Kết nối sản xuất – tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra (10-06-2020)

Ngày 9/6/2020, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sự kiện “Kết nối sản xuất – tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã tham dự sự kiện. Đây là sự kiện mở đầu cho Phiên chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội năm 2020 nhằm giới thiệu, quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm cá tra cho thị trường nội địa.
Kết nối sản xuất – tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra

Khai mở thị trường trong nước

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng cá tra ước đạt 462 nghìn tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ 2019; xuất khẩu chỉ đạt 456 triệu USD, giảm 39,1% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, thị trường Trung Quốc giảm 48%, sang EU giảm 47,3%, sang Mỹ giảm 19,8%... Dự báo, từ quý III/2020 ngành hàng cá tra mới có khả năng phục hồi hoàn toàn. Chính vì vậy, để có thể khắc phục những khó khăn trước mắt hiện nay, giải pháp cần tập trung là vừa phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và vừa đẩy mạnh xuất khẩu; trong đó chú trọng việc củng cố hình ảnh và phát triển kênh bán hàng mới; nhất là việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra chất lượng cao...

Do đó, sự kiện kết nối "Sản xuất - tiêu thụ nội địa các sản phẩm ca tra" mở đầu cho Phiên chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội năm 2020 nhằm đồng hành với các doanh nghiệp sớm vượt qua được những khó khăn, thách thức từ sự tác động của dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, muốn mở rộng sản xuất và giữ ổn định giá cả cho cá tra thì bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung phát triển thị trường trong nước là yếu tố quan trọng. “Khai mở thị trường trong nước sẽ đạt được mục tiêu kép, giảm áp lực xuất khẩu từ đó tăng giá xuất khẩu ngược trở lại, bên cạnh đó, khai thác thị trường gần 100 triệu dân góp phần mở rộng sản lượng sản xuất. Ngoài ra, tạo thị trường sản phẩm đa dạng cho người dân lựa chọn”, bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, sau 20 năm phát triển, ngành hàng cá tra đã đạt kết quả rất tốt, diện tích nuôi chỉ 6.000 ha, sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn/năm nhưng giá trị xuất khẩu đạt 2,5 tỉ USD/năm. Theo Bộ trưởng, "muốn mở rộng sản xuất và ổn định về giá cá tra thì phải tập trung mở rộng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Không phải vì xuất khẩu khó khăn mà quay trở về thị trường nội địa. Chúng ta phải coi trọng việc phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu bền vững. Nếu khai thác được thị trường 100 triệu dân thì sản lượng tiêu thụ tăng, khi ấy sẽ kích thích được sản xuất".

Theo Bộ NN&PTNT, dịch COVID-19 đã và đang khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu mặt hàng cá tra bị đình trệ. Dự báo, từ quý 3-2020 ngành hàng cá tra mới có khả năng phục hồi hoàn toàn. Chính vì vậy, để có thể khắc phục những khó khăn trước mắt hiện nay, giải pháp cần tập trung là vừa phát triển thị trường tiêu thụ trong nước vừa đẩy mạnh xuất khẩu.

Cơ hội tiêu thụ cá tra ở thị trường nội địa

Thực tế, sự kiện đưa cá tra đến quảng bá, tiêu thụ tại thị trường miền Bắc không phải là lần đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai. Tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa như mong đợi. Các chuyên gia cho rằng, cùng với hoạt động xúc tiến, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra cũng cần nghiên cứu thị hiếu, ẩm thực người miền Bắc. Bên cạnh việc tuân thủ theo quy chuẩn tiêu chuẩn cần nghiên cứu để có thể nuôi được con cá tra có độ dai, độ săn chắc phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Việc kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất và kênh phân phối mới chỉ là bước đầu. Bước tiếp theo là phải thuyết phục được người tiêu dùng với sản phẩm chất lượng, sạch, giá cả phải chăng và trở thành sở thích tiêu dùng của họ.

Phát biểu tại sự kiện, một số đại biểu cho rằng: Cùng với việc khơi thông thị trường đầu ra cho cá tra, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và người nuôi cá tra cần nỗ lực đẩy mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: tăng cường kiểm soát điều kiện nuôi trồng thủy sản và chất lượng vật tư đầu vào; khuyến khích phát triển chuỗi liên kết, sản xuất theo tín hiệu thị trường, tránh tình trạng dư nguồn cung cá nguyên liệu hoặc thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh; đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các quốc gia nhập khẩu để sẵn sàng nguồn hàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ; đa dạng hóa sản phẩm theo từng phân khúc thị trường. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu - nhà máy chế biến - cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin, có kết nối với hệ thống quản lý ao nuôi của cơ quan quản lý thủy sản. Tìm kiếm thị trưởng mới, chuyển hướng thị trường xuất khẩu thay vì tập trung vào một số thị trường chính và xây dựng thương hiệu cho một số dòng sản phẩm cá tra.

Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra lễ ký kết kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị, gồm: công ty IDI và Big C (Central Group); Tập đoàn Massan và Tập đoàn Nam Việt; Công ty Xuyên Việt và Big C (Central Group); Công ty Hùng Cá và Hiệp hội nông nghiệp Bắc Ninh... Cũng tại sự kiện Ban tổ chức đã khai mạc Tuần hàng cá tra và các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội năm 2020; đồng thời nghe chuyên gia dinh dưỡng giới thiệu dinh dưỡng cá tra trong cơ cấu bữa ăn của các các gia đình.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác