Năm 2020, đại dịch covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến các quốc gia trên thế giới, hiện nay đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại bị gián đoạn, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Nhằm đảm bảo nền kinh tế phát triển và ổn định cần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế; phục hồi và ổn định sản xuất nông nghiệp; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu phù hợp, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới; tập trung phục hồi và phát triển mới chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị theo chủ trương của Chính phủ. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, việc tập trung phát triển và khai thác tối đa thị trường trong nước, thực hiện các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là giải pháp cấp bách và hiệu quả thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển ổn định.
Thực hiện Kế hoạch số 89/KH-MTTW-BCĐTW ngày 09/3/2020 về triển khai các hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động năm 2020; Hướng dẫn số 21/HD-MTTW-BCĐTWCVĐ ngày 09/3/2020 hướng dẫn triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2020”; Báo cáo số 104/BC-MTTW-BCĐTWCVĐ ngày 09/3/2020 báo cáo kết quả triển khai cuộc vận động năm 2019, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2020; Kết luận số 77-KL/TW ngày 05/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch covid-19 để phục hồi kinh tế đất nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch số 5120/KH-BNN-CBTTNS ngày 03/8/2020 nhằm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; Theo đó, Bộ đã chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm, hỗ trợ khắc phục tác động của dịch covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.
|
Cụ thể là: Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị; Kết luận số 107-KL/TW ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 04/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước; Đẩy mạnh kết nối sản xuất với tiêu dùng nông sản thực phẩm Việt chất lượng cao. Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong các đơn vị, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp ngành nông nghiệp và nhân dân nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt; góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước. Triển khai thực hiện Cuộc vận động đảm bảo thiết thực, hiệu quả nhằm kích thích tiêu dùng nội địa đối với hàng nông sản Việt.
|
Các nhiệm vụ trọng tâm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quán triệt các chủ trương của Đảng, của Nhà nước và các nội dung của Cuộc vận động để triển khai các nhiệm vụ năm 2020 có hiệu quả, thiết thực góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế đất nước; Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; Theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Cuộc vận động tại các địa phương được phân công theo nhiệm vụ của thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương; Tăng cường công tác tuyên truyền về Cuộc vận động.
Bên cạnh đó, tiến hành Đánh giá 5 năm thực hiện Kết luận số 107 ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ-TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; Triển khai đầy đủ các chương trình, thực hiện các Chỉ thị, Đề án, nhiệm vụ của Chính phủ đề ra liên quan đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Tăng cường các hoạt động kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước nhằm hỗ trợ người tiêu dùng và các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng phó với tình hình mới nhằm ổn định sản xuất trong nước, phục hồi và phát triển kinh tế ổn định.
Triển khai thực hiện Kế hoạch
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu tất cả các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục quán triệt các chủ trương của Đảng, của Nhà nước và các nội dung của Cuộc vận động để triển khai các nhiệm vụ năm 2020 có hiệu quả; Theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Cuộc vận động tại các địa phương được phân công theo nhiệm vụ của thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương (theo dõi việc triển khai thực hiện Cuộc vận động tại An Giang, Kiên Giang theo Thông báo 36/TB-MTTW-BCĐTWCVĐ ngày 09/3/2020 về phân công thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương); Đồng thời, phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Ngoài ra, cùng tham gia các đoàn kiểm tra thực hiện Cuộc vận động tại các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố.
Thành lập Ban Chỉ đạo cấp Bộ và xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được thực hiện có hiệu quả, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản và vật tư nông nghiệp sản xuất trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động. Bộ đã giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản tham mưu trình Bộ về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Tăng cường công tác tuyên truyền về Cuộc vận động
Bộ yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ thực hiện tuyên truyền về Cuộc vận động nhằm nâng cao nhận thức về các chủ trương, mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động trong tình hình mới, chủ trương của Đảng trong lãnh đạo thực hiện Cuộc vận động để tạo sự thống nhất, đồng thuận cao; nâng cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của các cơ quan, đơn vị và tổ chức sử dụng Ngân sách Nhà nước trong việc mua sắm trang thiết bị là hàng hóa nội địa; vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh những sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, tuyên truyền tới các doanh nghiệp chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế; những nguy cơ khủng hoảng thị trường; sản phẩm thế mạnh của địa phương.
|
Bên cạnh đó, vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học – công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; Xây dựng thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; Thực hiện cam kết đáp ứng tốt cho người tiêu dùng trong nước; Khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống phân phối hàng Việt; Đồng thời, tuyên truyền về kết quả và giải pháp 05 năm thực hiện Thông báo Kết luận số 107-KL/TW ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư; Tuyên truyền các gương điển hình trong thực hiện Cuộc vận động. Về hình thức tuyên truyền: Cần phát huy các phương tiện truyền thông và hoạt động tuyên truyền miệng, đặc biệt tăng cường vai trò tuyên truyền của cấp ủy các cấp.
Đánh giá 5 năm thực hiện Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Cụ thể là, đánh giá 5 năm thực hiện Kết luận số 107 ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng, rà soát, bổ sung chương trình hành động tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và việc xác định nhiệm vụ lãnh đạo thực hiện Cuộc vận động là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình hành động của cấp ủy; Đánh giá kết quả công tác phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện Thông báo kết luận số 264-TB/TW, ngày 31-7-2009 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 24/CTTTg, ngày 17-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ “Bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển công nghệ hỗ trợ; đồng thời khắc phục những bất cập trong thủ tục hành chính; Mở rộng các kênh phân phối hàng Việt thuận tiện, linh hoạt; Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm; Tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi mua bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng nhập trái phép; Phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan, đơn vị thực hiện cuộc vận động; Phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của mình trong tổ chức thực hiện cuộc vận động.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao để tiến hành Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Kết luận 107-KL-TW ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động theo phân công nhiệm vụ tại Quyết định số 111/QĐ-BNN-CB ngày 20/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc “Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Chương trình hành động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Kế hoạch thực hiện Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản là đơn vị chủ trì xây dựng Kế hoạch thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025, các đơn vị thuộc Bộ phối hợp đề xuất các hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ của đơn vị để thực hiện Cuộc vận động sát thực, hiệu quả; Theo đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản là Cơ quan đầu mối thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thực hiện việc thu thập thông tin, tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động.
Đối với việc giám sát thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Bộ cũng đã giao Vụ Quản lý Doanh nghiệp thực hiện. Về việc tăng cường các hoạt động kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước nhằm hỗ trợ người tiêu dùng và các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng phó với tình hình mới thì Bộ giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp và các đơn vị liên quan tăng cường tham mưu, tổ chức thực hiện các hoạt động kết nối sản xuất và tiêu dùng nông sản thực phẩm Việt nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về nông sản thực phẩm an toàn, chất lượng cao; định hướng thị trường và người tiêu dùng hướng tới tiêu dùng nông sản thực phẩm an toàn, chất lượng cao do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và cung ứng thông qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm giới thiệu nông sản thực phẩm, các diễn đàn, các hội nghị kết nối thương mại, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, các đơn vị thuộc Bộ cần chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ khác theo chức năng của Bộ: Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát, đề xuất, xây dựng trình Bộ Khoa học Công nghệ ban hành các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông lâm thủy sản; Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản chủ trì thực hiện nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra kiểm soát bảo đảm người sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, tạo lòng tin cho người tiêu dùng Việt Nam; Các đơn vị khác (thuộc Bộ) căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình, triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo các hình thức phù hợp.
Ngọc Thúy – FICen