Trước kia, nhằm tận dụng diện tích đất bãi ven sông, người dân chủ yếu chỉ trồng dâu nuôi tằm. Sau này nghề dâu tằm khó khăn, hiệu quả kinh tế không cao nên người dân đã chuyển sang nuôi thủy sản nước ngọt, phát huy những tiềm năng có sẵn mà thiên nhiên ưu đãi. Để hỗ trợ phát triển nghề nuôi thủy sản tại các vùng ven sông, huyện Trực Ninh đã đầu tư nâng cấp hệ thống đê bao, đường giao thông đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại và sản xuất của người dân.
Hàng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện kết hợp với một số cơ quan chức năng tổ chức tập huấn phổ biến, bổ sung, cập nhật kỹ thuật cho nông dân về cải tạo ao đầm, chọn lựa con giống, cách phòng bệnh cho cá, nhất là ở những thời điểm chuyển mùa; hướng dẫn thời điểm xuống giống, kỹ năng quan trắc nguồn nước mặt để kiểm soát tốt môi trường nuôi, có biện pháp xử lý kịp thời hiệu quả khi phát sinh tình huống; đảm bảo mật độ nuôi thả, lượng thức ăn và thời gian cho ăn phù hợp, hạn chế thất thoát làm giảm nguồn thu, kinh nghiệm thu hoạch “đánh tỉa, thả bù” để hạn chế thiệt hại khi xảy ra thiên tai. Vì vậy, nghề nuôi thủy sản vùng ven sông ở huyện Trực Ninh ngày càng phát triển.
Toàn huyện có hơn 1.000ha nuôi thủy sản, sản lượng nuôi trung bình hàng năm đạt hơn 7.000 tấn. Nhiều hộ dân đầu tư xây dựng trang trại khang trang, rộng rãi, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã: Trực Chính, Trực Đạo, Phương Định, Trực Khang, Trực Tuấn, Trực Mỹ, thị trấn Cổ Lễ… Trong đó, thị trấn Cổ Lễ có 14,4ha nuôi thủy sản nội đồng. Được chính quyền xã tạo điều kiện, khuyến khích chuyển đổi và khai thác diện tích đất bãi bồi ven sông để nuôi thủy sản, nhiều hộ dân trong thị trấn đã mạnh dạn đấu thầu, đầu tư nuôi các loại cá truyền thống mang lại giá trị kinh tế cao gấp 2-3 lần so với cấy lúa. Trong số đó có mô hình nuôi cá nước ngọt truyền thống của hộ ông Nguyễn Thanh Bình đạt hiệu quả thu nhập cao.
Từ năm 2007, ông Nguyễn Thanh Bình nhận thầu 5 sào ở khu vực đầm bãi của địa phương để nuôi các loại cá nước ngọt truyền thống và chăn nuôi lợn thịt. Ông đã cải tạo ao nuôi, xây cống ngầm chủ động điều tiết nguồn nước trong đầm luôn cân bằng với mực nước sông, hạn chế những tác động tiêu cực do chênh lệch nguồn nước. Ông chọn mua giống cá tại các cơ sở uy tín để thả “xen canh, gối vụ”. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình ông thu lãi từ 70-100 triệu đồng. Xã Trực Chính có hơn 70ha nuôi thủy sản, chủ yếu là các loại cá nước ngọt truyền thống. Năm 2022, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi cá truyền thống sang nuôi cá chạch sụn cho hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình anh Trần Xuân Nguyễn ở thôn Bình Thành trước kia có hơn 1 mẫu nuôi cá nước ngọt truyền thống nhưng hiệu quả không cao. Năm 2022, qua các phương tiện thông tin đại chúng và được người quen giới thiệu, anh biết đến cá chạch sụn có thịt thơm ngon, xương mềm và thị trường tiêu thụ nội địa rất mạnh nên anh bàn bạc với gia đình đầu tư con nuôi mới này. Chịu khó tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật nên ngay từ vụ nuôi đầu, anh Nguyễn đã gặt hái thành công. Mỗi năm, anh thu 2 vụ, mỗi vụ được trên 10 tấn với mức giá từ 60-70 nghìn đồng/kg. Hiện toàn xã có 10 hộ nuôi cá chạch sụn với diện tích hơn 10ha.
|
Còn ở xã Trực Mỹ, cả một dải ven đê là thùng đào, thùng đấu có chiều dài 2,2km nằm giáp sông Ninh Cơ nhưng không có vùng đất bồi. Để tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển kinh tế, nuôi thủy sản, được sự đồng ý của các cấp, các ngành, UBND xã đã quy hoạch chuyển đổi 8ha đất trũng, tạo điều kiện cho các hộ nông dân đấu thầu để đầu tư phát triển trang trại tổng hợp, chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp trồng các loại cây có giá trị kinh tế và nuôi thủy sản. Ngoài các đối tượng cá truyền thống, xã còn khuyến khích các hộ nuôi thả các đối tượng nuôi đặc sản mới được người tiêu dùng ưa chuộng, dễ tiêu thụ, giá trị kinh tế cao như: ếch, cá trê, cá chạch đồng…
Với diện tích 1,2ha đấu thầu đất ven đê, gia đình ông Vũ Văn Minh nuôi ếch kết hợp cá trê đặc sản với nhiều ao nuôi lớn nhỏ áp dụng mô hình “nuôi ếch trên, nuôi cá trê dưới”. Ông Minh cho biết, đây là hai sản phẩm đặc sản đang được người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường tiềm năng, chăm sóc khá dễ, tỷ lệ thành công cao. Theo cách làm này, cá dưới ao sẽ tận dụng thức ăn dư thừa và chất thải của ếch bên trên, giúp giảm chi phí sử dụng thức ăn công nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi và dịch bệnh xảy ra, tăng hiệu quả kinh tế. Mỗi vụ thả nuôi, gia đình ông thu về từ 2,5-3 tấn cá trê đồng thời xuất bán hơn 6 tạ ếch, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông có 200-250 triệu đồng tiền lãi từ mô hình trên.
Để nghề nuôi thủy sản nói chung, nhất là tại các xã ven sông nói riêng phát triển vững chắc, thời gian tới, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cũng như giới thiệu, cung cấp nguồn cá giống chất lượng cho các hộ nuôi thả; khuyến khích hình thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đảm bảo môi trường; chú trọng phát triển đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu của thị trường; hỗ trợ các điều kiện để người dân yên tâm phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Ngọc Thúy - FICen