Điểm tin sản xuất - tiêu thụ thủy sản Tuần từ ngày 19 – 25/8 năm 2013 (22-11-2013)

 Tin hoạt động

      Năm nước bị Mỹ áp thuế chống trợ cấp tôm : Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador, Malaysia và Việt Nam bày tỏ sự bất bình trước quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về việc áp thuế chống trợ cấp (CVD) đối với tôm nhập khẩu vào Mỹ mới được công bố ngày 12/8/2013. Theo quyết định của DOC, Indonesia và Thái Lan được miễn không phải nộp thuế. Trong khi đó, mức thuế suất áp cho toàn bộ các công ty của Trung Quốc là 18,16%; Ecuador 11,68%; Ấn Độ 5,85%; Malaysia 54,5% và Việt Nam 4,52%. Trước quyết định của DOC, Tập đoàn xuất khẩu tôm nước ấm lớn nhất Trung Quốc, Zhanjiang Guolian Aquatic Products, cho biết sẽ tiếp tục đấu tranh cho vụ kiện này. Trong khi đó, Malaysia thành lập ủy ban hỗ trợ các doanh nghiệp, Ecuador đang nghiên cứu các phương án, trong đó có việc kháng cáo sau quyết định bất ngờ của DOC về mức thuế CVD áp cho nước này. Ấn Độ chuẩn bị các bước pháp lý để tranh luận. Tại Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có thông cáo báo chí phản đối quyết định áp thuế lần này của Mỹ. VASEP cũng đã chuẩn bị tài liệu gửi sang Mỹ đề nghị xem xét lại và giải quyết vụ việc hợp lý hơn.

      Hội nghị bàn giải pháp cứu cá tra : Ngày 21/8, tại TP.Cần Thơ, Bộ NN&PTNT phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức Hội nghị bàn giải pháp cứu con cá tra 5 tháng cuối năm 2013. Theo Tổng cục Thủy sản, tính từ đầu năm đến 16/8/2013, vùng ĐBSCL thả nuôi cá tra 4.696 ha, tăng 4,2% so cùng kỳ năm 2012, sản lượng thu hoạch đạt 770.796 tấn, tăng 5,3% so cùng kỳ....Tuy sản xuất vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng nhưng sau đó bất lợi kéo theo hàng loạt: Giá nguyên liệu đầu vào thức ăn tăng 300 - 500 đồng/kg, thuốc thú y thủy sản tăng bình quân 10%... khiến giá thành sản xuất tăng cao. Trong quí I, giá thành sản xuất 23.000 - 24.500 đồng/kg, người nuôi bán cá 20.000 - 22.500 đồng/kg, lỗ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Sang quí II và đầu quí III do giá thức ăn giảm 200 - 300 đồng/kg, giá thành sản xuất từ 22.000 - 24.000 đồng/kg, giá cá bán 22.500 - 22.700 đồng/kg người nuôi lỗ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, liên kết sản xuất giữa người nuôi cá và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, thường xảy ra hiện tượng đơn phương tự ý hủy hợp đồng hoặc doanh nghiệp mua cá chiếm dụng vốn, kéo dài thời gian trả nợ người nuôi. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm doanh số cho vay nuôi trồng, thu mua chế biến cá tra tại các tổ chức tín dụng khu vực ĐBSCL là 27.167 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đến ngày 31.7 là 22.909 tỷ đồng . Nợ xấu đến ngày 31.7 là 1.033 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 4,5% trong tổng dư nợ). Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, cần tăng cường xúc tiến thương mại, tăng cường mở rộng thị trường có tiềm năng đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Nga, Ukraina. Bên cạnh đó, UBND các tỉnh sẽ rà soát lại quy hoạch và khuyến khích nuôi cá tra tại những vùng có điều kiện thuận lợi. Cùng với các chỉ tiêu tăng trưởng về diện tích và sản lượng cần phải xác định hiệu quả kinh tế trong sản xuất là ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng kế hoạch các năm tiếp theo.  

      Nghệ An xây mới 22 kho đông lạnh bảo quản thủy sản : UBND tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu sẽ xây dựng mới 22 kho đông lạnh để bảo quản thủy sản với công suất 240 tấn sản phẩm/năm trong thời gian từ nay đến năm 2015. Trong đó 10 kho tại huyện Quỳnh Lưu, 5 kho tại huyện Diễn Châu, 5 kho tại Thị xã Cửa Lò và 2 kho ở huyện Nghi, nhằm tạo thuận lợi hơn trong việc cung cấp nguồn hàng thủy sản cho các cơ sở chế biến thủy sản khi đến Nghệ An thu mua sản phẩm.

Tin nuôi trồng thủy sản

      Nuôi tôm thâm canh tại nhiều địa phương đạt hiệu quả cao: Tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh, vụ tôm xuân hè 2013 vừa qua, nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh đạt năng suất, sản lượng cao, mang lại giá trị kinh tế cho người dân. Các mô hình nuôi tôm thâm canh đã tiến hành thu hoạch với sản lượng gần 130 tấn, trị giá ước đạt 130 tỷ đồng, có nơi đạt sản lượng từ 8-10 tấn/ha, cỡ tôm 60-70 con/kg. Sau khi thu hoạch nhiều mô hình đã và đang tiến hành cải tạo ao đầm, tiếp tục thả giống tôm nuôi vụ đông năm 2013. Tương tự, tại Vạn Ninh, Khánh Hòa, người nuôi tôm chân trắng theo công nghệ cao cũng bội thu. Năm 2013, huyện Vạn Ninh thả nuôi trên 180 ha tôm chân trắng, trong đó nuôi thâm canh theo công nghệ cao chiếm 25%, còn lại nuôi trong ao đất. Đối với tôm nuôi trong ao đất, tình hình vẫn không khả quan do tôm bị dịch. Tuy nhiên, các hộ nuôi tôm theo công nghệ cao lại được mùa do đảm bảo được các yếu tố như thức ăn, nguồn nước, môi trường. Một số hộ nuôi tôm theo công nghệ cao ở xã Vạn Thọ cho biết, với giá bán ra 100 ngàn đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận thu về đạt 500 triệu/ao - tương đương 0,5ha. Sản lượng tôm chân trắng thu hoạch tại Vạn Ninh đến thời điểm này đã đạt 600 tấn, tăng 13 % so với cùng kỳ.

      Thừa Thiên - Huế sắp xếp lại các vùng nuôi cá lồng: Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế đang phối hợp với các địa phương sắp xếp lại các vùng nuôi cá lồng trên địa bàn nhằm bố trí lồng nuôi hợp lý, hạn chế tình trạng cá chết vì dịch bệnh và tránh ảnh hưởng đến giao thông đường thủy. Hiện toàn tỉnh có hơn 4.000 lồng nuôi cá nước ngọt, nước lợ và nước mặn, tập trung ở các cửa biển Thuận An, Tư Hiền, vùng đầm Lăng Cô và trên sông Bồ. Tuy nhiên, do phát triển tự phát và thiếu quy hoạch nên tình trạng cá lồng chết hàng loạt vì dịch bệnh xảy ra ngày càng nhiều, khiến người dân thiệt hại nặng nề.

      Phát triển nuôi cá thát lát ở Phụng Hiệp, Hậu Giang:  Do giá và đầu ra các loại thủy sản như cá lóc, cá rô đầu vuông không ổn định nên nhiều nông hộ ở Phụng Hiệp chuyển sang nuôi cá thát lát cườm. Toàn huyện hiện có gần 10ha diện tích mặt nước và hơn 300 vèo nuôi, tập trung nhiều ở xã Bình Thành, Hòa Mỹ và thị trấn Cây Dương… Trung bình với khoảng 5.000 con cá giống sau khoảng 3 tháng thả nuôi, người nuôi có thể thu nhập từ 25-30 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập khá cao cho lĩnh vực nuôi thủy sản hiện nay.

Tin khai thác thủy sản

      Ngư dân Bình Thuận được lắp thiết bị quan sát tàu cá:  Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Đài thông tin duyên hải miền Trung lắp đặt hơn 220 thiết bị quan sát tàu cá bằng công nghệ vệ tinh cho ngư dân. Từ nay đến cuối năm nay, tỉnh này sẽ tiếp tục lắp đặt 80 thiết bị này nữa cho tàu cá. Chủ tàu được lắp đặt thiết bị này phải có trách nhiệm đối với các thành viên trong tổ đội của mình về thông tin dự báo thời tiết, luồng cá, ngư trường, phát tín hiệu cấp cứu kịp thời khi tàu thuyền trong tổ, đội gặp nạn trên biển

      Giá cua, ốc miền Tây tăng: đang vào mùa nước nổi, hoạt động khai thác nội đồng của người dân miền Tây đang được đẩy mạnh. Trong tuần, ốc bán lẻ tại chợ có giá 20.000đồng/kg và cua đồng từ 20.000-40.000đồng/kg (tùy loại), cao gần gấp rưỡi năm 2012. Tại các xã dọc theo biên giới, kinh Vĩnh Tế và Đồng Tháp Mười…số người chuyên sống bằng nghề bắt cua, bắt ốc lên đến hàng trăm. Nhiều nông dân ở An Phú, Tịnh Biên còn bơi xuồng qua khỏi biên giới Campuchia để thuê mặt nước đánh bắt thủy sản.

Tin xuất khẩu thủy sản

      Dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 2,4 tỷ USD:  Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra phán quyết về thuế chống trợ cấp (CVD) cho một số nước nhập khẩu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của VASEP, thuế CVD chưa ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam trong năm nay. Hiện ngành tôm Việt Nam xuất khẩu và chiếm một phần đáng kể thị phần tại Mỹ và nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng tham gia mạnh vào chuỗi cung ứng chung của hoạt động cung cấp tôm cho thị trường này. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tôm của Mỹ tăng nên nhà nhập khẩu Mỹ không thể trong vòng vài tháng có thể điều chỉnh, tìm được đối tác cung ứng mới ổn định cả về sản lượng và quy cách chế biến. Hiện các doanh nghiệp đều kỳ vọng thị trường cuối năm. Theo thống kê của Hải quan Nhật Bản, 6 tháng đầu năm 2013, nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh vào Nhật giảm 1% về khối lượng nhưng tăng 12% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Cụ thể, đầu tháng 1/2013, giá bán tôm sú cỡ 16/20 của Việt Nam là 12 USD/kg, đến cuối tháng 6/2013 đã lên đến 16,2 USD/kg, tăng 35%. Cùng với xu hướng tăng giá trên thị trường toàn cầu, giá tôm Việt Namtrên thị trường Mỹ cũng tăng đáng kể. Tháng 1/2013, giá bán tôm sú cỡ 16/20 tại Mỹ là 5,2 USD/pound và đã tăng lên 6,2 USD/pound vào tháng 6/2013. Nhờ giá tăng, xuất khẩu tôm sang Mỹ cũng tăng khả quan. 7 tháng đầu năm 2013, giá trị XK tôm Việt Nam sang thị trường này tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 300 triệu USD. Trong nước, giá tôm nguyên liệu đang tăng lên đã khuyến khích người nuôi tôm thả nuôi trở lại, giúp giảm bớt căng thẳng về nguồn nguyên liệu cho chế biến trong nước. Tôm sú nguyên liệu cỡ 30 con/kg hiện có giá bán 190.000 đồng/kg tăng 22% so với đầu năm. Tôm chân trắng cỡ 100 con/kg có giá bán 105.000 đồng/kg, tăng 9%.

FICen tổng hợp

Ý kiến bạn đọc

Tin khác