Điểm tin sản xuất - tiêu thụ thủy sản Tuần từ ngày 26 – 30/8 năm 2013 (22-11-2013)

 Tin hoạt động

      Xúc tiến đầu tư cho thủy sản : Trong bối cảnh chi phí đầu vào cho mỗi chuyến biển tăng cao, việc tiêu thụ sản phẩm lại phải qua trung gian, thương lái khiến giá thủy sản luôn bị ép cấp, ép giá, nhiều địa phương có thế mạnh về nuôi trồng, đánh bắt thủy sản đang chủ động xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực chế biến, nâng cao giá trị thủy sản xuất khẩu. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả để tăng giá trị, thu nhập qua từng chuyến biển cho ngư dân. Trong tháng 6, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức xúc tiến tại bốn thành phố lớn của Nhật Bản gồm Tokyo, Osaka, Sakai, Kyoto nhằm kêu gọi đầu tư vào địa phương trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản, nhất là cá ngừ đại dương. Hiệp hội hữu nghị Nhật-Việt tại Osaka đề xuất hỗ trợ tập huấn cách bảo quản cá ngừ đại dương sau đánh bắt cho ngư dân nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu của sản phẩm này. Doanh nghiệp thủy sản của Osaka cũng chủ động đến Bình Định khảo sát tìm địa điểm xây dựng nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp giúp ngư dân mở rộng thị trường xuất khẩu tôm, cá, nhất là cá ngừ đại dương sang Nhật Bản. Các tỉnh thành khác như Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu… cũng đang xúc tiến các chương trình thu hút đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị thủy sản biển.

      Tăng cường kiểm tra chất lượng thủy sản xuất khẩu sang Nga : Cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở xuất khẩu thủy sản vào Nga chủ động rà soát, tăng cường kiểm soát điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc kiểm soát này nhằm tránh nguy cơ bị Cục Kiểm dịch động thực vật Nga cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm và áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Trước đó, Cục Kiểm dịch động thực vật Nga đã thông báo áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường đối với các lô hàng xuất khẩu của Công ty TNHH Chế biến thủy sản Minh Quý do phát hiện lô hàng tôm sú đông lạnh của cơ sở nhiễm vi sinh vật ưa ẩm và kỵ khí tùy nghi vượt quá giới hạn cho phép.

Tin nuôi trồng thủy sản

      Nuôi tôm thẻ chân trắng tăng mạnh tại Tiền Giang : Qua thời gian hơn 5 năm, phần lớn nông dân nuôi tôm nước lợ ở Tiền Giang đã chọn nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT), và thực tế hiện nay diện tích nuôi TTCT ở địa phương này đã lớn hơn tôm sú (TS).
      TTCT có lợi thế là thời gian nuôi ngắn hơn, sản lượng cao hơn, lợi nhuận trên một đơn vị diện tích lớn hơn so với TS. Gần đây giá TTCT liên tục tăng do nhu cầu tiêu thụ thế giới đối với loại tôm này ngày càng lớn trong khi giá TS vẫn ổn định. Với những ưu điểm trên, trong hơn 5 năm qua, diện tích nuôi TTCT tại Tiền Giang tăng mạnh qua từng năm. Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, năm 2008 diện tích thả nuôi TTCT toàn tỉnh chỉ có 367 ha nhưng nay đã tăng lên 2.430 ha, trong khi diện tích thả nuôi TS chỉ có 724 ha. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, TS vẫn là đối tượng nuôi chủ lực của ngành. Vì vậy, người dân chỉ nên thả nuôi TTCT khi có trình độ thâm canh cao, thả nuôi trong thời gian nguồn nước tự nhiên có độ mặn thấp, thời tiết lạnh.

   Giá tôm hùm thương phẩm tại Bình Định tăng cao: Giá tôm hùm thịt được thương lái thu mua tại địa phương dao động khoảng trên 1,5 triệu đồng/con đối với tôm loại I, tôm loại II có giá hơn 1,4 triệu đồng/con và tôm loại III có giá trên 1,2 triệu đồng/con.

     Nuôi cá tra hướng tới mục tiêu sản xuất bền vững: Trường Đại học Cần Thơ đang khuyến cáo người nuôi cá tra trong vùng ĐBSCL thực hiện các biện pháp nuôi nhằm đạt sản phẩm chuẩn sạch, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khách hàng khó tính tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… là những thị trường xuất khẩu cá tra chính của Việt Nam. Để đạt được mục tiêu trên, người nuôi phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường nước, không lãng phí trong quá trình sử dụng đất và nguồn nước, chăm sóc, bảo quản cá theo phương pháp khoa học nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Cụ thể, người nuôi cần áp dụng phương pháp làm giàu thành phần a-xít béo có lợi là omega 3 trong phi lê cá tra thông qua tái khẩu phần thức ăn của cá” bằng cách đưa 5% hạt lanh (được chiết xuất, chế biến thành thức ăn cho cá) vào thức ăn cho cá tra trong giai đoạn 70 ngày nhằm làm cho hàm lượng chất béo omega 3 tăng lên (chất này có tác dụng nâng cao chất lượng thịt phi lê, nâng cao giá trị cá tra xuất khẩu, tăng tính cạnh tranh cho cá tra trên thị trường quốc tế). Ngoài ra, người nuôi cũng có thể áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” trong thâm canh cá tra xuất khẩu. Thực hiện “3 giảm” là giảm mật độ thả nuôi còn từ 20 - 25 con/m2 ao, giảm sử dụng thuốc kháng sinh (chỉ sử dụng khi thật cần thiết), giảm xả chất thải trong ao nuôi ra sông rạch. Do mật độ thả nuôi phù hợp với tập tính sống của cá trong môi trường tự nhiên nên cá ăn mồi tốt hơn, lớn nhanh hơn, sức đề kháng của cá đối với với bệnh tật tăng cao, chất lượng thịt cũng cao hơn.

  TT-Huế: 80% hộ nuôi thủy sản có lãi: Năm 2013, toàn tỉnh TT Huế có tổng diện tích nuôi nước lợ, mặn gần 4.300 ha, đạt 100% so với kế hoạch năm. Đến tháng 8/2013, bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh thu hoạch gần 2.000 tấn tôm; 677 tấn cá; trong đó, hơn 684 tấn tôm sú, tôm rảo. Năm nay, tôm nuôi được mùa cũng nhờ nhận thức của bà con được thay đổi, không xem con tôm sú là đối tượng nuôi chính mà thay vào đó là các đối tượng nuôi xen ghép như tôm, cua, cá ong, dìa, đối.... Theo thống kê từ Chi cục Nuôi trồng thủy sản, vụ nuôi năm 2013 có khoảng 80% hộ nuôi có lãi, 10% hộ hòa vốn và 10% thua lỗ. Thực tế cho thấy, nhiều hộ gia đình đã áp dụng mô hình nuôi tôm theo quy trình GAP, cung ứng cho thị trường sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay người dân biết tính toán hợp lý làm sao để không bị lỗ, hầu hết các chủ nuôi đều thu tỉa dần khi tôm và cá đủ kích cỡ và trọng lượng. Tuy nhiên, hiện nay bà con trên địa bàn tỉnh nuôi trồng thủy sản chỉ tiêu thụ thị trường nội địa, nhỏ lẻ, không ổn định, đầu vụ giá cao, giữa vụ và chính vụ thường bị ép giá 30-40%, lãi không cao.

Tin khai thác thủy sản

      Quảng Nam khuyến khích phát triển tàu cá xa bờ: Thực hiện Chương trình phát triển tàu cá xa bờ (1997 - 2000) của Chính phủ, trong 4 năm (1997 - 2000), Quảng Nam đã triển khai được 49 dự án, nâng số tàu cá xa bờ của tỉnh từ 4 chiếc lên 53 chiếc, mở ra xu hướng phát triển tàu công suất từ 90CV trở lên vươn khơi khai thác nguồn lợi hải sản vùng biển xa bờ, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển nước ta.

      Ninh Thuận: Ngư dân Phước Dinh được mùa ruốc: Trong tháng 8, ngư dân xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) rất phấn khởi vì được mùa ruốc, sản lượng khai thác khoảng 20 tấn/ngày.Giá ruốc tươi dao động từ 18- 25 ngàn đồng/kg, ruốc khô bán với giá là 90 ngàn đồng/kg. Nhờ được mùa ruốc nên ngư dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

      Khánh Hòa thực hiện xong dự án Movimar cho Đội tàu khai thác xa bờ: Chi Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa phối hợp với Đài Thông tin Duyên Hải hoàn thiện việc trang bị hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh cho 100 chiếc tàu cá khai thác xa bờ. Đây là những tàu có công suất từ 90 mã lực trở lênCông nghệ vệ tinh hiện đại sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cho ngư dân yên tâm ra khơi bám biển; đồng thời giúp các cơ quan chức năng làm tốt công tác quản lý tàu cáđang hành nghề khai thác khơi xa.

      8 tàu cá được khai thác ở ngư trường Indonesia: Ngày 30/8, tại Cảng cá Tắc Cậu, xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, Sở NN&PTNT tổ chức trao giấy phép của Tổng cục Thủy sản cho 8 tàu cá đi khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam, cụ thể là ngư trường nước bạn Indonesia, với thời hạn 12 tháng. Dự kiến mỗi chuyến biển đánh bắt trên ngư trường Indonesia kéo dài khoảng 30 ngày, với vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng cho một cặp tàu và sản phẩm hải sản khai thác đưa về Kiên Giang chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Một cặp tàu cá đóng cho nước bạn 90.000 USD/năm. Sở NN&PTNT Kiên Giang phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư Đại Dương (Bình Định) đã hoàn tất các thủ tục pháp lý và đưa được tàu cá của 2 ngư dân Kiên Giang vào khai thác hợp pháp ở ngư trường Indonesia sau khi đạt được thỏa thuận với Bộ Biển và Nghề cá nước này và được Tổng cục Thủy sản cấp phép, mở ra bước đột phá trong hợp tác quốc tế về khai thác thủy sản. Đây là thỏa thuận hợp tác đánh bắt đầu tiên giữa Việt Nam và Indonesiathông qua hợp đồng giữa Cty CP Đầu tư Đại Dương và Cty Papua đóng tại Indonesia. Theo thỏa thuận, năm 2013 sẽ có 40 tàu qua đánh bắt tại vùng biển giáp ranh giữa hai nước.

Tin xuất khẩu thủy sản

      Xuất khẩu sẽ tăng mạnh: Trong khi xuất khẩu cá tra, cá ngừ và các mặt hàng hải sản khác có chiều hướng sụt giảm, trong đó cá tra giảm 14%, cá ngừ giảm 25%, mực bạch tuộc giảm 11%, trong tháng 8, xuất khẩu tôm đang trên đà hồi phục với mức tăng trưởng khoảng 38%, đạt gần 280 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu tám tháng lên 1,7 tỉ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2012. Lý do ngành tôm tăng xuất khẩu là do nguồn cung tôm cho Mỹ sẽ giảm mạnh sau phán quyết cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ về thuế chống trợ cấp đối với bảy nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Dự báo trong quý IV- 2013, giá tôm sẽ tiếp tục tăng mạnh.

      Xuất khẩu cá ngừ sang EU tăng trưởng cao: Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản và ASEAN tháng 7/2013 giảm mạnh trong khi sang EU vẫn tăng trưởng rất khả quan. Số lượng thị trường nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam trong khối EU theo từng nhóm mặt hàng cũng tăng. Xét theo từng nhóm mặt hàng, giá trị xuất khẩu cá ngừ chế biến khác tăng mạnh nhất: 1.638%; tiếp đến là cá ngừ đóng hộp: Tăng 70,6% và cá ngừ tươi/sống/đông lạnh (trừ thăn cá ngừ hấp chín đông lạnh): Tăng 14,91%. Với xu hướng như hiện tại, Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo thị trường nhập khẩu cá ngừ của EU sẽ được cải thiện hơn nữa trong những tháng cuối năm.

      Giá cá tra xuất khẩu sang châu Âu nhích lên: Theo Cty CP Thủy sản Nam Sông Hậu, giá cá tra xuất khẩu sang thị trường châu Âu giữa tháng 8 này đã nhích lên so với 2 tháng trước. Thị trường nhập khẩu cá tra tại châu Âu đã có dấu hiệu nhộn nhịp trở lại sau 2 tháng gần như không có bất cứ một khách hàng nào hỏi mua hàng.

        FICen tổng hợp

Ý kiến bạn đọc

Tin khác