Điểm tin sản xuất - tiêu thụ thủy sản tuần từ ngày 29/7 – 2/8 năm 2013 (08-08-2013)

Tin hoạt động

      Tập trung đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo, cá tra: Trong tuần, Văn phòng Chính phủ gửi các cơ quan quản lý và một số hiệp hội ngành hàng thông báo về kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp với các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang về sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, cá tra. Liên quan đến cá tra, Thủ tướng yêu cầu Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp hội viên tăng cường hợp tác trong thu mua, xuất khẩu tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh về giá và không bảo đảm chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp thành viên và với các hộ nông dân trong việc đặt hàng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đề xuất chính sách để xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng, thương hiệu sản phẩm để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị hàng xuất khẩu. Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát cơ cấu lại nợ, có biện pháp xử lý tín dụng phù hợp cho người nuôi cá tra (khoanh nợ, gia hạn nợ, cho vay gối vụ, cho vay mới); yêu cầu các ngân hàng thương mại, trong đó Ngân hàng NN-PTNT là chủ lực, tập trung đẩy mạnh cho vay phục vụ sản xuất cá tra, bảo đảm thời hạn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất. Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT báo cáo về việc miễn giảm thuế GTGT đối với thức ăn chăn nuôi và thủy sản.

      Bão số 5 làm vỡ nhiều lồng bè thủy sản: do ảnh hưởng của bão số 5, nhiều tỉnh, thành phố phía bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Ðiện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Cạn, Lào Cai, Hà Giang... đã có mưa to đến rất to, gió giật mạnh gây thiệt hại về người và tài sản. Tại Quảng Ninh, bão số 5 đã làm vỡ năm ô lồng bè nuôi trồng thủy sản; tại TP Hải Phòng, bão cũng làm vỡ một bè nuôi thủy sản. Tại Hòa Bình cũng có một ao nuôi cá ở phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) bị vỡ.

      Hội nghị bàn giải pháp tổ chức lại sản xuất trong khai thác cá ngừ:  Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị bàn giải pháp tổ chức lại sản xuất trong khai thác cá ngừ tại 9 tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám, để phát triển ngành khai thác thủy sản nói chung, nghề câu cá ngừ đại dương nói riêng theo hướng hiệu quả, bền vững, Chính phủ đã có đề án về tổ chức lại khai thác hải sản trên biển và đang triển khai. Đây là bước đột phá để tổ chức lại sản xuất trên biển, trước hết là với cá ngừ đại dương theo chuỗi giá trị, theo mô hình ngư dân liên kết, hợp tác thành các tổ đội, kết nối các tổ đội này với các doanh nghiệp thu mua, chế biến.

      2,4 triệu EUR cho dự án chuỗi cá tra bền vững: Ngày 2-8 tại TP.HCM, Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng các đối tác chính thức khởi động dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững - SUPA”. Dự án được thực hiện trong 4 năm (2013 - 2017), tập trung vào việc nâng cao năng lực, thúc đẩy sản xuất có trách nhiệm, nâng cao chất lượng, giảm thiểu tác động môi trường và giảm chi phí sản xuất thông qua việc sử dụng tài nguyên hiệu quả và sản xuất sạch hơn (RE-CP). Dự án sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới. EU sẽ hỗ trợ toàn bộ chuỗi cung ứng cá tra từ khâu ươm, thức ăn, chế biến đến xuất khẩu và người tiêu dùng cuối cùng. Dự kiến sẽ có ít nhất 70% doanh nghiệp sản xuất và chế biến cá tra, 30% nhà chế biến thức ăn và các trang trại thực hiện phương pháp RE-CP. Ngoài ra, ít nhất 50% các doanh nghiệp tham gia sẽ được cung cấp các sản phẩm bền vững, phù hợp các tiêu chuẩn cho thị trường lớn nhất cá tra Việt Nam là châu Âu. Tổng giá trị dự án gần 2,4 triệu EUR, trong đó, EU hỗ trợ 1,9 triệu EUR.

      DOC lùi thời hạn công bố phán quyết mức thuế chống trợ cấp tôm: thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm, tôm đông lạnh VN nhập khẩu vào thị trường Mỹ sẽ được DOC rời sang tháng 9 thay vì ngày 12/8 như thông báo trước đó.

Tin nuôi trồng

      ĐBSCL–nuôi cá tiêu thụ nội địa có lãi: Tại Đồng Tháp, trong tuần, cá điêu hồng thương phẩm được thương nhân trực tiếp bắt tại bè với giá 41.000 – 45.000 đồng/kg, tăng gấp 3 lần so với mức giá giữa năm 2012 còn giá cá điêu hồng giống dao động quanh mức 28.000 – 35.000 đồng/kg (loại 35 - 40 con/kg). Đây là mức giá thấp, có lợi cho người nuôi. Tại Cà Mau, cá bống tượng loại cơi và loại nhất có giá từ 200 - 205 ngàn đồng/kg, loại hai, loại ba có giá 190.000 đồng/kg, tăng trên 70.000 đồng/kg so với trước đây. Bên cạnh đó, giá cá tạp làm thức ăn cho cá bống tượng cũng giảm nhẹ ở vào khoảng từ 10-12 ngàn đồng/kg. Do vậy, người nuôi cá có lãi, rất phấn khởi. Ngoài ra, hoạt động nuôi cá lóc ở ĐBSCL cũng phát triển rất nhanh kể từ năm 2012 đến nay. An Giang, Trà Vinh và Kiên Giang là những địa phương có diện tích nuôi và truyền thống nuôi cá lóc tăng nhanh nhất trong khu vực. Theo bà con nuôi cá điêu hồng và cá lóc ở ĐBSCL, với tình hình hiện nay, hoạt động nuôi cá tiêu thụ trong nước hiệu quả hơn nhiều nuôi cá để chế biến xuất khẩu. Để đảm bảo được lợi được nhuận của nông dân nuôi cá bán nội địa trong điều kiện thị trường tiêu thụ có hạn, dễ xảy ra hiện tượng khi thu hoạch ào ạt, cá dội chợ rớt giá thiệt hại cho người nuôi, cần phải có kế hoạch liên kết và tổ chức sản xuất theo hướng phân chia thời điểm thả nuôi và thu hoạch giữa các địa phương ở ĐBSCL nhằm tránh cung vượt cầu, đảm bảo giá bán luôn ổn định, giúp nông dân có lãi.

     Thanh Hóa thu hoạch gần 1 ngàn tấn tôm sú và tôm he chân trắng: Vụ xuân-hè năm 2013, chủ ao đầm các huyện, thị xã vùng triều trong tỉnh đã đưa 3.943 ha vào nuôi tôm  sú, 72 ha tôm he chân trắng. Từ cuối tháng 6 đến nay, các chủ ao đầm đã tiến hành thu hoạch tôm thương phẩm. Lãnh đạo Phòng Nuôi trồng Thủy sản cho biết: đến hết tháng 7-2013, toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 500 tấn tôm sú, 500 tấn tôm he chân trắng. Cùng với tập trung thu hoạch tôm, cua, cá, chủ ao đầm tích cực chuẩn bị các điều kiện thả nuôi tôm he chân trắng vụ hè - thu.

      Thái Bình thu hoạch nhanh gọn gần 100 tấn thủy sản nước lợ: Tại Thái Bình, trước diễn biến bất thường của thời tiết, người nuôi trồng thủy sản ven biển huyện Tiền Hải và Thái Thụy đã thu hoạch nhanh gọn gần 100 tấn thủy sản nước lợ, trong đó có gần 20 tấn tôm thẻ chân trắng, chín tấn tôm sú ở vùng đầm bãi ven đê quốc gia. Tôm vụ xuân hè năm nay đều đạt kích cỡ thương phẩm, bảo đảm giá trị kinh tế cho hộ sản xuất.

Tin khai thác

      Ngư dân Bình Định trúng đậm cá cơm than. Trong tuần, vùng biển ven bờ của TP. Quy Nhơn xuất hiện nhiều cá cơm than. Nhiều tàu thuyền làm nghề mành đèn nhờ vậy mà liên tục trúng loại cá này. Mỗi thuyền mành đèn có từ 4 – 6 ngư dân, đánh bắt một đêm đạt 6 – 7 tạ cá cơm than. Với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, mỗi tàu thuyền thu nhập 12 – 14 triệu đồng, sau khi trừ phí tổn, lãi từ 10 – 12 triệu đồng, mỗi ngư dân đi bạn có thu nhập từ 1 – 2 triệu đồng/đêm. Cá biệt, có thuyền khai thác được 1 tấn, đạt doanh thu 20 triệu đồng/đêm

    Nghề câu mực kém hiệu quả: Từ đầu năm đến nay, nghề câu mực tại Cà Mau đang mất dần vị thế khi cả sản lượng và giá thành đều giảm. Giá bán hiện nay chỉ từ 60.000 - 70.000 đồng/kg mà sản lượng thu được cũng ít hơn năm trước. Theo tính toán của ngư dân, với sản lượng thấp như năm nay, nếu giá mực bán ra khoảng 100.000 đồng/kg thì họ mới có thể có lãi.

      Bình Thuận cho khai thác trở lại một số hải sản quý: bắt đầu từ tháng Tám tới, tỉnh Bình Thuận cho phép khai thác một số loài hải đặc sản tại vùng biển của tỉnh. Bình Thuận là nơi tập trung các loại hải đặc sản nhuyễn thể 2 mảnh vỏ có giá trị cao như sò điệp, sò lông, bàn mai, dòm nâu… Nguồn lợi tự nhiên này từ lâu được coi là nguồn thu nhập chính của lao động vùng biển Bình Thuận. Tuy nhiên, do việc khai thác hải sản non diễn ra tại một số nơi trong tỉnh đã làm tận diệt nguồn lợi hải đặc sản nên thời gian qua, tỉnh đã tạm cấm tất cả các hoạt động lặn khai thác hải đặc sản trên vùng biển của tỉnh.

Tin xuất khẩu thủy sản

      Ngành tôm Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn: Trong khi Việt Nam đã tìm được cách hạn chế và khắc phục hội chứng tôm chết sớm (EMS) thì tình hình dịch bệnh này bắt đầu lan rộng trên thế giới và đặc biệt nghiêm trọng tại Thái Lan, nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Nhiều người trong ngành cho rằng đây là cơ hội tốt của Việt Nam để vươn lên vị trí dẫn đầu về lượng tôm xuất khẩu. Theo chủ tịch Hiệp hội Tôm Thái Lan, năm 2013 lượng tôm xuất khẩu của Thái Lan có thể giảm đến 50%. Hiện nay chỉ 20 đến 30% số ao nuôi tôm tại nước này còn hoạt động. Hội chứngEMS bắt đầu ảnh hưởng nặng nề tới Thái Lan từ năm 2012, lây lan trên cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Sự sụt giảm lượng tôm xuất khẩu của Thái Lan đã dẫn đến giá tôm đông lạnh ở Mỹ và châu Âu tăng 20% trong vài tháng gần đây, tăng gần gấp đôi trong hai năm qua. Nếu dịch này lan rộng ở Nam Mỹ, nơi có nhiều quốc gia phát triển mạnh ngành nuôi tôm như E-qua-đo, Bra-xin thì giá tôm có khả năng tăng mạnh hơn trong thời gian tới. Trong khi đó tại Việt Nam, tại một số tỉnh nuôi tôm chính như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, vụ tôm năm nay người nuôi đã thả muộn và với mật độ thưa hơn so với năm ngoái, do đó tỷ lệ tôm chết đã giảm hẳn. Gần đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đã chủ động tìm kiếm các thị trường mới ở Nam Mỹ, Trung Đông, châu Á. Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì vị trí là nhà nhập khẩu tôm lớn thứ ba của Việt Nam.

      Trung Quốc sẽ phải nhập siêu thủy sản vì nhu cầu nội địa tăng: Dân số hiện tại của Trung Quốc bằng 1/5 tổng dân số thế giới và giá trị tiêu dùng ở thị trường bán lẻ của nước này năm 2016 dự tính sẽ lên tới 160 tỉ USD. Do thiếu hụt nguồn cung nội địa,  Trung Quốc sẽ sớm trở thành nhà nhập siêu thủy sản. Hiện nước này đang nhập khẩu rất nhiều loài thủy sản khác nhau, kể cả những loài đã từng rất hiếm trên thị trường trước đây như hải sâm hay cá vây tròn.

      Cộng hoà Dominica cấm nhập khẩu tôm từ Việt Nam: Chính quyền Cộng hoà Dominica vừa quyết định cấm nhập khẩu tôm trong mọi giai đoạn phát triển (tôm giống hay tôm thành phẩm...) và dưới bất kỳ hình thức nào (tôm chế biến hay tôm đông lạnh...) từ Việt Nam, Trung Quốc, Malaixia, Thái Lan, Bangladesh và Mexico.

                 FICen tổng hợp

Ý kiến bạn đọc

Tin khác