Thực tế chưa đủ để thực hiện mục tiêu
Trong thế kỷ trước, nghề khai thác hải sản là nghề thủ công lạc hậu, khai thác chủ yếu tại các vùng biển ven bờ, năng suất lao động thấp, sản lượng khai thác cả nước chỉ đạt dưới một triệu tấn. Kể từ khi có Quyết định 393 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chthế kỷ trước, nghề khai thác hải sản là nghề thủ công lạc hậu, khai thác chủ yếu tại các vùng biển ven bờ, năng , đến năm 2003, với hơn 1.340 tỷ đồng vốn tín dụng, ngư dân đã đóng được 1.368 tàu. Rõ ràng, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đã tạo một cú huých mạnh, để hằng năm, ngư dân đã đầu tư khoảng từ 1.500 đến 2.000 tàu. Đến cuối năm 2015 cả nước đã có khoảng 103 nghìn tàu, trong đó có 31.500 tàu khai thác, dịch vụ khai thác hải sản xa bờ, sản lượng khai thác khoảng 2,6 triệu tấn, giá trị hàng hóa do ngư dân tạo ra khoảng hơn 50 nghìn tỷ đồng. Khoảng từ 35-40% sản lượng khai thác được đưa vào xuất khẩu, đạt giá trị xuất khẩu khoảng hơn 2,4 tỷ USD, trong đó phần chế biến, giá trị gia tăng khoảng hơn 60%.
Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng và những đóng góp đáng kể, thì quá trình triển khai Quyết định 393 trong thực tế cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển ổn định bền vững của ngành như: Đầu tư, sản xuất tự phát, thiếu sự liên kết để tạo ra những ngành hàng có giá trị kinh tế cao, có sức cạnh tranh trên thị trường; Việc đầu tư lớn vào trang bị tàu thuyền khai thác chưa đi đôi với sự thay đổi đáng kể về công nghệ khai thác và bảo quản sản phẩm, gia tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nghỉ ngơi của ngư dân đã khiến cho hiệu quả đánh bắt chưa cao. Tổn thất sau thu hoạch trong khai thác hải sản vẫn ở mức cao hơn 20%, cá biệt có sản phẩm đến gần 50%, nhất là khai thác hải sản xa bờ. Chúng ta cũng chưa có cơ cấu hợp lý trong quy hoạch vùng đánh bắt khiến cho sản lượng khai thác chủ yếu ở trong vùng đặc quyền kinh tế, nhiều loài, nhiều vùng biển đã đạt hoặc vượt ngưỡng khai thác bền vững. Sản phẩm hải sản mới chỉ khai thác ở giá trị vật chất, mà chưa chú trọng đến giá trị thương hiệu, giá trị văn hóa…
Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ mới mong hiện thực hóa được mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020.
Quy luật của thị trường
Với loại hình sản xuất mang tính đặc thù như khai thác sản phẩm hải sản, lời giải cho việc nâng cao giá trị đầu ra lại nằm ở chính việc nhân rộng hình thức quản lý, hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị từ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ. Tuy nhiên, cần chú trọng xác lập việc gắn kết các tác nhân dọc chuỗi đi cùng với sự cam kết và ràng buộc rõ ràng. Chỉ khi hài hòa lợi ích của các bên tham gia chuỗi thì mới tạo nên chất kết dính, cũng như sự bền vững cho hoạt động của chuỗi. Mỗi tác nhân cần có các liên kết ngang bảo đảm để các yếu tố đầu vào được cung ứng tốt nhất, tính cạnh tranh cao, giảm giá thành sản xuất trong mắt xích của mình. Việc xác định được rõ các chuỗi sản xuất là nhân tố quyết định sự vận hành thành công của chuỗi. Hiện nay, về cơ bản có ba chuỗi sản xuất thủy sản với những đặc thù riêng:
Thứ nhất là, chuỗi giá trị mang tính gia đình khi những người lao động chính là những người trực tiếp đi biển, phụ nữ, người già thường là người đem sản phẩm cung cấp trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm tiêu thụ không hết được chế biến thành các sản phẩm phụ như chế biến mắm, hải sản khô… để sử dụng hoặc bán khi có điều kiện. Chuỗi này thường ở các làng chài ven biển, do tàu thuyền nhỏ hoạt động ven bờ quy mô sản xuất nhỏ, khai thác trong ngày.
Thứ hai là, các chuỗi giá trị do nậu vựa chi phối. Thường các nậu vựa thu gom sản phẩm từ các bến cá, cảng cá vận chuyển đến các chợ đầu mối cung cấp cho những người bán lẻ, một số sản phẩm được chuyển đến nhà máy. Đối tượng chính cung cấp sản phẩm cho chuỗi này chính là các chủ tàu hoạt động chủ yếu ở vùng lộng, thời gian đi biển ngắn.
Thứ ba là, chuỗi giá trị do nhà máy chế biến chi phối, do nhà máy chế biến trực tiếp thu mua hoặc thông qua người đại diện, các đại lý. Đối tượng chính là sản phẩm của các tàu khai thác xa bờ, với số lượng sản phẩm lớn theo các yêu cầu nhất định. Sản phẩm đầu ra chất lượng ổn định chế biến theo các quy trình cụ thể, được quản lý, vận hành theo các tiêu chí, tiêu chuẩn của doanh nghiệp, của Nhà nước hoặc của các tổ chức quốc tế đã được thị trường chấp thuận.
Dù là theo hình thức chuỗi nào đi nữa thì sản phẩm thủy sản vẫn phải tuân theo những nguyên tắc thị trường nếu muốn đẩy mạnh số lượng và giá trị tiêu thụ, trong đó yếu tố tạo dựng niềm tin, đáp ứng các tiêu chí về chất lượng sản phẩm là tối quan trọng.
Và vai trò của Nhà nước
Khoảng thời gian từ nay đến 2020 không còn nhiều, những thành tựu đạt được cũng như bất cập đặt ra trong quá trình thực hiện các chương trình phát triển khai thác thủy sản cho thấy, cần một cách tiếp cận mới trong quản lý Nhà nước. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, mức độ cạnh tranh ngày càng cao, các thỏa thuận thương mại chặt chẽ sẽ khiến cho nguồn lực quản lý Nhà nước phải được vận dụng một cách linh hoạt, cho trúng và đúng với đòi hỏi thực tế.
Chẳng hạn như, nói về nâng cao chất lượng đánh bắt xa bờ, Nhà nước cần tạo ra các cơ chế chính sách đầu tư đủ mạnh để tạo ra các cú huých kéo theo dòng chảy đầu tư từ khối doanh nghiệp và ngư dân vào mảng còn thiếu hụt hiện nay như đóng mới tàu cá theo công nghệ lưới vây đuôi, hay tàu chụp mực có công nghệ chế biến ngay trên tàu… Nhà nước cũng cần khuyến khích mở rộng các hình thức liên kết ngang giữa các doanh nghiệp như thành lập các Hội, Hiệp hội nghề nghiệp, để từ những cam kết xây dựng hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp hướng đến việc hình thành thương hiệu Quốc gia.
Cũng là hỗ trợ khai thác, nhưng đánh bắt gần bờ lại đòi hỏi nguồn lực đầu tư tập trung vào đội tàu có công nghệ khai thác thủy sản sống hoặc công nghệ bảo quản sản phẩm tươi, sạch sẽ mang lại hiệu quả cao cho bà con ngư dân. Do đặc thù tàu hoạt động ở vùng này là thời gian đi biển ngắn ngày, quy mô đầu tư nhỏ, Nhà nước chỉ cần tạo cơ chế tín dụng thông thoáng, đi đôi với tăng cường tuyên truyền phổ biến để người dân lựa chọn các sản phẩm an toàn cho mình, còn lại là sự chủ động của ngư dân trong lựa chọn đầu tư công nghệ khai thác, quy mô sản xuất phù hợp với điều kiện ngư trường, năng lực sản xuất của mình.
Điểm khó khăn hiện nay chính là sản phẩm khai thác gần bờ bởi chịu áp lực từ mức độ khai thác lớn, trong khi nguồn lợi cạn kiệt, vậy nên giá bán thấp khiến đời sống ngư dân gặp nhiều khó khăn. Ngư dân có mong mỏi được hỗ trợ đa dạng nguồn thu, và sản phẩm khai thác không chỉ đơn thuần được đưa đến các chợ địa phương. Muốn vậy, cần có chính sách cụ thể để giao mặt nước biển cho ngư dân quản lý và chủ động thời gian khai thác hợp lý nhất. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ ngư dân xây dựng các bãi cá, bãi rạn, các hệ sinh thái san hô, cỏ biển nhân tạo nhằm giúp ngư dân không chỉ thu lợi từ giá trị vật chất đơn thuần của nguồn lợi mà còn có thể tạo ra giá trị gia tăng từ các hoạt động câu cá, đánh lưới, sinh hoạt trên tàu cá để phục vụ phát triển du lịch và giáo dục môi trường cho học sinh.
Ở các làng cá ven biển, Nhà nước cần hỗ trợ đào tạo nghề cho ngư dân đi đôi với cấp vốn tín dụng để họ có thể mở rộng đầu tư máy móc thiết bị, mở mang hoạt động sản xuất theo hướng xây dựng nên những thương hiệu gia đình. Đưa những làng chài trở thành các làng nghề có thương hiệu mạnh, và hỗ trợ cho các sản phẩm làng nghề ấy tiếp cận vào chuỗi cung ứng mạnh như các siêu thị, chính là con đường tạo nên giá trị bền vững cho hoạt động khai thác thủy sản gần bờ.
Bà con ngư dân đang trông chờ những giải pháp từ quản lý Nhà nước để họ có thể gắn bó với nghề nghiệp cha truyền con nối như một dòng chảy không ngừng nghỉ.
Phạm Ngọc Tuấn