Truyền ngang của virus đã được khẳng định khi cá khỏe mạnh sống trong môi trường với cá bị nhiễm bệnh, tỷ lệ chết có thể lên đến 80%, lây truyền qua đường nước. Thử nghiệm gây nhiễm TiLV ở 9 loài cá khác cho thấy cá tai tượng (Osphronemus goramy) có thể bị nhiễm virus này khi sống chung môi trường với cá rô phi (hiện tượng lây truyền chéo loài).
Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy một lượng lớn cá rô phi bố mẹ có biểu hiện khỏe mạnh nhưng cho kết quả dương tính với TiLV khi xét nghiệm. Ở trại giống, TiLV được phát hiện trên trứng đã thụ tinh, ở các giai đoạn rất sớm của cá như giai đoạn mang túi noãn hoàng, giai đoạn cá bột, cá hương đã cho thấy loại virus này có khả năng lây truyền dọc. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được rõ ràng rằng TiLV có khả năng lây truyền từ cá bố mẹ bị nhiễm bệnh sang các cơ quan sinh sản cũng như lây sang thế hệ sau của chúng hay không.
Thiết kế thí nghiệm
Chủng NV18R của TiLV được phân lập và nuôi cấy từ cá rô phi đỏ (Oreochromis sp.) bị bệnh. Virus đã được tinh lọc được khẳng định lại bằng xét nghiệm PCR đặc hiệu và tiến hành tiêm 105.5 TCID50 (liều gây nhiễm 50% tế bào) trên mỗi con cá thí nghiệm.
Năm cặp cá rô phi vằn bố mẹ đã thành thục hoàn toàn (300 - 400 g/con) được lấy từ trại sản xuất giống không có tiền sử nhiễm TiLV, mỗi cặp được nuôi trong bể composit 50 lít có sục khí. Cá được cho ăn 2 lần/ngày bằng thức ăn viên 28% đạm dành cho cá rô phi, lượng ăn bằng 5% trọng lượng thân.
Không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào ở cá sau 06 ngày gây nhiễm. Trứng được lấy và trộn với tinh dịch của cá đực cùng chung một gia đình. Số trứng còn lại chưa thụ tinh cũng được lưu giữ để xét nghiệm PCR và thực hiện các thí nghiệm nuôi cấy virus. Các mẫu máu, gan và cơ quan sinh sản của cá được bảo quản để làm các xét nghiệm PCR, mô bệnh học và tái phân lập trên nuôi cấy tế bào.
Kết quả và thảo luận
Trong nghiên cứu này, mô từ 3 gia đình của cá bố mẹ bị nhiễm TiLV cũng như những trứng thụ tinh in vitro của chúng được sử dụng để phát hiện TiLV bằng phương pháp PCR. Gan, máu, buồng trứng và trứng chưa thụ tinh được lấy từ con cái (bố mẹ); gan, máu, tinh sào của cá đực được sử dụng cho các xét nghiệm. Trứng đã thụ tinh nhân tạo được thu vào các thời điểm 3, 12, 64 giờ sau khi thụ tinh. Các mẫu như trên từ 2 gia đình đối chứng cũng được xử lý tương tự.
Các kết quả đã chứng minh cá thí nghiệm đã bị lây nhiễm TiLV vào trong cơ thể. Tất cả các mẫu (từ các gia đình cá được lây nhiễm nhân tạo), bao gồm gan, trứng, cơ quan sinh sản của cá bố mẹ và trứng chưa thụ tinh đều cho kết quả dương tính với TiLV bằng xét nghiệm PCR. Các trứng thụ tinh (sau 3, 12, 64 giờ) từ 3 gia đình (1, 2, 3) bị nhiễm cũng cho kết quả dương tính với TiLV, ngoại trừ các mẫu từ 3 giờ và 64 giờ của gia đình 1. Các mẫu từ 2 gia đình đối chứng cho kết quả âm tính.
Hiểu biết về sinh bệnh học và con đường lây truyền của TiLV là cơ sở khoa học quan trọng cho những nghiên cứu sâu hơn về các phương pháp phòng bệnh có hiệu quả. Trong nghiên cứu này, mặc dù virus được tiêm vào cơ của cá bố mẹ, nhưng sau đó chúng đã được phát hiện trong máu, gan và các cơ quan sinh sản bằng kỹ thuật PCR, ISH (Kỹ thuật lai tại chỗ - In Situ Hybridization) và nuôi cấy tế bào. Có những vùng lớn xung quanh các mạch máu của các mô thí nghiệm (gan, tinh sào) đã phản ứng tốt với đầu dò TiLV đặc hiệu bằng phương pháp ISH. Cho đến nay, điều này chưa từng được báo cáo đối với những trường hợp nhiễm TiLV. Các phát hiện này đề xuất rằng TiLV nhiễm vào cơ thể trong tự nhiên và lây lan sang các cơ quan khác gần như có thể là thông qua hệ tuần hoàn.
Đây là nghiên cứu đầu tiên trong điều kiện có kiểm soát trong phòng thí nghiệm nhằm chứng minh cá bố mẹ được gây nhiễm TiLV thực nghiệm có thể truyền virus này sang các cơ quan sinh sản của chúng. Căn cứ trên các tần số mạnh có thể so sánh, sự phổ biến của các tín hiệu phản ứng ISH - mức độ nhiễm virus ở buồng trứng dường như nghiêm trọng hơn so với ở tinh sào.
Mặc dù trong gây nhiễm thực nghiệm này, TiLV có thể lây truyền dọc sang các trứng đã được thụ tinh, nhưng những vấn đề còn lại chưa biết là những trứng này có thể phát triển thành các bột, cá hương hay không, và virus có tiếp tục nhiễm trong suốt các giai đoạn phát triển của cá hay không. Những câu hỏi này sẽ được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu.
Khuyến nghị
Các kết quả của nghiên cứu này cho thấy TiLV đã nhiễm trùng hệ thống ở cá rô phi bố mẹ và virus này có khả năng xâm nhập vào các cơ quan sinh sản của cá đực và cá cái thông qua hệ tuần hoàn máu. Cá cái bị nhiễm đẻ ra trứng bị nhiễm, khi được thụ tinh với tinh trùng của cá đực bị nhiễm dẫn đến trứng thụ tinh bị nhiễm TiLV. Do vậy, để sản xuất ra cá giống không bị nhiễm TiLV, các nhà nghiên cứu đã khuyến cáo mạnh mẽ nên sử dụng cá rô phi bố mẹ không bị nhiễm TiLV.
Anh Chi (Theo GAA)