Xuất khẩu thủy sản đang dần hồi phục (11-10-2023)

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 9/2023 ước đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022. Một số sản phẩm thủy sản chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu thủy sản đang dần hồi phục
Sản phẩm tôm sú hữu cơ

Hơn 6,6 tỷ USD

Hiệp hội Chế biến và Xuất Khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022. Lũy kế tới hết quý 3/2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 6,6 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước…

Tới hết tháng 9/2023, xuất khẩu sang top 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD. Trong đó, Mỹ vẫn giữ vị thế số 1 với gần 1,2 tỷ USD, thấp hơn 33% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường Trung Quốc mang về cho thủy sản Việt Nam lượng ngoại tệ 1,15 tỷ USD trong 3 quý đầu năm, giảm 15%, trong khi Nhật Bản nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam với giá trị gần 1,1 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu cá tra ghi nhận doanh thu gần 1,4 tỷ USD tính từ đầu năm tới cuối tháng 9/2023, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu cá tra đang có xu hướng hồi phục dần ở các thị trường Trung Quốc, Mexico, Brazil, Hà Lan, Anh và Mỹ…

Xuất khẩu tôm đạt 2,55 tỷ USD, vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu trong những tháng gần đây có dấu hiệu hồi phục so với những tháng trước.

Hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu và xuất khẩu sang 2 cường quốc này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây. Một số thị trường chính trong khối CPTPP như Nhật Bản, Australia, Canada cũng đang tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Theo VASEP, sự suy giảm xuất khẩu tôm năm nay không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam, mà là tình cảnh chung của ngành tôm trên toàn thế giới.

Tương tự tôm, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam cũng có chiều hướng cải thiện, với doanh số tháng 9/2023 bằng mức cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, sụt giảm liên tục giai đoạn đầu năm khiến lũy kế 9 tháng xuất khẩu cá ngừ vẫn giảm 23% đạt 623 triệu USD.

Chất lượng là chìa khóa thành công

Nhiều chuyên gia nhận định, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2023 sụt giảm do chịu nhiều áp lực từ các yếu tố vĩ mô cả trong nước và quốc tế. Đầu tiên, giá xuất khẩu của các mặt hàng thủy sản đầu năm nay có xu hướng giảm. Sự cạnh tranh về giá thủy sản trên thị trường quốc tế khiến việc tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn, dẫn tới việc giảm giá.

Tiếp theo, nhu cầu thủy sản nhập khẩu cũng giảm do các quốc gia nhập khẩu cũng chưa tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho lớn của năm trước. Hai nhân tố trên đã tác động làm giảm giá trị xuất khẩu thủy sản 11 tỷ USD trong năm 2022 về còn giá trị ước tính là 9,2 tỷ USD trong năm 2023.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi. Đầu tiên phải kể đến là việc hiện nay Trung Quốc đã và đang đưa ra lệnh cấm đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Nhật Bản.

Đáng chú ý, tháng 8/2023, nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc từ thị trường Nhật Bản giảm mạnh sau khi Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Nhật Bản. Theo đó, nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc từ thị trường Nhật Bản trong tháng 8/2023 đạt 29 triệu USD, giảm 63,1% so với tháng 8/2022. Trung Quốc siết chặt kiểm tra chất phóng xạ đối với thủy sản nhập khẩu từ Nhật Bản từ đầu tháng 7/2023, khiến hàng hóa bị giữ lại nhiều tuần tại cửa khẩu nhập khẩu. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Nhật Bản trong năm 2022 với các sản phẩm như sò điệp, cá ngừ, nhím biển (nhum), cá hồng và hải sâm. Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản có thể tạo cơ hội cho một số mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký VASEP cho rằng, việc Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản của Nhật Bản sẽ chỉ có tác động về mặt tâm lý, bởi chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định nước xả thải từ Nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản dù đã qua xử lý vẫn gây nguy hại đến sức khỏe con người.

“Tuy vậy, tâm lý người dân Trung Quốc có thể e ngại tiêu thụ ngay cả đối với hải sản đánh bắt nội địa ở một số vùng biển gần Nhật Bản. Do đó, nhu cầu thủy hải sản nhập khẩu của Trung Quốc sẽ từ các nước trong đó có Việt Nam sẽ tăng lên. Không chỉ ở Trung Quốc, người dân Hàn Quốc cũng đang có tâm lý e ngại tiêu thụ hải sản đánh bắt trong nước vì một số vùng biến gần khu vực xả thải của Nhật Bản”, ông Hòe nhận định. 

Tiếp theo, nhiều dự báo cho thấy, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại thị trường Mỹ sẽ tăng lên trong dịp cuối năm khi vào mùa lễ hội. Đồng thời với những kết quả khả quan trong POR19 và đợt thanh tra mới đây của Đoàn Thanh tra của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) sẽ tạo tâm lý tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ trong những tháng cuối năm.

Hơn nữa, sau 28 năm Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao (1995 - 2023) và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013 - 2023), chiều 10/9, trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam, lãnh đạo hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Kỳ vọng với bước tiến mới trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ sẽ mở ra cơ hội để xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chung, cá tra nói riêng tiếp tục “chinh phục” và ngày càng khẳng định vị thế tại thị trường này hơn nữa.

Mặc dù vậy, để tháo gỡ các khó khăn nhằm phục hồi xuất khẩu cho ngành thủy sản, các doanh nghiệp cần tập trung vào việc đa dạng hóa nguồn tài chính, tìm các nguồn vốn dài hạn để tập trung nghiên cứu phát triển, đầu tư vào công nghệ tiên tiến để cải thiện hiệu quả sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó gia tăng giá trị xuất khẩu và giảm được áp lực giá bán.

Từ phía cơ quan quản lý, việc tăng tốc thực thi các biện pháp cụ thể để hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành sản xuất thủy sản là cực kỳ quan trọng. Điều này bao gồm việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khâu cấp vốn, tối ưu hóa chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng và phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Đồng thời, tích cực thúc đẩy xúc tiến thương mại, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, cải thiện hiệu suất và tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường cũng là các biện pháp hỗ trợ đáng kể cho xuất khẩu thủy sản trong tương lai.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm, theo VASEP, trong bối cảnh còn nhiều lo ngoại về mất an toàn thực phẩm hiện nay, việc đảm bảo chất lượng thủy sản và an toàn thực phẩm chính là “chìa khóa” để giữ vững thị trường và mở rộng xuất khẩu thủy sản.

VASEP dự báo, thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên, đặc biệt trong quý 4. Do vậy, nếu không có biến động khác, và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh thì có thể xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ mang về doanh số khoảng 9,2 - 9,3 tỷ USD.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác