Úc: Phản hồi về lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín (29-05-2017)

Trước phản ứng mạnh mẽ của các quốc gia xuất khẩu tôm, trong đó có Việt Nam, trước lệnh cấm nhập khẩu tạm thời tôm và thịt tôm chưa qua chế biến vào Úc do lo ngại đây có thể là nguồn gốc lây lan bệnh đốm trắng tại một số trại nuôi tôm của Úc (vào thời điểm đó, theo thống kê của đài ABC Rural, hơn 70% tôm nhập khẩu có kết quả dương tính với bệnh đốm trắng), Bộ Nông nghiệp Úc đã quyết định thành lập một nhóm các chuyên gia khoa học để đánh giá các khía cạnh về khoa học và kiểm tra chế độ an toàn sinh học được áp dụng ngoài lãnh thổ Úc, tại biên giới và hậu kiểm.
Úc: Phản hồi về lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín
Ảnh minh họa

Chính phủ Úc đang tập trung xử lý vấn đề an toàn sinh học trong thời gian sớm nhất có thể, trong đó có việc rà soát các điều kiện nhập khẩu đối với các mặt hàng bị ảnh hưởng do lệnh tạm ngừng nhập khẩu gây ra. Đánh giá rủi ro nhập khẩu là quá trình tách biệt với những thay đổi của lệnh cấm nhập khẩu tạm thời đang được áp dụng tại Úc. Cùng với các biện pháp kiểm tra hiện nay, Úc cũng sẽ tiến hành điều tra cả việc sử dụng tôm giống, thức ăn và các vấn đề di truyền tại các trại nuôi tôm.

Quyết định rà soát đánh giá rủi ro nhập khẩu đối với tôm chưa chế biến và bãi bỏ lệnh cấm đối với một số sản phẩm như tôm đã tẩm ướp nhận được sự ủng hộ của các nhà nhập khẩu tôm Úc, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng và dịch vụ ăn uống, do lệnh cấm đã khiến các đối tượng này bị thiệt hại tới hơn 550 triệu đô la Úc. Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu thủy sản Úc, lệnh cấm nhập khẩu sẽ sớm hết hiệu lực (ngày 09/7/2017), khi đó các giao dịch về sản phẩm nhập khẩu cần được nối lại ngay lập tức, do đó việc nối lại nhập khẩu mặt hàng tôm tẩm ướp đã qua kiểm tra là một quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, thắt chặt quy trình kiểm tra và xét nghiệm không phải là giải pháp hoàn thiện cho vấn đề này mà quan trọng là chính phủ cần tăng cường thêm mạng lưới quản lý để bảo vệ ngành nuôi thủy sản của Úc khỏi sự lây lan của dịch bệnh.

Hiện nay sản lượng tôm nuôi của Úc chỉ đủ để cung cấp một lượng nhỏ nhu cầu tiêu dùng nội địa, trong khi Úc là quốc gia thương mại lớn, do đó, việc nối lại các giao dịch thương mại là điều chắc chắn, song cũng cần phải đảm bảo hệ thống an toàn sinh học có khả năng bảo vệ ngành nuôi tôm của Úc trước những đe dọa có thể đến từ nhập khẩu.

Trả lời công thư của Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị chính phủ Úc sớm bãi bỏ lệnh cấm nhập khẩu tạm thời sản phẩm tôm và thịt tôm chưa nấu chín, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Úc và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Du lịch và Đầu tư Úc đều khẳng định chính phủ Úc đang rất tích cực xử lý vấn đề an toàn sinh học, đồng thời sẽ sớm đưa ra các quyết định cần thiết nhằm tái thiết lập hoạt động thương mại an toàn đối với sản phẩm tôm. Ngoài ra, phía Úc cũng khẳng định rất coi trọng mối quan hệ song phương với Việt Nam và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc rà soát lại những biện pháp đánh giá rủi ro để tạo điều kiện cho việc tái khởi động hoạt động thương mại an toàn đối với mặt hàng tôm và thịt tôm chưa nấu chín.

Hương Trà

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác