Sơ bộ tình hình sản xuất thủy sản 9 tháng đầu năm 2011 (14-03-2011)

Trong 9 tháng đầu năm, tình hình thời tiết có nhiều thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản, thời gian bám biển tăng, nhưng không có nhiều thuận lợi cho sản xuất nuôi trồng thủy sản.

1. Khai thác thủy sản

            Trong 9 tháng đầu năm, tình hình thời tiết có nhiều thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản, thời gian bám biển tăng. Do tác động của giá xăng dầu tăng vào cuối tháng 2/2011, nên trong nửa đầu năm 2011, nhiều tàu thuyền đã không ra khơi khai thác hải sản vì không đảm bảo lợi nhuận của chuyến biển, hoạt động sản xuất khai thác thủy sản gặp khó khăn. Tuy nhiên, từ cuối tháng 5/2011, cùng với nỗ lực của các cơ quan quản lý, ngư dân các địa phương đã tìm biện pháp khắc phục, hình thành các nhóm tổ đội sản xuất để giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất trên biển. Cùng với việc giá sản phẩm khai thác tăng thúc đẩy ngư dân tăng cường bám biển sản xuất, hoạt động khai thác thủy sản vẫn được duy trì ổn định. Sản lượng khai thác 9 tháng đầu năm tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2010.

            Theo báo cáo tổng hợp của các địa phương, 9 tháng đầu năm 2011, sản lượng khai thác thủy sản ước đạt gần 1.939 nghìn tấn. Trong đó, sản lượng khai thác hải sản ước đạt 1.812 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ (chi tiết xem bảng 1). Sản lượng cá Ngừ đại dương đạt gần 12,8 nghìn tấn. Tuy vậy, vẫn còn một số địa phương đạt kết quả thấp so với cùng kỳ năm trước như Bến Tre (99,3 %), Sóc Trăng (95,12%), Trà Vinh (86,3%)…

2. Nuôi trồng thủy sản

            Trong 9 tháng đầu năm, diễn biến thời tiết không có nhiều thuận lợi cho sản xuất nuôi trồng thủy sản. 6 tháng đầu năm, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng đối với tôm nuôi và nghêu, nhất là một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất nuôi trồng thủy sản của một số tỉnh. Theo tổng hợp của vụ Nuôi trồng thủy sản, tính đến nay, diện tích cá tra bị thiệt hại là 491 ha, chủ yếu là bệnh xuất huyết, gan thận mủ, trắng mang trắng gan, phù đầu, ký sinh trùng… Diện tích nuôi tôm bị thiệt hại là 81.534 ha (bằng 295% so với cùng kỳ 2010), trong đó, tôm sú là 78.677 ha và tôm chân trắng là 2.857 ha. Số lượng giống thiệt hại là 13.180 triệu con giống.

Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với các địa phương chỉ đạo kịp thời của các cấp quản lý, tăng cường kiểm tra chất lượng giống, xử lý dịch bệnh nên đã hạn chế phần nào thiệt hại cho người nuôi. Nhờ vậy, tình hình nuôi trồng thủy sản vẫn được duy trì. Nhiều tỉnh đạt kết quả sản xuất khá tăng so với cùng kỳ như Hậu Giang (54,1%), Tiền Giang (25,6%), Đồng Tháp (20,5%), Nghệ An (14%), Bình Thuận (9,5%). Một số tỉnh có sản lượng nuôi bị giảm so với cùng kỳ năm ngoái là Thừa Thiên Huế (bằng 59%), Sóc Trăng (69,68%), An Giang (82%), Vĩnh Long (96,5%),… 

            Sản lượng nuôi trồng thủy sản 9 tháng đầu năm ước đạt 2.161,8 nghìn tấn, tăng 3,3 % so với cùng kỳ năm trước (chi tiết xem bảng 2). Tổng hợp số liệu các địa phương báo cáo, sản lượng cá Tra ước đạt hơn 823,6 nghìn tấn, bằng 99% so với cùng kỳ, sản lượng tôm sú ước đạt 144,5 nghìn tấn và tôm chân trắng ước đạt gần 66 nghìn tấn (chi tiết xem bảng 3).

            Theo Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất thủy sản (theo giá cố định năm 1994) ước đạt 43.364 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ (nông nghiệp tăng 3,7% và lâm nghiệp tăng 4,0%). Trong đó, giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản ước đạt 29.096 tỷ đồng, tăng 6,9% và giá trị sản xuất khai thác thủy sản ước đạt 14.268 tỷ đồng, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm 2010.

            3. Xuất khẩu thủy sản

            Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu có sự tăng trưởng khá cả về khối lượng và giá trị. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 9 ước đạt 615 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm lên 4,4 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2010.

            Chi tiết xuất khẩu thủy sản tính đến ngày 15/8/2011

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15/8 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 3,45 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2010.

Về thị trường xuất khẩuEU vẫn là thị trường nhập khẩu số một hàng thủy sản Việt Nam, đạt 790,85 triệu USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ, chiếm thị phần 23% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong khối EU, Đức (148 triệu USD, tăng 35,2%), Italia (110 triệu USD, tăng 39,2%), Hà Lan (104 triệu USD, tăng 39,4%), Tây Ban Nha (92,5 triệu USD, giảm 7,3%) và Pháp (79 triệu USD, tăng 11,6%) là những thị trường lớn nhất của hàng thủy sản Việt Nam.Mỹ là thị trường lớn thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu đạt 658 triệu USD, tăng 38,5%, chiếm thị phần 19,2%. Tiếp đến làNhật Bản với kim ngạch xuất khẩu đạt 511 triệu USD, tăng 1,5%, chiếm thị phần 14,9%. Hàn Quốc đứng thứ tư với kim ngạch xuất khẩu đạt 268 triệu USD, tăng 38,3%, chiếm thị phần 7,8%. Các thị trường Trung Quốc kể cả Hồng Công (199 triệu USD) và ASEAN (169 triệu USD) đang trở thành những thị trường quan trọng với tốc độ tăng giá trị tương ứng là 53,4% và 36% so với cùng kỳ.

Về mặt hàng xuất khẩu, tôm đông lạnh và cá tra vẫn là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Mặt hàng tôm đông lạnh đạt giá trị xuất khẩu gần 1,3 tỷ USD, tăng 26,6% và chiếm thị phần 38,3% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Trong đó, tôm sú đạt giá trị xuất khẩu 793,6 triệu USD, tăng 18% và tôm chân trắng đạt giá trị xuất khẩu 356,8 triệu USD, tăng 67,6%. Kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,05 tỷ USD, tăng 26,5% và chiếm thị phần 30,9% về giá trị. Một số mặt hàng xuất khẩu khác có mức tăng khá cao như cá đông lạnh các loại (412,4 triệu USD, tăng 20,5%) mực, bạch tuộc đông lạnh (280,8 triệu USD, tăng 27,7%), cá ngừ (246,8 triệu USD, tăng 31%). Riêng xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm so với cùng kỳ (8,4%, đạt 50,5 triệu USD). 

FICen  

Ý kiến bạn đọc

Tin khác