Điểm tin sản xuất - tiêu thụ thủy sản tuần từ ngày 01 – 05 tháng 7 năm 2013 (02-08-2013)

 

 

Tin hoạt động

      Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo và thủy sản vùng ĐBSCL năm 2013 được tổ chức ngày 5/7 tại TP.Cần Thơ do Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND TP.Cần Thơ tổ chức, với sự tham dự của lãnh đạo UBND 13 tỉnh trong vùng, cùng doanh nghiệp chế biến và xuất nhập khẩu ngành lúa gạo và thủy sản, các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn vùng ĐBSCL…

      Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu nông, thủy sản, đặc biệt là lúa gạo, cá tra trong 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì xu hướng giảm sút. Nguyên nhân chính khiến xuất khẩu cá tra giảm là do suy thoái kinh tế và các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật tại một số thị trường xuất khẩu quan trọng. Ở trong nước, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải thu hẹp quy mô sản xuất, xuất khẩu. Do vậy, cần phải có điều chỉnh căn cơ đối với cây lúa, cá tra, bắt đầu từ điều chỉnh cơ cấu sản xuất. Bộ Công Thương cũng cam kết sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT, các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan hữu quan, cộng đồng doanh nghiệp trong công tác thu thập và cung cấp thông tin, dự báo thị trường, các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc hợp tác với các hệ thống phân phối ở nước ngoài để phát triển các kênh phân phối cho mặt hàng gạo và thủy sản. Về nguồn vốn cho giải quyết hàng nông sản, thuỷ sản ở khu vực này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại bảo đảm vốn tín dụng, xem xét hạ lãi suất, tăng hạn mức cho vay và gia hạn thời gian vay cho cả người nuôi trồng và cả cơ sở chế biến gạo, thủy sản.

Tin khai thác

      Giá cá ngừ tăng trở lại:  Trong tuần, giá cá ngừ đại dương (câu đèn) ở tỉnh Khánh Hòa đang ở mức từ 70.000 đồng đến 75.000 đồng/kg, tăng từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/kg so với đầu năm. Giá tăng chưa nhiều nhưng đã tạo động lực cho hàng chục tàu cá của ngư dân trong tỉnh trở lại với nghề câu cá ngừ đại dương.

      Ngư dân Hoằng Hóa thu nhập hơn 70 tỷ đồng từ vụ sứa: Đến cuối tháng 6–2013, ngư dân các xã vùng biển của huyện Hoằng Hóa thu nhập hơn 70 tỷ đồng từ khai thác sứa biển. Đây là năm được mùa sứa nhất trong 5 năm trở lại đây. Mùa khai thác sứa biển bắt đầu khoảng tháng 3 âm lịch, kết thúc vào khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7 âm lịch hàng năm. Vào mỗi mùa sứa, hàng trăm tàu thuyền cỡ nhỏ và trung bình của ngư dân đánh cá ở đây lại chuyển sang khai thác sứa. Năm nay, nhiều phương tiện của ngư dân Hoằng Hóa đã vươn ra tận các ngư trường các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng để khai thác sứa. Từ nguồn sứa khai thác trên biển, hàng chục cơ sở chế biến trên bờ hoạt động hết công suất, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ ở các xã ven biển với thu nhập trên 100.000 đồng/người/ngày.

 Tin xuất khẩu thủy sản

      Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng tăng 0,3%: Theo Bộ Công thương, xuất khẩu thủy sản của tháng 6 năm nay ước đạt 560 triệu USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2012. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2013, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,861 tỉ USD, tăng 0,3 % so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, theo bộ này, tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm nay sẽ tiếp tục gặp khó khăn do các rào cản kỹ thuật ngày càng được dựng lên nhiều hơn. Nhật Bản, Hàn Quốc áp dụng chế độ kiểm soát Ethoxyquin; Ucraina tạm đình chỉ nhập khẩu cá tra từ Việt Nam do dư lượng một số loại vi sinh vật vượt tiêu chuẩn; Mexico tạm ngừng nhập khẩu tôm của bốn nước, trong đó có Việt Nam do lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh tôm chết sớm (EMS)… Ngoài ra, hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã ngừng hoạt động, hoặc thu hẹp quy mô sản xuất do đơn đặt hàng thấp, thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng cao.

      Xuất khẩu cá ngừ chỉ tăng 9,8%: Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá ngừ Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2013 đạt 253 triệu USD, chỉ tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2012. Cá ngừ vốn đang có xu hướng tăng trưởng rất khả quan từ năm 2012 với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình hàng tháng trên 50%, nhưng từ tháng 3/2013 đã có dấu hiệu đi xuống với tỷ lệ giảm 16% và tiếp tục giảm 16% trong tháng 5/2013, dẫn đến tổng xuất khẩu cá ngừ trong 5 tháng đầu năm 2013 chỉ tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 253 triệu USD.

      Trong thời gian tới, ngoài các khó khăn về vốn, nguyên liệu chưa thể khắc phục được, ngành cá ngừ Việt Nam còn phải đối mặt với rào cản về chứng nhận khai thác, đó hính là cảnh báo của Tổ chức Earth Island Institute (EII) về việc cấp chứng nhận “An toàn cá heo” (Dolphin Safe) cho các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam. VASEP cho biết, nếu doanh nghiệp Việt Nam không tham gia vào EII sẽ mất lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực lân cận và sản phẩm không thể tiêu thụ được tại các thị trường yêu cầu có chứng nhận “An toàn cá heo”. Hiện nay, Việt Nam có 15 doanh nghiệp được cấp dấu “An toàn cá heo” trong danh sách 300 doanh nghiệp được cấp dấu này trên toàn thế giới để được xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường như EU, Mỹ và Australia…

             FICen tổng hợp

Ý kiến bạn đọc

Tin khác