Điểm tin sản xuất - tiêu thụ thủy sản Tuần từ ngày 23 – 27 tháng 9 năm 2013 (22-11-2013)

 

 Tin hoạt động

      Yêu cầu chủ động đối phó áp thấp nhiệt đới: Ngày 25-9, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, cứu nạn (BCĐPCLBTƯ-UBQGTKCN) đã có Công điện số 68/CĐ-TW /CĐ-TTg gửi Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành từ Quảng Ninh đến Cà Mau; Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. BCĐPCLBTƯ - UBQGTKCN đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành: Theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới, gió mùa Tây Nam để chủ động phòng tránh. Thường xuyên theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, giữ gìn thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về BCĐPCLBTƯ-UBQGTKCN.

      Lắp thiết bị vệ tinh cho 2.000 tàu cá: Ban Quản lý các Dự án Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã lắp thiết bị truyền phát vệ tinh 2 chiều cho 2.000/3.000 tàu cá ở các tỉnh ven biển nước ta (thuộc dự án Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh - Movimar). Hiện, các hạng mục khác của dự án là Trung tâm quan sát tàu cá ở Hà Nội, 2 trạm dự báo ngư trường ở Hải Phòng, Vũng Tàu đã hoàn thành và đang chạy thử nghiệm. Trung tâm quan sát ở Hà Nội sẽ theo dõi vị trí, nhận thông tin về tình hình đánh bắt, sự cố, cứu nạn, phát hiện tàu nước ngoài... từ 3.000 tàu cá; đồng thời, gửi bản tin dự báo thời tiết, dự báo bão, áp thấp nhiệt đới cho ngư dân. Theo kế hoạch, việc lắp đặt thiết bị cho toàn bộ 3.000 tàu sẽ thực hiện trong năm nay. Năm 2014 sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động hệ thống quan sát tàu cá.

Tin Nuôi trồng thủy sản

      Nông dân nuôi cá bè Tiền Giang phấn khởi vì lợi nhuận cao: Mặc dù giá cá điêu hồng nuôi bè giảm tới 3.500 đ/kg sau khi đạt mức giá kỷ lục 44.000 đ/kg vào thời điểm cuối tháng 7/2013, nhưng nông dân nuôi cá điêu hồng vẫn rất phấn khởi với mức giá cá đạt 39.500- 40.500 đ/kg, đảm bảo nông dân nuôi cá có lời cao. Theo tính toán của nhiều nông dân nuôi cá bè, chi phí đầu tư nuôi cá bao gồm: con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, nhân công, khấu hao bè… bình quân khoảng 30.000 đ/kg, tăng hơn 2.000 đ/kg so với năm ngoái do giá thức ăn tăng, chất lượng cá giống giảm khiến tỷ lệ cá giống hao hụt cao. Tuy nhiên, do giá bán cá dao động ở mức 39.500- 40.500 đ/kg nên tính ra người nuôi cá còn lời 9.500- 10.500 đ/kg. Tuy giá cá điêu hồng có xu hướng giảm nhẹ trong thời gian gần đây nhưng nhiều nông dân có kinh nghiệm cũng nhận định giá cá khó có thể xuống mức thấp dưới giá thành sản xuất như những năm trước đây, thậm chí chỉ quanh quẩn mức 40.000 đ/kg.

      Thu tỉa tôm trứng tại Đồng Tháp lãi thêm từ 10 - 30 triệu đồng/ha: Theo Sở NN&PTNT Đồng Tháp, diện tích thả nuôi tôm càng xanh mùa lũ năm 2013 trong toàn tỉnh đạt hơn 852 ha, tập trung ở 2 huyện Tam Nông và Lấp Vò với hình thức nuôi rải vụ. Từ đầu tháng 9 đến nay, nông dân đã bắt đầu thu tỉa tôm trứng và tôm thịt đầu vụ. Việc thu tỉa tôm trứng nhằm tạo điều kiện cho tôm đực lớn nhanh, tăng tỷ lệ tôm đạt kích cỡ loại 1 và tiết kiệm thức ăn nuôi tôm. Bên cạnh đó, việc thu tỉa tôm trứng còn giúp những hộ ít vốn đầu tư có thể "lấy ngắn nuôi dài". Với giá bán tôm trứng từ 100.000 - 180.000 đồng/kg, bình quân mỗi héc ta nuôi tôm, người nuôi có lãi thêm từ 10 - 30 triệu đồng. Toàn huyện Tam Nông có hơn 421 ha nuôi tôm mùa lũ. Thời điểm này trong số 30% diện tích tôm thả nuôi sớm, người dân đã thu được hơn 130 tấn tôm trứng và tôm tỉa với giá bán bình quân 120.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước), riêng tôm thịt (loại 40 con/kg) giá từ 250.000 - 260.000 đồng/kg. Không chỉ thu tỉa tôm trứng đầu vụ để tăng thu nhập, hiện nay nhiều hộ nuôi tôm ở tỉnh Đồng Tháp còn áp dụng mô hình nuôi tôm toàn đực, mô hình nuôi tôm mùa lũ đạt tiêu chuẩn VietGap để xuất khẩu

Tin Khai thác thủy sản

      Tăng cường kiểm tra sử dụng lưới lồng trong khai thác tại Bình Định: Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Sở NN-PTNT, qua kiểm tra tình hình sử dụng lưới lồng (hay còn gọi là lờ dây, lờ bát quái) đã phát hiện trên địa bàn 26 xã, phường ven biển có 1.205 hộ ngư dân với 85.057 phương tiện lưới lồng đang sử dụng để khai thác thủy sản. Loại phương tiện này có xuất xứ từ Trung Quốc với mắt lưới khá nhỏ, khi sử dụng làm cho nguồn lợi thủy sản trên các đầm, phá, sông, lạch bị cạn kiệt. Tuy nhiên, do chưa có quy định cấm sử dụng nên rất khó cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc xử phạt các trường hợp vi phạm. Để chấn chỉnh tình trạng này, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định đã đề xuất với Thanh tra Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh ban hành quy định xử lý. Đồng thời, đã tổ chức nhiều buổi họp dân tại các xã Mỹ Châu (Phù Mỹ), Phước Sơn (Tuy Phước) và phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) tuyên truyền về những hệ lụy khi sử dụng lưới lồng khai thác thủy sản.

      Giá nguyên liệu đầu vào tăng, ngư dân Trà Vinh gặp khó: Hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản năm nay của ngư dân thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh gần đây  không thuận lợi vì chi phí đánh bắt tăng cao dẫn đến đời sống của ngư dân khai thác và sơ chế thủy sản gặp không ít khó khăn. Theo nhiều ngư dân, chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến ra khơi rất lớn, chiếm khoảng 2/3 chi phí chung. Tuy có những tháng xăng dầu sụt giảm nhưng phần lớn ngư dân vẫn phải mua với giá cao, giá các loại vật tư lương thực, thực phẩm, nước đá, ngư cụ, nhân công cũng không ngừng tăng cao từ 10 - 15%, trong khi đó giá thủy sản khai thác được bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, cộng với tình trạng tư thương ép giá khiến hiệu quả khai thác mỗi chuyến thấp.

Tin xuất khẩu thủy sản

      Nhà nhập khẩu tăng mua cá tra để dự trữ: Trong vòng khoảng một tuần trở lại đây, nắm bắt được khả năng sản lượng nguyên liệu cá tra của Việt Nam thiếu hụt, nên các nhà nhập khẩu nước ngoài tranh thủ đặt mua số lượng lớn nhằm dự trữ cho mùa tiêu thụ cuối năm. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam như: Hùng Vương, Vĩnh Hoàn, Argifish, Hùng Cá, Nam Việt… ký được hợp đồng xuất khẩu cá tra đến hết năm. Theo ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản Hùng Vương, tính đến hết ngày làm việc thứ ba của tuần cuối tháng 9, công ty này ký hợp đồng xuất khẩu 1.600 container, tương đương khoảng 32.000 tấn cá tra, trị giá gần 100 triệu USD cho các nhà nhập khẩu châu Âu, Mỹ, Trung Đông… Hợp đồng này có giá tăng 10 – 15%, tức khoảng 10 – 20 cent/kg so với tháng trước, được giao trong quý 4.2013 và đây là số lượng cá tra xuất khẩu nhiều nhất trong một quý từ trước đến nay của Hùng Vương. Do tình hình cá tra nguyên liệu khan hiếm, giá tăng trên 23.000 đồng/kg, nên vài tuần gần đây, thị trường không còn xuất hiện tình trạng doanh nghiệp chào xuất khẩu giá thấp.

 

Nguồn:

 -    Tổng hợp từ nguồn cộng tác viên của Trung tâm Thông tin Thủy sản

-   Tham khảo: Quân đội nhân dân, Tiền phong, Báo Bình Định, Báo Cà Mau, Báo Trà Vinh, Báo Kinh tế VN và Thế giới, Sài Gòn Tiếp Thị.

Ý kiến bạn đọc

Tin khác