Điểm tin sản xuất - tiêu thụ thủy sản tuần từ ngày 15 – 19 tháng 7 năm 2013 (02-08-2013)

 

Tin hoạt động

      Hậu Giang: Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang triển khai dự án nuôi cá và tôm càng xanh trên ruộng lúa cho 5 hộ dân ở xã Trường Long Tây, Trường Long A và thị trấn Bảy Ngàn, thí điểm là 2 hộ nuôi tôm càng xanh và 3 hộ nuôi cá ruộng với tổng kinh phí thực hiện gần 200 triệu đồng. Các hộ tham gia thực hiện mô hình được hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn, thuốc và hóa chất. Từ các mô hình này, huyện sẽ nhân rộng phong trào nuôi thủy sản, tăng thu nhập trên diện tích lúa cho bà con nông dân. Được biết đầu năm đến nay, nông dân huyện Châu Thành A thả nuôi 310ha thủy sản, trong đó cá ruộng 52ha.

      Khởi động dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam” (Establishing a Sustainable Pangasius Supply Chain in Vietnam - SUPA)”: Với mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cá tra bền vững, thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội và bằng sự tài trợ của Liên hiệp châu Âu. Dự án được xây dựng và thực hiện bởi Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam  (VNCPC), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam và Áo (WWF Vietnam và WWF Austria) cùng sự hợp tác từ nhiều tổ chức như AIT Việt Nam, các trường đại học, doanh nghiệp nuôi và chế biến cá tra . Triển khai từ tháng 4-2013, dự án sẽ kết thúc vào tháng 3-2017.

Tin nuôi trồng

      Nông dân Bến Tre trúng mùa tôm: Năm nay nhiều hộ nuôi tôm tại Bến Tre đang rất phấn khởi với vụ vừa thu hoạch trúng mùa, trúng giá. Tỷ lệ nuôi tôm thành công trong vụ này ở mức 7 – 3. Tức 10 người nuôi tôm thì có đến 7 người trúng vụ, 3 người còn lại vì không xử lý ao nuôi tốt, không kiểm soát dịch bệnh cẩn thận nên tiếp tục thua lỗ. Giá tôm nguyên liệu từ đầu năm đến nay liên tục tăng khiến nông dân phấn khởi, trong tuần ở mức từ 132.000 – 142.000 đồng/kg tùy kích cỡ, cao hơn khoảng 10.000 – 15.000 đồng/kg so với cùng kỳ 2012. Dù được đánh giá là đã “dễ thở” hơn trước nhưng tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi tại các huyện ven biển Bến Tre vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo người nuôi tôm cẩn trọng khi thả nuôi vụ mới.

      Người nuôi Đồng bằng sông Cửu Long trúng cá diêu hồng: Trong tuần, cá điêu hồng được các thương lái tới tận làng bè thu mua với giá cao kỷ lục, 44.000 đồng/kg. Giá thành sản xuất một kí lô gam cá gồm chi phí con giống, thức ăn, thuốc thú y, nhân công… nuôi trong 6 tháng bình quân khoảng 30.000 đồng/kg, năng suất bình quân mỗi bè 100m3 là 4-5 tấn cá nên sau khi trừ mọi chi phí sản xuất nông dân còn lãi khoảng 14.000 đồng/kg cá, tương đương lãi từ 55-70 triệu đồng/bè.Với mức giá này, nông dân nuôi cá bè có thể lãi từ 55-70 triệu đồng/bè.  Đây là mức lợi nhuận mơ ước của người nuôi cá điều hồng lồng bè nhưng lượng cá tới cỡ thu hoạch đang rất khan hiếm.

      Người nuôi cá bớp ở miền Trung lo lắng vì rớt giá: Năm nay, giá cá bớp thấp hơn so với năm ngoái. Trong tháng 7, giá cá dao động trong khoảng 80-100 ngàn đ/kg (thấp hơn từ 20-30 ngàn đ/kg so với năm ngoái). Do tỷ lệ cá hao hụt cao, thời gian nuôi kéo dài, giá cá thương phẩm lại thấp khiến người nuôi không có lãi. Trước tình hình nuôi cá bớp không có lãi, trong khi giá giống tăng cao (tăng 3000 – 5000 đồng so với đầu năm khiến nhiều người nuôi có ý định chuyển sang các mặt hàng nuôi khác.

Tin khai thác

      Ngư dân Khánh Hòa vào mùa hái “lộc biển”: Nhiều gia đình ngư dân ở P.Vĩnh Thọ, TP.Nha Trang, gọi loại rong mà họ đang hái mỗi ngày này là “lộc biển”. Hễ sang hè, "lộc biển" mọc ken dày ở nhiều nơi trong vịnh Nha Trang. Chỉ cần đi một giờ ghe máy (loại 10 - 12 CV) từ bến neo đậu ở sông Cái là có thể tiếp cận được với những bãi rong bạt ngàn giữa vịnh. Những người đi hái “lộc biển” này, phần lớn là thanh niên mới ngoài 20 tuổi, chỉ lặn ở độ sâu chừng 2 mét nước là sẽ hái được rong. Mỗi ghe 3 người, sau hơn một buổi là có thể khẳm ghe rong. Những người phụ nữ trên bờ đợi sẵn, hễ “lộc” về là nhanh chóng “tải” chúng ra giữa bãi cát. Sau hai ngày nắng, rong khô được cho vào bao tải. Một phụ nữ đang phơi rong cho hay giá bán mỗi ký rong khô từ 9 - 10.000 đồng. Theo chị, mỗi ghe 3 người đi hái rong trong vòng hơn một buổi có thể thu nhập từ 1,2 - 1,5 triệu đồng. Mỗi người kiếm được từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày giữa thành phố du lịch đắt đỏ này cũng là một “giấc mơ” rồi. Nhưng những “giấc mơ” ấy sẽ chấm dứt khi tiết trời sang thu, mùa rong không còn..

      Sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm ở Ninh Thuận đạt 24.326 tấn, đạt 37,4% kế hoạch năm, giảm 34,5% so với cùng kỳ năm trước. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ tháng 4 bắt đầu vào vụ cá nam, tình hình ngư trường khá thuận lợi trên toàn vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận nên các nghề lưới rê, vây rút chì, mành mực... hoạt động đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, trên ngư trường truyền thống lại không xuất hiện cá cơm tập trung nên hầu hết các thuyền nghề pha xúc hoạt động kém hiệu quả. Theo đó, Vasep cho biết, ước 6 tháng đầu năm toàn tỉnh Ninh Thuận khai thác được 24.326 tấn thủy sản các loại, đạt 37,4% kế hoạch năm, giảm 34,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tin xuất khẩu thủy sản

      An Giang xuất khẩu 86.800 tấn thủy sản trong 6 tháng đầu năm: Theo tin từ Sở Công Thương An Giang, xuất khẩu thủy sản của tỉnh trong tháng 6/2013 đạt trên 15.600 tấn, trị giá 42 triệu USD, bằng 96% về khối lượng và 98% về giá trị so với tháng trước. Tính chung từ đầu năm, xuất khẩu thủy sản của An Giang đạt 86.800 tấn, trị giá 218 triệu USD, tăng 33% về khối lượng và 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Tổng giá trị xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới của An Giang trong 6 tháng đầu năm đạt trên 468 triệu USD, tăng 32% so cùng kỳ.

      Xuất khẩu tôm của Việt Nam chuyển hướng sang thị trường châu Á: Trong khi các thị trường quan trọng của tôm Việt Nam như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn còn gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đã chủ động tìm kiếm các thị trường mới ở Nam Mỹ, Trung Đông, đặc biệt là thị trường châu Á.

      Là quốc gia đông dân nhất thế giới, có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu đầy triển vọng cho tôm Việt Nam. 5 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc của nước ta đạt 108,5 triệu USD, tăng 17,9%. Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì vị trí nhà nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Nhật Bản và Mỹ. Các nhà phân tích dự báo Trung Quốc còn có thể trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của thế giới trong vòng 10 năm tới với giá trị nhập khẩu thủy sản có thể lên tới 20 tỷ USD.

      Cùng với Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á (ASEAN) cũng là khối thị trường có mức tăng trưởng nhập khẩu mặt hàng tôm của Việt Nam tương đối cao và ổn định.  Dịch bệnh trên tôm khiến nhiều quốc gia Đông Nam Á phải tăng lượng tôm nhập khẩu nhằm cung cứng cho thị trường nội địa và phục vụ cho ngành chế biến xuất khẩu tôm. Do đó, trong 5 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các nước ASEAN tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó, các thị trường có mức tăng lớn là Philippines (tăng 88,5%), Malaysia (tăng 16,8%), Singapore (tăng 3,7%). Về giá trị nhập khẩu tôm của Việt Nam, Singapore là quốc gia dẫn đầu với trên 10,7 triệu USD. Riêng trong tháng 5 năm 2013, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này tăng 76%. Trong năm 2012, Việt Nam cũng là nhà cung cấp tôm đông lạnh hàng đầu cho Singapore (chiếm 31,7%).

FICen tổng hợp

Ý kiến bạn đọc

Tin khác