Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Tổng cục Thủy sản, Cục Thú Y, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội cá tra Việt Nam, Hiệp hội Tôm Vĩnh Thạnh, các Hội, Hiệp hội cùng các doanh nghiệp Chế biến và Xuất khẩu thủy sản và phóng viên báo chí đến đưa tin.
Cách đây 22 năm (năm 2002) tại Hà Nội, VASEP đã tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản vượt mốc 1 tỷ USD - một con số rất ấn tượng vào thời điểm đó. Và năm 2022 đánh dấu bước tiến của ngành thủy sản khi xuất khẩu vượt mốc 10 tỷ USD. Đây là một nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trong ngành.
Đạt được cột mốc quan trọng này là nhờ vào sự tăng trưởng mạnh của xuất khẩu thủy sản 3 quý đầu năm. Sự tăng trưởng đó, trước hết nhờ nhu cầu thị trường phục hồi mạnh tại hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn, nhất là Mỹ, EU và Trung Quốc. Giá thủy sản xuất khẩu tăng cao, trung bình từ 15 - 60% cũng là nguyên nhân quan trọng tạo sự tăng trưởng mạnh trong 3 quý đầu năm.
Việc tận dụng hiệu quả lợi thế thuế quan tại thị trường trong khối CPTPP cũng đóng góp không nhỏ vào thành tích xuất khẩu thủy sản, khi xuất khẩu sang các nước CPTPP tăng 30%. Bên cạnh đó là những nguyên nhân khác như các chương trình xúc tiến thương mại kết nối và triển khai trở lại sau Covid-19 giúp cho xuất khẩu tăng mạnh từ tháng 3 đến tháng 8. Nguồn nguyên liệu thủy sản dự trữ khá dồi dào từ cuối năm 2021...
Ngoài cột mốc 10 tỷ USD chung của xuất khẩu thủy sản, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực cũng đã và sẽ đạt được những cột mốc quan trọng trong năm nay. Như với mặt hàng tôm, đến hến tháng 11 đã lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD. Xuất khẩu cá ngừ đến hết tháng 11 đạt 941 triệu USD và đang hướng tới việc lần đầu tiên chạm mốc 1 tỷ USD khi kết thúc năm.
Năm 2022, ước tính ngành thủy sản chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. So với tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước, ngành thủy sản đóng góp gần 12% giá trị. Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phùng Đức Tiến cho biết: “Năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản đối mặt với nhiều biến động và khó khăn như hệ luỵ của đại dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraine, lạm phát giá trong nước và ở các thị trường, chi phí sản xuất và kinh doanh tăng mạnh, biến động tỷ giá ngoại tệ… Trong bối cảnh đó, nhờ kinh tế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam ổn định và thuận lợi, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã biến những thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các hiệp định FTA cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022. Kết quả, tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu thuỷ sản cả nước đã đạt hơn 10 tỷ USD. Dự kiến kết thúc năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ cán đích với con số 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021. Đây là mốc kỷ lục lịch sử ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới”.
|
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, năm 2022, ước tính ngành thuỷ sản chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam. So với tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước, ngành thuỷ sản đóng góp gần 12% giá trị. Trên bản đồ xuất khẩu thuỷ sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.
Ngành thủy sản đặt mục tiêu tới năm 2030 xuất khẩu đạt 14 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này trước các thách thức của các thị trường lớn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành thủy sản phải xoay chuyển thực tế bằng cách đi vào chế biến sâu, sử dụng nguồn nguyên liệu có thể truy xuất nguồn gốc và tăng cường xúc tiến thương mại linh hoạt với các thị trường tiềm năng.
Văn Thọ