Bán tín chỉ carbon - hướng đi mới của ngành nuôi trồng thuỷ sản (15-07-2024)

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển thị trường carbon. Đây là việc cần thiết giúp bảo vệ môi trường thông qua giảm lượng khí thải carbon; đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp và tổ chức tăng lợi nhuận, cải cách công nghệ, hướng đến phát triển xanh.
Bán tín chỉ carbon - hướng đi mới của ngành nuôi trồng thuỷ sản
Ảnh: Rong biển có thể đem lại ích lợi đa chiều

Tín chỉ carbon là một trong những công cụ được sử dụng để kiểm soát lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu. Mỗi tín chỉ carbon đại diện cho việc giảm phát thải một tấn CO2 hoặc các khí nhà kính khác tương đương. Các tổ chức và doanh nghiệp có thể mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng phát thải mà họ không thể giảm thiểu trực tiếp, từ đó tạo ra cơ chế thị trường cho việc giảm phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Trên thế giới, thị trường tín chỉ carbon đang phát triển mạnh mẽ. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thị trường tín chỉ carbon có thể đạt giá trị 50 tỷ USD vào năm 2030. Nhiều quốc gia và khu vực đã triển khai các chương trình tín chỉ carbon, bao gồm Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việt Nam cũng đang dần tiếp cận với thị trường tín chỉ carbon quốc tế. Việc phát triển các dự án giảm phát thải và bán tín chỉ carbon không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu giảm phát thải mà còn tạo thêm nguồn thu nhập cho các cộng đồng và doanh nghiệp tham gia.

Ngành thủy sản có thể đóng góp vào thị trường tín chỉ carbon thông qua nhiều biện pháp cụ thể, giúp giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra tín chỉ carbon để bán trên thị trường.

Một trong những biện pháp hàng đầu và hiệu quả là triển khai nuôi trồng thủy sản bền vững như sử dụng thức ăn thủy sản có nguồn gốc thực vật, quản lý nước hiệu quả và giảm thiểu sử dụng hóa chất có thể giúp giảm phát thải khí nhà kính. Ví dụ, sử dụng thức ăn có nguồn gốc thực vật có thể giảm lượng khí metan (CH4) phát thải từ quá trình tiêu hóa của cá. Sử dụng thức ăn có hiệu suất chuyển đổi cao, các loại thức ăn cải tiến này giúp tăng trưởng nhanh, giảm thời gian nuôi và giảm phát thải khí nhà kính. Sử dụng các hệ thống tuần hoàn nước trong nuôi trồng thủy sản công nghệ cao để giảm lượng nước cần thiết và xử lý nước thải hiệu quả hơn, từ đó giảm phát thải khí nhà kính liên quan đến xử lý nước thải. Đồng thời quản lý nguồn tài nguyên, các biện pháp quản lý bền vững như bảo vệ rạn san hô, rừng ngập mặn, trồng và bảo vệ rạn san hô và các hệ sinh thái ven biển khác không chỉ bảo vệ đa dạng sinh học mà còn giúp hấp thụ CO2 từ khí quyển. Rừng ngập mặn, chẳng hạn, có khả năng hấp thụ lượng lớn CO2 thông qua quá trình quang hợp. Rạn san hô là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển và đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái biển. Bảo vệ và phục hồi rạn san hô giúp duy trì hệ sinh thái bền vững và hấp thụ CO2. Bên cạnh đó là tiến tới sử dụng năng lượng tái tạo: Chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo trong các hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản, như sử dụng điện mặt trời, điện gió, có thể giảm lượng khí CO2 phát thải từ việc sử dụng năng lượng hóa thạch. Sử dụng chất thải từ nuôi trồng thủy sản để sản xuất năng lượng sinh khối, giảm lượng chất thải ra môi trường và tạo ra nguồn năng lượng tái tạo.

Để đóng góp vào thị trường tín chỉ carbon, không chỉ cần giảm phát thải, mà còn cần ngành thủy sản triển khai, tham gia vào các dự án CDM (Cơ chế phát triển sạch), hay Chương trình REDD+ (Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng) để từ đó nhận chứng chỉ carbon, hay trực tiếp triển khai các dự án, chương trình để tạo ra tín chỉ carbon chủ động. Gần đây nhất là chương trình Blue ocean – Blue Foods Hành trình xây dựng bể chứa carbon ngành thủy sản từ nuôi trồng rong biển. Việc khai thác và sử dụng rong biển không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện môi trường biển mà còn góp phần phát triển sinh kế bền vững cho người dân. Phát triển ngành nuôi trồng rong biển mở ra cơ hội cho Việt Nam tham gia vào thị trường tín chỉ carbon quốc tế, tạo thêm nguồn thu nhập và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn

Việc khai thác và sử dụng rong biển, một nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với hơn 887 loài, trong đó có 90 loài có giá trị kinh tế, được xem là một giải pháp tiềm năng để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Rong biển có tốc độ sinh trưởng cao gấp 30 - 60 lần so với các loài thực vật trên đất liền, vì vậy khả năng hấp thụ CO2 cũng lớn hơn rất nhiều. Theo nghiên cứu, rong biển có thể hấp thụ khí CO2 nhiều gấp 2,4 lần so với cây cối trên đất liền và lưu trữ tới 1.500 tấn khí nhà kính trên mỗi km2. Điều này biến rong biển thành một trong những công cụ hiệu quả nhất để chống lại biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các chuỗi phân tử dài trong rong biển cũng rất lý tưởng để sản xuất các hợp chất thay thế nhựa. Hiện nay, một số loại nhựa sinh học đã có mặt trên thị trường, được sản xuất từ rong biển. Rong biển còn có thể trồng mà không cần đầu vào bên ngoài, loại bỏ các chất dinh dưỡng phú dưỡng khỏi nước và biến chúng thành protein, dầu, nguyên liệu hóa học xanh có giá trị và nhiều loại sản phẩm công nghiệp khác. Rong biển cũng giúp bảo vệ bờ biển khỏi xói mòn bằng cách làm chậm sóng biển và tạo ra môi trường sống cho các loài sinh vật biển. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các khu vực ven biển bị đe dọa bởi nước biển dâng và sóng lớn do biến đổi khí hậu.

Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển ngành trồng rong biển, với bờ biển dài và đa dạng hệ sinh thái biển. Hiện nay, diện tích trồng rong biển ở Việt Nam đạt khoảng 16.500 ha, với sản lượng 150.000 tấn rong tươi mỗi năm. Nghề nuôi rong biển đang phát triển mạnh mẽ tại các tỉnh ven biển, trở thành một ngành kinh doanh sinh lời và bền vững. Để phát triển bền vững ngành trồng rong biển, cần có sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển giống rong biển có năng suất và chất lượng cao. Đồng thời, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong việc nuôi trồng, thu hoạch và chế biến rong biển. Việc kết hợp trồng rong biển với các mô hình nuôi thủy sản khác như hàu, cá biển, và tôm hùm cũng mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Các mô hình này không chỉ giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn tạo ra môi trường sống tốt cho các loài sinh vật biển, góp phần vào việc bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái biển. Trong tương lai, việc phát triển ngành trồng rong biển không chỉ đóng góp vào nền kinh tế xanh và bền vững mà còn giúp Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường biển. 

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, nhận định ngành nuôi trồng rong biển  không chỉ giúp nâng cao sinh kế cho người dân mà còn giúp giảm biến đổi khí hậu. Ông nhấn mạnh rằng trồng rong biển có thể đem lại ích lợi đa chiều, giúp hấp thu khí carbon dưới biển. Có giống rong biển hấp thu khí CO2 gấp 20 lần so với các loài thực vật khác. Sau khi chiết xuất các chất quan trọng, phần bã của rong biển còn có thể làm thức ăn cho bò sữa rất tốt. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng việc trồng rong biển hiện nay vẫn chưa được quy hoạch riêng trong các kế hoạch kinh tế của địa phương. Do đó, cần có sự kết hợp giữa nuôi rong và các loài thủy sản khác như hàu và bào ngư để tăng giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác