Thủ tục hải quan trong các hoạt động Thương mại biên giới (04-12-2019)

Ngày 15/11/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 80/2019/TT-BTC hướng dẫn thủ tục hải quan, quản lý thuế, phí và lệ phí đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu theo Nghị định 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 quy định chi tiết về hoạt động Thương mại biên giới.
Thủ tục hải quan trong các hoạt động Thương mại biên giới
Ảnh minh họa

Cụ thể là, hướng dẫn về thủ tục hải quan, quản lý thuế, phí và lệ phí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Thương nhân; thủ tục hải quan, quản lý thuế, phí và lệ phí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Cư dân biên giới; trách nhiệm Quản lý nhà nước của Hải quan và các cơ quan, ban ngành có liên quan đến hoạt động Thương mại biên giới.

Thương nhân xuất, nhập khẩu hoặc mua gom hàng hóa của Cư dân biên giới

Thủ tục hải quan, quản lý thuế, phí và lệ phí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Thương nhân được quy định như sau: Thương nhân thực hiện các thủ tục hải quan xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới theo quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Đồng thời, phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, phí và lệ phí theo quy định của pháp luật.

Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Thương nhân qua cửa khẩu biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật về chính sách mặt hàng, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm. Đối với hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới: Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 01/2018/TT-BCT ngày 27/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Đặc biệt, theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ, Thương nhân khi thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới phải được cấp mã số thuế trước khi làm thủ tục hải quan.

Ngoài các quy định trên, Thông tư 80/2019/TT-BTC còn hướng dẫn Thủ tục hải quan, quản lý thuế, phí và lệ phí đối với hàng hóa nhập khẩu Thương nhân mua gom của Cư dân biên giới. Theo đó, thủ tục hải quan thực hiện như đối với hàng hóa nhập khẩu của Thương nhân qua cửa khẩu biên giới; Đồng thời, Thương nhân cũng phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, phí và lệ phí đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định. Thời hạn nộp hồ sơ hải quan chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày mua gom hàng hóa. Địa điểm làm thủ tục hải quan là Chi cục Hải quan cửa khẩu gần nhất (nơi Thương nhân đã mua gom hàng hóa).

Việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Thương nhân và hàng hóa nhập khẩu (mà Thương nhân đã mua gom của Cư dân biên giới) thực hiện theo quy định tại các Điều 29, 30, 34 của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ, hướng dẫn tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các văn bản pháp luật liên quan đến kiểm tra, giám sát hải quan.

Cư dân biên giới xuất, nhập khẩu hàng hóa

Thủ tục hải quan, quản lý thuế, phí và lệ phí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Cư dân biên giới được quy định như sau: Cư dân biên giới thực hiện các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở biên giới theo quy định của pháp luật. Thực hiện khai báo trên Tờ khai hàng xuất khẩu Cư dân biên giới và Tờ khai hàng nhập khẩu Cư dân biên giới (theo mẫu HQ2019/TKXKBG, HQ2019/TKNKBG tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này). Tờ khai hàng xuất khẩu, Tờ khai hàng nhập khẩu Cư dân biên giới do cơ quan Hải quan in theo mẫu và phát cho Cư dân biên giới. Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện xác nhận trên Tờ khai hàng Cư dân biên giới.

Về chủng loại hàng hóa được phép nhập khẩu, Cư dân biên giới thực hiện theo Danh mục hàng hóa quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư số 02/2018/TT-BCT ngày 27/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Trường hợp trị giá hàng nhập khẩu vượt định mức miễn thuế theo quy định, Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện tính thuế trên Tờ khai hàng nhập khẩu và thu thuế cũng như các khoản thu khác (nếu có) theo quy định của pháp luật ngay tại cửa khẩu, lối mở biên giới.

Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, Thông tư đã nêu rõ: Hàng hóa của Cư dân biên giới mua bán trao đổi qua cửa khẩu, lối mở biên giới thực hiện kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ. Ngoài ra, Thông tư cũng hướng dẫn chi tiết việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Cư dân biên giới

Trách nhiệm Quản lý nhà nước của các cơ quan, ban ngành trong hoạt động Thương mại biên giới

Tổng cục Hải quan phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai hướng dẫn, quản lý hoạt động Thương mại biên giới đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Đối với công tác quản lý hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của Cư dân biên giới, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm xây dựng phần mềm quản lý, in, tiếp nhận đăng ký Tờ khai hàng xuất khẩu, nhập khẩu của Cư dân biên giới và phần mềm quản lý, tính thuế đối với Tờ khai hàng nhập khẩu, hàng xuất khẩu Cư dân biên giới đáp ứng quản lý hàng hóa nhập khẩu miễn thuế quy định tại Điều13 Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ. Phần mềm quản lý, tính thuế được kết nối với phần mềm quản lý Tờ khai hàng xuất khẩu, nhập khẩu của Cư dân biên giới để tính và thu thuế. Trường hợp chưa có phần mềm quản lý Tờ khai hàng xuất khẩu, nhập khẩu của Cư dân biên giới, Chi cục Hải quan cửa khẩu mở sổ theo dõi, tiếp nhận đăng ký Tờ khai hàng xuất khẩu, nhập khẩu của Cư dân biên giới theo mẫu sổ STDHCDBG 2019/HQVN tại Phụ lục III ban hành kèm Thông tư này. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan xây dựng Hệ thống dữ liệu giá theo Danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi Cư dân biên giới để phục vụ công tác tham vấn, tham chiếu khi cần thiết.

Đặc biệt là, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cần căn cứ vào hướng dẫn tại Thông tư này để hướng dẫn các đơn vị hải quan thực hiện thống nhất, bảo đảm tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động Thương mại biên giới. Trường hợp có phát sinh vướng mắc, cơ quan hải quan, người khai hải quan, người nộp thuế báo cáo, phản ánh cụ thể về Bộ Tài chính (qua Tổng cục Hải quan) để được xem xét, hướng dẫn giải quyết. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản pháp luật liên quan đề cập tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.  

Thông tin chi tiết: Xem tại Trang tin điện tử Tổng cục Thủy sản https://tongcucthuysan.gov.vn

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác