Những sợi nhựa rất nhỏ, được làm từ polyester, polypropylene và các loại nhựa khác, bị rơi ra hoặc bị giặt bung ra từ vải sợi tổng hợp được sử dụng sản xuất quần áo, các mặt hàng tiêu dùng và các sản phẩm công nghiệp khác. Khi rời ra, chúng đi vào nước thải và được tích lũy ở các đại dương, sông, hồ tự nhiên, chiếm hơn 90% ô nhiễm vi nhựa ở một số vùng.
“Những nghiên cứu thực địa trước đây cho thấy có nhiều cá ăn một lượng lớn sợi nhựa mỗi ngày nhưng chúng dường như có những cơ chế bảo vệ bên trong ruột ngăn chặn được tổn thương. Nhưng những thay đổi có hại đã được quan sát khi chúng tôi mở rộng nghiên cứu đến cấp độ mô và tế bào.”, David E Hinton, một giáo sư hàng đầu về chất lượng môi trường tại Đại học Duke cho biết.
“Ngoài các sợi mà cá ăn, mỗi ngày còn có hàng trăm hoặc hàng ngàn vi sợi cũng đi qua mang của chúng, và chúng tôi nhận thấy rằng đây là nơi xảy ra tình trạng bị tổn thương nhiều”, Melissa Chernick, một nhà nghiên cứu của Đại học Duke nhận xét.
Sau 21 ngày thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng khi bị phơi nhiễm vi sợi nhựa ở các mức độ cao trong nước bể, cá đã có những biểu hiện của chứng phình mạch, dính màng và tăng tiết chất nhầy ở mang, cũng như có những thay đổi đáng kể của các tế bào biểu mô bao quanh mang cá và những ảnh hưởng khác.
“Đã có rất nhiều thay đổi nghiêm trọng, và mỗi thay đổi đều có thể ảnh hưởng đến hô hấp của cá. Nếu một con cá ở trong tự nhiên bị tổn thương về mang và ở trong một môi trường có hàm lượng oxy thấp hoặc săn bởi các loài săn mồi, thì đây là một vấn đề”. Cũng như vậy nếu con cá đó cạnh tranh thức ăn với các con khác. Chính những tổn thương này làm cá bị hạn chế cơ hội cạnh tranh.”, Chernick nói thêm.
Mặc dù đường ruột của cá có vẻ như tự bảo vệ khỏi những tổn thương tương tự như trên, nhưng nghiên cứu mới cho thấy rằng khi ở trong ruột, các sợi vi nhựa có thể phóng thích các hóa chất và đi vào máu của cá.
Các nhà nghiên cứu vẫn đang làm việc để nhận biết các loại hóa chất này, cũng như xác định những ảnh hưởng của chúng, nhưng một ảnh hưởng bất lợi đã được nhận biết. Những con cá cái tiếp xúc với các sợi có polypropylene đã sản sinh ra nhiều trứng hơn theo thời gian, người ta nhận định rằng các hóa chất có thể bị rò rỉ từ các vi sợi nhựa đang hoạt động như là những chất gây rối loạn nội tiết.
Trong năm 2016, toàn thế giới đã sản xuất ra gần sáu triệu tấn sợi tổng hợp như polyester hoặc polypropylene. Những hàng dệt này làm bong các sợi nhỏ trong quá trình giặt hoặc sử dụng thường xuyên. Một bộ quần áo có thể thải ra gần 2.000 sợi siêu nhỏ ở mỗi lần giặt. Chernick lưu ý điều này vì các nhà máy xử lý nước thải không được trang bị để loại bỏ các sợi này, dẫn đến chúng thoát vào vùng nước bề mặt ở khu vực hạ lưu và tích tụ trong môi trường. Chúng cũng có thể xâm nhập vào môi trường thông qua việc xả nước thải, nước mưa hoặc lắng đọng trong khí quyển.
“Ngay cả khi được thải ra từ đại dương, các sợi vi nhựa vẫn có thể di chuyển xuống đó. Vì vậy, vi nhựa ảnh hưởng đến cả sinh vật nước ngọt và sinh vật biển”, Hinton nhấn mạnh.
Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học đã đặt 27 cặp cá bố mẹ medaka Nhật Bản (Oryzias latipes) khỏe mạnh vào trong các bể nước có hàm lượng cao các sợi vi nhựa lơ lửng. Hàng tuần, các nhà nghiên cứu theo dõi trọng lượng cá, sản lượng trứng, sự ăn và bài tiết ra các sợi (có bao nhiêu sợi được ăn vào, bao nhiêu được thải ra).
Sau 21 ngày, họ kiểm tra mô của cá để xem có những thay đổi gì đã xảy ra (nếu có). Nước bể nuôi được thay hàng tuần và được lưu trữ để phân tích hóa học nhằm xác định thuốc nhuộm hoặc chất phụ gia nào đã được giải phóng.
Chernick cho rằng ô nhiễm vi nhựa là mối đe dọa môi trường gây ra những nguy cơ ngày càng tăng cho các loài và các hệ sinh thái trên trái đất. Cho đến nay, hầu hết các nghiên cứu đều tiếp cận chủ yếu theo hướng tìm kiếm sự hiện diện của nhựa trong động vật, mà không nhận diện có những ảnh hưởng gì ở các mô khác nhau có thể xảy ra. Nghiên cứu này đã đề ra hướng đi đúng cho các nhà khoa học khác.
Anh Vũ (Theo The Fish Site)