chọn để tăng cường và đa dạng hoá xuất khẩu thủy sản”. Dự án đã được triển khai tại Campuchia, Comoros, Mozambique, Myanmar và Uganda.

HNN (Theo unctad.org)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác