Còn nhiều “điểm nghẽn”
Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, hiện cả nước có khoảng 9.670 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; trong đó có 2.580 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ; 2.570 cơ sở ương cá tra giống và 105 cơ sở sản xuất giống cá tra. Sản lượng giống cá tra ước đạt 25,59 tỷ cá tra bột và 3,558 tỷ cá giống. Sản lượng tôm giống đạt khoảng 144,5 tỷ con.
Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản cho biết: “Lĩnh vực giống thủy sản hiện nay đã có những thay đổi căn bản, tích cực cả về chất và lượng, đó là kết quả của một quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng của cả hệ thống thông qua triển khai đồng loạt các giải pháp trước mắt và lâu dài”.
“Về cơ bản, sản xuất giống thủy sản đã đáp ứng đủ nhu cầu nuôi trong nước nhưng vẫn còn vài điểm nghẽn như: Tôm nước lợ bố mẹ phần lớn phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài. Chất lượng giống tuy được kiểm soát nhưng chưa toàn diện, vẫn còn một số lô giống không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch, kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Giống cá tra tuy đã cải thiện chất lượng nhưng chưa nhiều, tỷ lệ sống từ cá bột đến cá giống còn thấp. Giống phục vụ nuôi biển còn thiếu cục bộ, chưa đáp ứng được mùa vụ nuôi. Giống cá lước lạnh chưa chủ động được, vẫn chủ yếu là nhập trứng từ nước ngoài về. Hạ tầng phục vụ sản xuất giống còn yếu và thiếu”.
Còn theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn, hoạt động sản xuất giống cá tra nói riêng và giống thủy sản nói chung hiện đang phải đối mặt với một số thách thức như: Vốn đầu tư lớn do cần diện tích đất rộng lớn, cơ sở vật chất và chi phí hoạt động có yêu cầu cao hơn khâu nuôi thịt; rủi ro cao, mất nhiều thời gian, cần rất nhiều kiên nhẫn và niềm tin, ví dụ như chương trình chọn lọc gen sẽ mất ít nhất 10 năm; khó có lợi nhuận, thường những năm đầu lỗ nhiều.
3 nhóm giải pháp cần đặc biệt lưu ý
Tôm và cá tra là 2 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam. Hằng năm kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm khoảng trên 40%, cá tra chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên câu chuyện về phát triển giống cho tôm và cá tra vẫn còn nhiều bất cập khiến các sản phẩm này bị hạn chế tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Đồng thời, sản xuất giống các loài thủy sản khác cũng còn nhiều hạn chế.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm cho rằng, để có thể gọi là đầu tư bài bản, với tầm nhìn dài hạn vào khâu ương nuôi giống nhằm hướng đến nguồn nguyên liệu cạnh tranh, hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững, có khả năng thích ứng cao thì cần có những doanh nghiệp có kinh nghiệm, đội ngũ dày dặn chuyên môn, năng lực tài chính đủ mạnh để có thể tạo động lực đột phá cho toàn ngành. Để ngày càng có nhiều doanh nghiệp như vậy sẵn sàng đầu tư cho khâu giống, không ngoại trừ cả khối FDI vốn có sẵn kinh nghiệm từ những loài thủy sản khác trên thế giới, thứ nhất cần có chiến lược và chủ trương của Chính phủ xuyên suốt đến các địa phương về việc thu hút đầu tư vào khâu nuôi giống cá tra nói riêng và thủy sản nói riêng. Hiện nay các quy định và chính sách về ưu đãi đầu tư cho ngành nghề nông nghiệp công nghệ cao và những vùng đặc biệt khó khăn đã có sẵn. Tuy nhiên nhận thấy các địa phương chưa mạnh dạn vận dụng và áp dụng tối đa cho ngành nuôi giống dẫn đến việc làm khâu giống đã nhiều rủi ro vất vả mà doanh nghiệp không cảm nhận được sự chào đón và tạo điều kiện hỗ trợ nhất. Có thể đã có sự lúng túng trong thực thi chính sách hoặc những áp lực khác về chỉ tiêu ngân sách, Vĩnh Hoàn mong có được sự thúc đẩy từ Chính phủ để các cơ quan quản lý Nhà nước địa phương cùng hiểu và thực hiện mạnh mẽ các chương trình giống mang tính chiến lược cho thủy sản và nông nghiệp Việt Nam.
Chính phủ và các Bộ, ngành cần rà soát và thống nhất các quy hoạch đất cho khâu nuôi giống một cách nhất quán và dài hạn. Khó khăn của các doanh nghiệp làm giống chính là vào những thời điểm nhất định gặp phải áp lực về quá trình đô thị hóa, áp lực cạnh tranh về nguồn lực ở những ngành nghề “hot” hơn, ví dụ như bất động sản, du lịch; đôi khi dự án giống không có được cam kết lâu dài, không an tâm đầu tư, không thể mở rộng theo đúng kế hoạch.
“Vĩnh Hoàn mong có sự thấu hiểu và tầm nhìn dài hạn của Chính phủ đối với một khâu quan trọng của thủy sản Việt Nam, là động lực cạnh tranh và cũng là con đường thích ứng với nông nghiệp tiên tiến theo kịp các cam kết với thị trường thế giới, từ đó gây dựng niềm tin và giúp cho các doanh nghiệp muốn đầu tư mạnh mẽ vào khâu giống thấy được Nhà nước luôn chào đón và tạo điều kiện để thành công”, bà Tâm nói thêm.
Ông Trần Công Khôi cho biết: Để sản xuất giống tăng tốc cả về chất và lượng, cần rất nhiều giải pháp, nhưng có 3 nhóm giải pháp cần đặc biệt lưu ý.
Một là, phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng giống nhằm cung cấp đủ nguồn giống chất lượng cao phục vụ nuôi thương phẩm trong vùng và hướng tới cung cấp con giống cho các vùng nuôi khác trên phạm vi cả nước. Hình thành các trung tâm sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng chất lượng cao, quy mô lớn ở Kiên Giang, Bạc Liêu; hình thành 4 - 5 trung tâm sản xuất giống cá tra chất lượng cao đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng cho nuôi thương phẩm ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và Vĩnh Long; xây dựng các trung tâm sản xuất giống cá biển tại Nam miền Trung, Kiên Giang. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng cho các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, II, III, Viện Nghiên cứu hải sản theo Quyết định số 703/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/5/2020 Phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Hai là, tập trung khoa học công nghệ để cải thiện, nâng cao chất lượng giống một số đối tượng đã sản xuất được như cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, một số giống cá biển và rong biển. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, làm chủ quy trình sản xuất giống với các đối tượng tiềm năng như tôm hùm, cá nước lạnh, một số loài cá biển; tiếp tục chọn giống để dần chủ động được nguồn tôm bố mẹ trong nước phục vụ nhu cầu nuôi.
Ba là, quản lý chặt chất lượng tôm giống lưu thông trên thị trường, tập trung kiểm tra, kiểm soát để 100% cơ sở sản xuất giống thủy sản được kiểm tra và cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất giống khi tham gia sản xuất giống; các lô giống xuất ngoại tỉnh phải được kiểm dịch; thủy sản bố mẹ được kiểm soát theo Thông tư 26/2018/TT-BNNPTNT.
Thời gian qua, ngành thủy sản nước ta đã có những bước chuyển đổi mạnh theo hướng chất lượng, hiệu quả và có nhiều đóng góp vào nền kinh tế. Tuy nhiên để ngành bứt tốc, cần giải quyết nhiều “điểm nghẽn”, trong đó có vấn đề về con giống, bởi đây là yếu tố quan trọng khởi đầu cho sự thành công.
Hải Đăng