Việt Nam tăng xuất khẩu cá tra nhờ thuế quan của Hoa Kỳ (01-03-2025)

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gia tăng từ các nhà sản xuất khác, nhưng hy vọng sẽ tăng khối lượng và giá trị xuất khẩu dựa trên mức giá hấp dẫn, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.
Việt Nam tăng xuất khẩu cá tra nhờ thuế quan của Hoa Kỳ
Ảnh minh họa

Năm 2025, ngành cá tra Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng sản lượng, khối lượng xuất khẩu và giá trị nhờ giá cả hấp dẫn và bối cảnh thương mại ngày càng có lợi hơn sau động thái áp thuế của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đối với Trung Quốc. Theo VASEP, để nâng cao sản lượng vào năm 2025, Việt Nam cần phải chú trọng vào nhiều mặt, bao gồm các chương trình nhân giống để lựa chọn và cải thiện chất lượng cá tra bố mẹ tập trung vào các đặc điểm như khả năng chịu mặn và kháng bệnh, nhằm cung cấp cá bột khỏe mạnh có thể thích nghi với điều kiện khí hậu thay đổi và cải thiện khả năng chống lại bệnh tật của chúng.

Các quốc gia khác như Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc đang gia tăng năng lực sản xuất và chế biến cá tra. Mặc dù chất lượng sản phẩm của họ có thể chưa theo kịp sự nhất quán của Việt Nam, nhưng họ đang thâm nhập vào các phân khúc thị trường cụ thể thông qua các chiến lược cạnh tranh về giá. Điều này tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với thị phần của Việt Nam, đặc biệt là ở các điểm đến xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và các nước hợp tác vùng Vịnh. Hiện cá tra Việt Nam chiếm 42% sản lượng cá tra toàn cầu, trong khi Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh đóng góp từ 15% đến 21%.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam, tuy nhiên, kể từ năm 2023, Hainan Xiangtai Fishery, một trong những công ty xuất khẩu cá rô phi lớn nhất Trung Quốc, đã tuyên bố tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng cá tra để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng. Sản lượng của Ấn Độ đang tăng lên, nhưng kích thước cá nhìn chung nhỏ, chủ yếu phục vụ cho thị trường trong nước. Ngược lại, Indonesia, mặc dù có sản lượng thấp hơn, đã xuất khẩu thành công sang Trung Đông dưới thương hiệu riêng của mình và đang xây dựng danh tiếng của mình.

VASEP cho biết, Trung Quốc hoàn toàn có thể nhập khẩu nhiều cá tra và cá rô phi hơn vào thị trường nội địa vào năm 2025 nếu mức thuế quan bổ sung 10% của Hoa Kỳ vẫn được duy trì đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc. Năm 2018 các sản phẩm này bị áp thuế 25% trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, khiến giá nhập khẩu cá rô phi đắt hơn cá tra (khoảng 20%). Cá tra có thể được hưởng lợi từ mức thuế quan cao hơn của Hoa Kỳ đối với cá rô phi Trung Quốc. Các nhà xuất khẩu dường như cũng nhìn nhận vấn đề theo hướng này, khi nhiều công ty đã bắt đầu hoặc đang cân nhắc về việc chế biến cá rô phi.

Trong khi các sản phẩm cạnh tranh từ Nga và Trung Quốc phải đối mặt với các yếu tố bất lợi, xuất khẩu cá tra có thể tăng 5-10% vào năm 2025, nhờ vào lòng tin của người tiêu dùng tốt hơn và nhờ vào các yếu tố như: Chính sách thuế của chính quyền Trump dự kiến ​​sẽ áp mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc, điều này có thể giúp ngành Thủy sản Việt Nam được hưởng lợi; Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE được ký kết vào năm 2024 sẽ tạo cơ hội cho thủy sản Việt Nam tăng xuất khẩu sang thị trường UAE; Thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với cá tra Việt Nam thấp hơn so với các nước khác; Giá thức ăn thủy sản đang có xu hướng giảm.

Xuất khẩu cá tra sang Mỹ dưới thời Tổng Thống Trump

Tổng thống Donald Trump luôn cứng rắn với những chính sách đặt nước Mỹ lên hàng đầu, đặc biệt là đối với nền kinh tế. Sức ảnh hưởng của “đồng đô la” có tác động mạnh mẽ đến hàng loạt các mặt của các nền kinh tế khác trên thế giới. xuất khẩu thủy sản, trong đó có cá tra Việt Nam không phải ngoại lệ. Nhìn lại năm 2017 là năm đầu tiên Tổng thống Trump lên nắm quyền và ban hành hàng loạt sắc lệnh thể hiện sự cứng rắn của chính quyền.

Năm 2017 đã chứng kiến nhiều rào cản thương mại, theo chính sách bảo hộ sản xuất trong nước của ông Trump, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ không khởi sắc. Tổng xuất khẩu cá tra đi các thị trường năm 2017 đạt hơn 1,79 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2016. Trong đó, giá trị xuất khẩu thị trường Mỹ giảm 11% so với năm trước đó.

Từ 2018 đến 2020, xuất khẩu cá tra sang Mỹ có sự sụt giảm mạnh. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu giảm tới 48% so với năm 2018, và tiếp tục giảm 14% trong năm 2020. Một trong những yếu tố dẫn đến sự sụt giảm này bao gồm mức thuế chống bán phá giá cao, các rào cản kỹ thuật và thương mại, cùng với các khó khăn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Những yếu tố này đã khiến cho việc xuất khẩu cá tra sang Mỹ trở nên khó khăn, đặc biệt khi Mỹ tập trung ưu tiên nhập khẩu thủy sản nội địa và áp dụng các biện pháp bảo hộ thị trường trong nước.

Năm 2021 - Năm cuối cùng trong nhiệm kỳ đương nhiệm của Tổng Thống Trump, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã có sự phục hồi mạnh mẽ, với kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 371 triệu USD, tăng gấp rưỡi so với năm 2020. Ngành cá tra Việt Nam đã thích ứng kịp thời và cải thiện sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ, trong khi các yếu tố như việc giảm thuế chống bán phá giá và sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu. Tuy nhiên, sự gia tăng giá trị này không kéo dài lâu, khi các vấn đề về tồn kho và lạm phát tại Mỹ bắt đầu làm giảm tốc độ tiêu thụ từ cuối năm 2022.

Có thể thấy, tranh chấp liên quan đến cá tra, basa bắt đầu từ năm 2018 khi Việt Nam khởi kiện Hoa Kỳ về việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm này. Sau khi Ban hội thẩm WTO đưa ra dự thảo phán quyết vào năm 2020, Hoa Kỳ đã đề xuất cùng Việt Nam hoãn phán quyết để thương lượng giải pháp song phương.

Đến cuối năm 2024, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận giải quyết vụ tranh chấp liên quan đến thuế chống bán phá giá đối với cá tra, basa tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây là một cơ hội cho Công ty CP Vĩnh Hoàn và ngành cá tra Việt Nam mở rộng xuất khẩu cá tra một cách ổn định bền vững hơn sang thị trường Mỹ với các sản phẩm chất lượng và bền vững.

Theo số liệu mới nhất, xuất khẩu cá tra sang các thị trường trong nửa đầu tháng 1/2025 đạt 75 triệu USD, giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều thị trường ghi nhận tăng trưởng nhẹ về nhập khẩu cá tra Việt Nam như CPTPP, Mỹ, EU, Brazil, Singapore,... kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong nửa đầu tháng 1/2025 đạt hơn 7 triệu USD, tăng nhẹ 0,2%. Ngày 20/1/2024 ông Donald Trump chính thức trở lại Nhà Trắng, cùng với những lời hứa về các chính sách thương mại. Điều này có thể tác động đến quyết định mua cá tra Việt Nam của các nhà nhập khẩu. Nửa đầu tháng 1/2025, Mỹ tạm thời tụt xuống vị trí thứ 3 trong top các thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam, đứng sau Trung Quốc&HK và CPTPP.

Thị trường cá tra tại Hoa Kỳ vẫn đang duy trì trạng thái thận trọng và nhiều biến động. Mặc dù nhiều kỳ vọng về việc tăng giá, tuy nhiên sự sụt giảm về nhu cầu tiêu thụ, các quy định thuế quan tiếp tục là yếu tố tác động đến xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Cá tra chuẩn bị chiếm lĩnh thị trường Hoa Kỳ khi thuế quan cá rô phi tăng

Theo VASEP, sản lượng cá rô phi toàn cầu tiếp tục tăng trưởng, dù nhu cầu tại Hoa Kỳ đang có dấu hiệu suy yếu. Hiện tại, xuất khẩu cá rô phi của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đang phải đối mặt với mức thuế 25%. Báo cáo chuyên sâu của NFI dự đoán rằng cá tra có thể sẽ thay thế phần lớn thị phần cá rô phi vào năm 2025. Khả năng áp dụng thêm thuế quan, đặc biệt khi chính quyền mới nhậm chức, có thể sẽ làm thay đổi hoàn toàn bối cảnh cạnh tranh đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Tại Hội nghị thị trường hải sản toàn cầu (GSMC) của Viện Thủy sản Quốc gia (NFI), Angel Rubio - nhà phân tích giá tại Urner Barry, cho biết "Sản lượng toàn cầu đang tăng, trong khi mức tiêu thụ tại Hoa Kỳ lại đang giảm. Tình hình này rất phức tạp và có liên quan nhiều đến chính sách và các quy định thương mại". Tại Hoa Kỳ, phi lê đông lạnh chiếm 70% lượng cá rô phi nhập khẩu, tiếp theo là phi lê tươi/ướp lạnh với 15%, phần còn lại bao gồm cá nguyên con đông lạnh và tươi/ướp lạnh.

Ron Risher, Tổng giám đốc điều hành của Grobest Seafood Global, đã nhấn mạnh quy mô của ngành: "Sản lượng cá rô phi toàn cầu ước tính đạt 7 triệu tấn, khiến sản phẩm này trở thành hải sản phổ biến nhất trên thế giới". Ông cũng cho biết, "Khi căng thẳng chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng, thuế quan đối với cá rô phi có thể tiếp tục tăng, tạo cơ hội cho cá rô phi không phải của Trung Quốc trên thị trường Hoa Kỳ. Một số quốc gia đã bắt đầu định vị chiến lược của mình, trong đó Indonesia đi đầu".

Mặc dù phần lớn hoạt động nuôi cá rô phi của Indonesia diễn ra ở Sumatra, nơi có chi phí sản xuất cao, nhưng Ai Cập và Ấn Độ lại sở hữu tiềm năng mở rộng rất lớn. Cá tra Việt Nam cũng đang chuẩn bị để tận dụng động lực từ thị trường đang thay đổi. Risher dự đoán rằng giá cá rô phi của Trung Quốc có thể tiếp tục tăng, kết hợp với khả năng áp dụng thêm thuế quan, điều này có thể làm giảm nhu cầu của Hoa Kỳ. "Nếu giá cá rô phi vẫn tiếp tục tăng hoặc Hoa Kỳ áp thêm thuế quan, mức tiêu thụ ở Hoa Kỳ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tổng khối lượng nhập khẩu không có khả năng giảm. Chúng tôi dự đoán rằng sẽ có nhiều cơ hội hơn cho cá tra, mặc dù khả năng sản xuất tại Việt Nam có thể gây ra một số hạn chế", ông giải thích thêm.

Trong những năm gần đây, cá tra đã liên tục giành được thị phần so với cá rô phi tại Hoa Kỳ, với tỷ lệ dự báo là 60:40 vào năm 2024. Báo cáo chuyên sâu của NFI dự đoán rằng cá tra có thể sẽ thay thế phần lớn thị phần cá rô phi vào năm 2025.

Ngọc Thúy (vasep.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác