Khi nói đến ẩm thực, Nhật Bản đã được thế giới biết đến với rượu sake và sushi đặc trưng, cũng giống như rượu whisky và trứng cá muối được yêu thích trên toàn cầu.
Thật vậy, sau vài năm nằm trong thực đơn dành cho người sành ăn trong nước, trứng cá muối Nhật Bản đã có bữa tiệc ra mắt toàn cầu tại Hồng Kông vào năm 2017 và hiện đang có mặt trên các kệ hàng tại Đài Loan, Singapore, Mỹ và Canada.
Ngay cả khi các hoạt động buôn bán trên thị trường chợ đen đối với nghề đánh bắt bất hợp pháp đã được loại bỏ vào đầu thế kỷ này, giá thành của món trứng cá muối - làm từ trứng cá tầm- vẫn là một món ngon đắt tiền, mặc dù nuôi trồng thủy sản đã có vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này chủ yếu là do mất quá nhiều thời gian để xác định cá nào là cá đực và cá nào là cái.
Các trang trại nuôi cá tầm phải chịu chi phí cao do phải đợi đến khi cá được khoảng ba tuổi mới có thể mổ một phần dạ dày để xác nhận màu sắc và hình dạng của các tuyến sinh sản. Những con cá sau đó được khâu lại và được trả lại bể nuôi, đây là một sự lãng phí lớn.
Nhưng một công nghệ mới do Đại học Kindai phát triển có thể mở đường cho việc sản xuất trứng cá muối rẻ hơn. Vào tháng 12 năm 2019, trường đại học này thông báo rằng họ đã thành công trong việc chuyển đổi một lô cá tầm được ấp nhân tạo thành cá cái sau khi tiêm hóc-môn giống cái.
Phó Giáo sư Toshinao Ineo thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản của Đại học Kindai cho biết: “Tại Nhật Bản, thịt cá tầm hầu như không bao giờ được bán và những con đực không thể được sử dụng để sản xuất trứng cá muối, điều này chỉ làm tăng chi phí sản xuất tại các trang trại cá tầm. Nếu chúng ta có thể loại bỏ cá đực ngay từ đầu và biết chắc chắn rằng tất cả cá tầm đều là cá cái, thì chi phí xác định giới tính của cá có thể giảm xuống đáng kể. Việc xác định giới tính của 1.000 con cá tầm đòi hỏi một nhóm khoảng 5 người làm việc trong vòng 30 ngày. Ngoài chi phí lao động, còn có chi phí thức ăn cho cá trong khi người nuôi đợi cá được ba năm tuổi. Chúng tôi ước tính rằng những chi phí này chiếm khoảng 25% tổng chi phí sản xuất, nhưng chi phí này có thể được giảm bớt bằng cách biến tất cả cá thành giống cái”.
Bốn tháng sau khi ấp trứng nhân tạo, 150 con cá tầm Siberi con đã được cho ăn thức ăn trộn với hóc-môn estradiol trong khoảng sáu tháng trước khi chế độ ăn của chúng được chuyển trở lại thức ăn thông thường. Một số đã được kiểm tra và tất cả chúng đều chứa tế bào trứng.
Phó Giáo sư Toshinao Ineo cho biết thêm: “Kết quả rất hứa hẹn. Khi sản xuất trứng cá muối, một lô cá tầm toàn cái còn thuận lợi vì những lý do khác. Cá tầm là loài cá nuôi lớn, có nghĩa là chúng ta cần nhiều nước hơn và các vật dụng nuôi lớn hơn. Đây là một trở ngại đáng kể cần phải vượt qua trong sản xuất hàng loạt và là một lý do khác khiến chúng tôi bắt đầu xem xét các lô toàn cá cái”.
Moto-o Sakamoto, Chủ tịch Công ty Japan Caviar Inc., một công ty ở Miyazaki chuyên sản xuất và bán trứng cá muối trên khắp Nhật Bản, cho biết: Nuôi cá tầm không phải là không có thách thức và rất khó để sản xuất một lượng trứng cá muối ổn định.
Đại học Kindai bắt đầu nghiên cứu cá tầm vào năm 1995 và bắt đầu bán thương hiệu trứng cá muối của riêng mình - Kindai Caviar - vào năm 2008. Trường Đại học này hiện đang nuôi 1.500 con cá tầm và có kế hoạch sản xuất 45 kg trứng cá muối mỗi năm trong vòng 10 năm tới.
Phó Giáo sư Ineo cho biết: “Chúng tôi muốn sản xuất trứng cá muối để giới thiệu công nghệ và chuyên môn của Kindai chứ không phải lợi nhuận từ việc bán hàng. Để xuất khẩu trứng cá muối ra nước ngoài, các trang trại cá và nhà máy sản xuất trứng cá muối phải được đăng ký theo quy định của CITES nhưng Kindai hiện chưa được đăng ký nên mục tiêu của chúng tôi là sản xuất trứng cá muối để nghiên cứu và bán ở Nhật Bản”.
Hiện Trường đại học này cũng đang nghiên cứu khả năng sản xuất các lô toàn cá giống cái theo những cách khác nhau.
Thu Hiền (Theo Fis.com)