Tham dự hai lớp tập huấn có hơn 100 đại biểu từ các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và Đồng Tháp. Trong đó có các cán bộ chi cục Thuỷ sản Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, phòng Kinh tế thị xã Duyên Hải, Trung tâm kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp các huyện…. cùng đại diện các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn 8 tỉnh.
Tham gia giảng dạy là các chuyên viên dày dạn kinh nghiệp của Cục Thủy sản, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và đều được đào tạo chuyên sâu về VietGAP thủy sản.
Tại lớp tập huấn, các học viên được truyền tải nhiều thông tin hữu ích nhấn mạnh các điểm cần lưu ý về quy định liên quan đến an toàn thực phẩm và xu hướng phát triển GAP trong khu vực ASEAN. Nội dung tập huấn tập trung vào các quy định của TCVN 13528-1:2022 phần 1: Nuôi trồng thủy sản trong ao. Làm rõ về sự cần thiết khi áp dụng VietGAP và sản xuất nuôi trồng thủy sản, phân biệt sản phẩm áp dụng VietGAP và không áp dụng VietGAP. Các quy định về chứng nhận sản phẩm và hướng dẫn ghi chép sổ sách nhật ký; các quy định về chứng nhận VietGAP. Trao đổi về quy trình hướng dẫn áp dụng vào thực tiễn sản xuất và nuôi trồng thủy sản. Các tiêu chí trong đánh giá VietGAP, kiểm soát quá trình sản xuất và các yếu tố đầu vào và trao đổi thông tin những khó khăn trong quá trình thực hiện VietGAP.
Ảnh 2: Bà Nguyễn Thị Băng Tâm chuyên viên Cục Thủy sản giới thiệu VietGAP.
|
Sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất nuôi trồng thủy sản an toàn theo VietGAP nói riêng là xu hướng tất yếu để tạo nên một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ con người, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Trước xu hướng đó, TCVN 13528-1:2022 Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) – Phần 1: Nuôi trồng thủy sản trong ao (Good Aquaculture Practices (VietGAP) - Part 1: Pond aquaculture) do Tổng cục Thủy sản (nay là Cục Thủy sản) biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tại Quyết định số 2769/QĐ-BKHCN ngày 30 tháng 12 năm 2022. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu đối với thực hành nuôi trồng thủy sản tốt trong ao, bể, đầm, hầm... có thể kiểm soát được các yếu tố đầu vào, từ khâu chuẩn bị nuôi, thả giống đến khâu thu hoạch để làm thực phẩm.
Ảnh 3: Các học viên sôi nổi thảo luận.
|
Với khối lượng nội dung nhiều, tuy nhiên trong thời gian 4 ngày, 2 lớp tập huấn đã giúp các cán bộ và người nuôi thủy sản tiếp cận với các kiến thức cơ bản về thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) trong nuôi trồng thủy sản trong ao; hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc áp dụng VietGAP nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái, quản lý tốt sức khỏe động vật thủy sản, thực hiện trách nhiệm về phúc lợi xã hội và an toàn cho người lao động, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Các giảng viên cũng đã lồng ghép các kiến thức pháp luật thủy sản liên quan và thực tế trong quá trình quản lý về VietGAP trên cả nước, qua đó các học viên nắm được các kiến thức cơ bản nội dung của bài học. Ngoài thời gian học tập và trao đổi trên lớp, học viên còn được tham quan thực tế, trao đổi học hỏi kinh nghiệm thành công, trực tiếp thực hành tại các mô hình nuôi thủy sản theo VietGAP tại địa phương.
Ảnh 4: Học viên trực tiếp trình bày kết quả thực hành.
|
Theo đánh giá của các học viên, khóa tập huấn hết sức bổ ích, phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu của học viên, giảng viên sử dụng phương pháp truyền đạt dễ hiểu, nhiệt tình; chất lượng bài giảng tốt, nội dung khóa học thực tế và thiết thực. Sau tập huấn, học viên có thể vận dụng tốt các kiến thức được học vào điều kiện thực tế nuôi thủy sản trong ao tại địa phương.
Học viên hoàn thành khoá tập huấn được Cục Thủy sản cấp Giấy chứng nhận tham gia tập huấn “TCVN 13528-1:2022 Thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt (VietGAP) - Phần 1: Nuôi trồng thủy sản trong ao”.
Hải Đăng