Chất dẻo ở đại dương giết chết rùa biển (10-01-2018)

Theo nghiên cứu công bố ngày 11 tháng 12 năm 2017 trên tạp chí Nghiên cứu các loài nguy cấp Endangered Species Research, sự gia tăng ô nhiễm chất dẻo ở các đại dương của trái đất và trên các bãi biển đang giết hại tất cả các loài rùa, với một ảnh hưởng không cân xứng đến các con rùa mới nở và rùa con.
Chất dẻo ở đại dương giết chết rùa biển
Ảnh minh họa

Nghiên cứu, một cuộc khảo sát trên toàn thế giới về các đại dương lớn nơi mà rùa sống, phát hiện ra rằng 91% những con rùa bị mắc kẹt đã chết. Rùa cũng bị những vết thương nghiêm trọng từ việc bị vướng vào các ngư cụ, dẫn đến việc bị thương, bị cắt đứt hoặc bị bóp nghẹt cổ. Những con rùa khác sống sót bị buộc phải kéo lê rác hoặc mảnh vụn cùng với chúng.

Cuộc khảo sát cho thấy rùa đang bị mắc kẹt trong các lưới đánh cá bị mất, dây bện bằng nhựa và dây đánh cá ni-lông, cũng như các vòng từ các đồ uống đóng hộp, bao bì bằng chất dẻo, dây bóng, dây diều, bao bì bằng nhựa và đường dây neo bỏ đi và cáp đo địa chấn. Rùa cũng được phát hiện vướng vào những chiếc ghế bằng nhựa, thùng gỗ, khí cầu thời tiết và dây neo đậu tàu bị bỏ đi.

Các nghiên cứu khác cho thấy một mối đe dọa khác của ô nhiễm nhựa đối với rùa biển là rùa biển ăn các chất thải nhựa và các sinh vật biển bị vướng vào chất thải nhựa.

Các con rùa mới nở và rùa con đặc biệt dễ bị mắc kẹt trong các ngư cụ bị mất hoặc bị loại bỏ hoặc các mảnh vỡ trôi nổi. Rùa con bơi trên những dòng hải lưu đến những vùng có rác trôi nổi tập trung. Chúng cũng có thể làm nhà ở gần các mảnh vỡ trôi nổi và ở đó trong nhiều năm.

Brendan Godley, Giáo sư Khoa học Bảo tồn thuộc Đại học Exeter, là tác giả chính của nghiên cứu. Ông cho biết tỷ lệ chết do vướng vào ngư cụ đã tăng lên đáng kể trong thế kỷ qua, không chỉ đối với loài rùa mà còn đối với các động vật có vú và chim khác, và vì sự gia tăng ô nhiễm chất dẻo, ngày càng có nhiều rùa bị vướng vào.

Godley cho biết rùa chết do bị vướng vào rác thải của con người thực tế có thể cao hơn nhiều so với 1.000 con rùa một năm được ước lượng bởi nghiên cứu này.

Chất thải nhựa ở các đại dương, bao gồm các ngư cụ bị mất hoặc bỏ đi không phân hủy được, là mối đe dọa lớn đối với các loài rùa biển. Các nhà nghiên cứu tìm thấy hơn 1000 con rùa chết một năm sau khi bị vướng vào rác thải, nhưng điều này gần như chắc chắn là một con số đánh giá thấp. Rùa con và rùa mới nở đặc biệt dễ bị mắc kẹt.

Các chuyên gia được khảo sát thấy rằng việc vướng vào nhựa và các vật ô nhiễm khác có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến sự sống còn của một số loài rùa và là mối đe dọa lớn hơn đối với chúng so với sự cố tràn dầu. Chúng ta cần cắt giảm mức độ phế thải nhựa và các chất thay thế có thể phân huỷ sinh học nếu chúng ta muốn giải quyết mối đe dọa nghiêm trọng này đối với cuộc sống của rùa.

Tất cả các loài rùa đã được tìm thấy bị vướng vào rác thải, nhưng rùa Olive Ridley là loài có khả năng cao nhất bị vướng vào rác thải. Loài rùa này tìm kiếm thức ăn trong những khu vực tập trung các mảnh rác vụn. Nó cũng có thể bị thu hút ăn các rác thải ở biển, bao gồm cả phương tiện đánh cá bị loại bỏ.

Hầu hết các vụ rùa bị vướng mắc đều được ghi nhận là các ngư cụ đánh cá bị mất hoặc bị loại bỏ là dây đánh cá, lưới và dây câu cá. Từ những năm 1950, ngành đánh bắt thủy sản đã thay thế các sợi tự nhiên như bông, đay và cây gai dầu bằng các vật liệu nhựa tổng hợp như ni-lông, polyethylene và polypropylene không phân hủy sinh học trong nước.

HNN (Theo earthsky.org)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác