Điểm tin sản xuất - tiêu thụ thủy sản tuần từ ngày 22 – 26 tháng 7 năm 2013 (02-08-2013)

 

Tin nuôi trồng

      Bình Đại (Bến Tre): Sáu tháng đầu năm 2013, tình hình nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Bình Đại phát triển chậm, nguyên nhân do thời thiết bất thường, độ mặn tăng cao, con giống khan hiếm, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo thống kê, tổng lượng giống nhập qua kiểm dịch gần 1,2 tỷ post, trong đó tôm sú trên 120 triệu post, tôm thẻ trên 1 tỷ post. Tổng diện tích thả nuôi ước đạt trên 14.300 ha, trong đó nuôi thâm canh và bán thâm canh gần 2.800 ha, đạt trên 73% kế hoạch, so cùng kỳ tăng 26 %; nuôi quảng canh xen rừng trên 8.600 ha. Sản lượng thu hoạch tôm nuôi ước đạt trên 11.500 tấn.

      Trong vòng 2 tháng trở lại đây, người nuôi tôm trẻ chân trắng thâm canh ở 3 huyện ven biển Thạnh Phú, Bình Đại và huyện Ba Tri trúng mùa đậm. Tiền lãi trên mỗi công mặt nước (1.000m2) bình quân khoảng 100 triệu đồng, nên nông dân rất phấn khởi. Dự đoán diện tích tôm thẻ chân trắng sẽ tăng mạnh hơn nữa trong thời gian tới đây. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích tôm sú tại nhiều nơi đang lấn sang đất giồng cát và cả những khu vực ngọt hóa. Nếu không chấn chỉnh hoặc quản lý kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất trồng trọt, đồng thời gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

      Về nuôi nghêu, sản lượng khai thác của 2 Hợp tác xã thủy sản Rạng đông và Đồng tâm đạt trên 1.000 tấn, doanh thu trên 23 tỷ đồng; nuôi sò huyết 852 ha, sản lượng thu hoạch đạt 6.900 tấn. Tuy nhiên, từ đầu vụ nuôi, môi trường thường xuyên biến động làm tôm nuôi bị chết trên 603 ha, chiếm trên 21% so với diện tích thả nuôi. Khu vực nuôi thủy sản nước ngọt cũng giảm so với cùng kỳ, nguyên nhân do chi phí đầu tư sản xuất cao, giá cá thương phẩm không ổn định nên các cơ sở nuôi chậm thả giống. Đến nay, huyện Bình Đại thả nuôi cá tra thâm canh 72 ha, sản lượng đạt 3.500 tấn, nuôi thủy sản khác 169 ha, sản lượng đạt 150 tấn.

      Cà Mau: Những tháng đầu năm 2013, tổng sản lượng nuôi, trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau được hơn 237.000 tấn, đạt gần 55% so với kế hoạch, tăng hơn 8,3% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh có hơn 5.530 ha nuôi tôm công nghiệp, tăng 530 ha so với cuối năm 2012. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết đang bước vào mùa mưa nên khả năng tăng diện tích nuôi tôm công nghiệp không nhiều. Bên cạnh đó, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến truyền thống phát triển ổn định, với 25.700 ha, tăng hơn 3.900 ha so với cuối năm 2012. Hiện nay, do nông dân đang tập trung thả giống cho vụ nuôi chính nên khả năng diện tích nuôi tôm sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Tin khai thác

      Cà Mau:  Nhiều ngư dân trúng đậm vụ khai thác biển. Khoảng một tháng trở lại đây, hàng trăm ngư dân ở hai cửa biển Sông Đốc và Khánh Hội thuộc hai huyện U Minh và Trần Văn Thời trúng đậm vụ khai thác biển. Sản phẩm thu lợi được nhiều nhất là tôm, cá khoai, mực. Sau khi trừ chi phí đầu tư, bình quân mỗi tàu thu lãi được từ 40-70 triệu đồng. Đây là vụ trúng mùa đậm đầu tiên kể từ đầu năm đến nay, trong khi trước đó nhiều ngư dân lỗ nặng do khai thác thất bát khi chi phí đầu tư cao, giá nhiên liệu tăng liên tục. Song, sản lượng khai thác thuỷ sản trên biển ngày càng giảm mạnh. Một phần do ngư trường cạn kiệt bởi khai thác quá mức, một phần do lực lượng khai thác xa bờ thường xuyên nằm bờ do đi biển không có lãi.

       Tuy nhiên, lợi dụng thời tiết tháng qua mưa nhiều, ngư dân tận dụng thời cơ để ra khơi, kết quả là trúng đậm vụ mùa. Hiện nay, tỉnh Cà Mau có trên 3.000 phương tiện đang hoạt động sản xuất trên biển. Mặc dù thời điểm này biển động, mưa nhiều, nhưng nhiều ngư dân vẫn tích cực bám biển.

Tin xuất khẩu thủy sản

      Xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản giảm mạnh: Nếu như 6 tháng đầu năm 2012, Nhật Bản là nhà nhập khẩu lớn thứ hai của cá ngừ Việt Nam thì nửa đầu năm 2013 Nhật Bản đã tụt xuống vị trí thứ ba. Cụ thể, giá trị xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Nhật trong thời gian này chỉ đạt 31,6 triệu USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam chỉ đạt 293,7 triệu USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia cho rằng, do sự mất giá của đồng yên nên thời gian qua, các nhà nhập khẩu cá ngừ của Nhật Bản không thể đẩy mạnh nhập khẩu cá ngừ từ các nước, trong đó có Việt Nam.

      Dự báo thời gian tới, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường Nhật sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi các rào cản kỹ thuật đang được thị trường này đặt ra ngày càng khắt khe hơn.

      Nhiều cơ hội xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào U-crai-na: Nông, lâm, thủy sản là mặt hàng Việt Nam cần lưu ý và nên xuất khẩu, vì U-crai-na đang rất cần những mặt hàng này. Những năm gần đây, U-crai-na được coi là thị trường mới, nổi lên nhờ mức tăng trưởng kinh tế cao. U-crai-na có nhu cầu nhập khẩu nhiều hàng hóa tiêu dùng, nhất là nông thủy sản. Đây sẽ là một trong những thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam nếu biết cách tiếp cận thị trường. Hiện kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt khoảng 2,4 tỷ USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang U-crai-na chủ yếu là là hải sản, dệt may, giày dép, mũ, thủ công mỹ nghệ...

FICen tổng hợp

Ý kiến bạn đọc

Tin khác