Ứng dụng công nghệ để theo dõi, giám sát quy trình sản xuất, kinh doanh, xử lý môi trường trong hoạt động thủy sản (09-08-2022)

Ngày 29 tháng 7 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 911/QĐ-TTg; trong đó nêu rõ 06 nhóm giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản. Cụ thể như sau:
Ứng dụng công nghệ để theo dõi, giám sát quy trình sản xuất, kinh doanh, xử lý môi trường trong hoạt động thủy sản
Ảnh minh họa

Một là, giải pháp nâng cao nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản đối với các bên có liên quan: Phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về quan điểm coi “môi trường là điều kiện, nền tảng, là yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững” theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của các cấp, các ngành trong hoạch định chính sách phát triển.

Cùng với đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ sản xuất/kinh doanh thủy sản thực hiện các tiêu chuẩn, cam kết tự nguyện về môi trường; ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội về môi trường của các doanh nghiệp sản xuất thủy sản, cộng đồng ngư dân. Đặc biệt, tích cực truyền thông về bảo vệ môi trường trong các hoạt động thủy sản nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung tới các bên có liên quan (nhất là cộng đồng ngư dân, người nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản và cộng đồng dân cư tham gia hoạt động thủy sản).

Hai là, giải pháp phát triển khoa học, ứng dụng công nghệ trong hoạt động thủy sản, trong xử lý chất thải từ các hoạt động thủy sản: Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong các hoạt động thủy sản theo hướng công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường giảm thiểu chất thải theo kinh tế tuần hoàn; Xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải từ các hoạt động thủy sản; xã hội hóa, nâng cao năng lực hệ thống các tổ chức đánh giá sự phù hợp lĩnh vực môi trường. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường thủy sản được kết nối liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia thủy sản; cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên, kịp thời. Từng bước chuyển đổi số cơ sở dữ liệu môi trường thủy sản; Ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ thông tin, viễn thám, AI, truy xuất nguồn gốc... trong theo dõi, kiểm tra giám sát quy trình sản xuất, kinh doanh, xử lý môi trường.

Ba là, giải pháp đầu tư xây dựng hạ tầng đảm bảo việc xử lý, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải; mạng lưới quan trắc môi trường thủy sản: Đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm, hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, làng nghề chế biến thủy sản... đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; Phát triển mạng lưới quan trắc môi trường thủy sản từ Trung ương tới địa phương một cách đồng bộ; xây dựng và thực hiện chương trình quan trắc môi trường thủy sản (nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, chế biến thủy sản, cơ sở hạ tầng thủy sản) một cách hiệu quả; Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ cho các khu bảo tồn biển nhằm thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững.

Bốn là, giải pháp nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích khai thác, sử dụng đầu tư, duy trì phát triển nguồn vốn tự nhiên thủy sản; huy động, xã hội hóa nguồn lực trong bảo vệ môi trường thủy sản: Xây dựng chính sách quy định pháp luật, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản; Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái thủy sản tạo nguồn tài chính bền vững cho hoạt động bảo vệ, duy trì, phát triển hệ sinh thái thủy sản; cơ chế, chính sách, ưu đãi, hỗ trợ cho các hoạt động thủy sản thân thiện với môi trường.

Xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ môi trường trong tái chế, xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực thủy sản; Phát huy vai trò của Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; khuyến khích, hỗ trợ hình thành Quỹ cấp tỉnh, Quỹ cộng đồng nhằm tạo nguồn vốn cho công tác bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản; Khuyến khích, hỗ trợ hình thành đối tác công tư (PPP) trong bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản; Nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế Trách nhiệm mở rộng tự nguyện của các doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường thủy sản; Nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong sản xuất thủy sản.

Năm là, giải pháp tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong các hoạt động thủy sản: Rà soát, khắc phục chồng chéo, bất cập về chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường giữa các bộ, ngành; thực hiện phân cấp giữa Trung ương và địa phương đảm bảo tính thống nhất, liên tục trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; Triển khai các quy định về bảo vệ môi trường theo cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; Thực hiện kiểm tra, giám sát trách nhiệm quản lý địa phương đối với công tác bảo vệ môi trường; Tăng cường giám sát cộng đồng đối với bảo vệ môi trường thủy sản; minh bạch hóa thông tin về môi trường, bảo vệ môi trường thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.

Và sáu là, giải pháp hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường: Thực thi các quy định, cam kết về môi trường trong các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành Thủy sản; Hợp tác chặt chẽ với các quốc gia láng giềng, các quốc gia trong khu vực ASEAN về các vấn đề môi trường xuyên biên giới: nguồn lợi thủy sản, rác thải nhựa đại dương, loài nguy cấp, quý hiếm, ô nhiễm môi trường biển...; Tăng cường hợp tác đa phương: thúc đẩy thực thi các cam kết về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, thu hút các dự án hỗ trợ kỹ thuật.

Bên cạnh 06 nhóm giải pháp nêu trên, sẽ tập trung các dự án/nhiệm vụ ưu tiên, hỗ trợ các hoạt động thủy sản thân thiện với môi trường, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn/ kinh tế xanh: Truyền thông, nâng cao nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản; Điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất, xây dựng các chính sách, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho các hoạt động thủy sản thân thiện với môi trường thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; Chương trình điều tra, đánh giá, kiểm kê nguồn vốn tự nhiên thủy sản (giá trị vật thể, giá trị phi vật thể...) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Điều tra, đánh giá nguồn ô nhiễm, lượng chất thải từ các hoạt động thủy sản và đề xuất giải pháp quản lý; Tăng cường năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong ngành Thủy sản.

Mặt khác, tiến hành quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành Thủy sản (quan trắc đất, nước, trầm tích); Điều tra, đánh giá thực trạng công nghệ, áp dụng công nghệ trong xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, chế biến thủy sản và đề xuất các giải pháp công nghệ xử lý chất thải trong hoạt động thủy sản; Đổi mới và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải trong các hoạt động thủy sản tạo tiền đề cho việc tận dụng, sử dụng các phế phẩm, phụ phẩm thủy sản dưới hình thức hợp tác công tư; Nghiên cứu và từng bước đầu tư xây dựng mô hình quản lý chất thải tiên tiến trong các hoạt động thủy sản; Xây dựng, cập nhật, vận hành cơ sở dữ liệu môi trường ngành Thủy sản Việt Nam.

 Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác