Tẩy trắng san hô đe dọa sự đa dạng của cá rạn san hô (11-04-2018)

Nghiên cứu mới cho thấy hiện tượng ấm lên toàn cầu cũng ảnh hưởng đến các loài cá rạn san hô.
Tẩy trắng san hô đe dọa sự đa dạng của cá rạn san hô
Ảnh minh họa

Rạn san hô Great Barrier (GBR) nổi tiếng vì nhiều màu sắc. Một nghiên cứu quốc tế mới của nghiên cứu sinh Laura Richardson thuộc Trung tâm nghiên cứu san hô ARC Centre of Excellence của Đại học James Cook (Úc) cho thấy rằng những đợt tẩy trắng san hô không chỉ tẩy trắng san hô mà còn làm giảm độ phong phú các loài cá sống trong các hệ sinh thái có giá trị cao này. 

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Trường Đại học James Cook (Úc) và Đại học Lancaster (Anh). Họ đã khảo sát 16 rạn ngoài khơi đảo Lizard, ở phía bắc của GBR. Số lượng, loài san hô và các loài cá được khảo sát trước, trong và sau đợt tẩy trắng hàng loạt rạn san hô năm 2016 do sự nóng lên toàn cầu.

Tác giả chính, Laura Richardson, cho biết: “Những ảnh hưởng lan rộng của stress nhiệt đến san hô là chủ đề được thảo luận nhiều cả trong và ngoài cộng đồng nghiên cứu. Chúng tôi đang nghiên cứu thấy một số loài san hô nhạy cảm hơn với stress nhiệt so với các loài khác nhưng các loài cá rạn cũng thay đổi theo cách chúng phản ứng với những biến đổi này”.

“Các quần đàn cá bị ảnh hưởng đáng kể bởi mất độ phủ san hô do những đợt tẩy trắng, và một số loài cá trở nên nhạy cảm hơn các loài khác”, Giáo sư Nick Graham của Đại học Lancaster – đồng tác giả nghiên cứu nhận xét.

Tình trạng mất san hô gây ảnh hưởng nhiều cho một số loài cá hơn các loài khác. Sau đợt tẩy trắng, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận có sự giảm mạnh về mức độ đa dạng của các quần xã cá do sự kết hợp hoặc các loài đã thay đổi.

Các loài cá mà phụ thuộc nhiều vào các loài san hô cành, như cá bướm, bị giảm nhiều nhất.

Đồng tác giả, Tiến sĩ Andrew Hoey của Trung tâm nghiên cứu san hô ARC Centre of Excellence của Đại học James Cook, cho biết “Trước đợt tẩy trắng hàng loạt rạn san hô năm 2016, chúng tôi đã quan sát thấy có sự biến động lớn về số lượng loài cá, độ phong phú tổng và mức độ đa dạng về chức năng giữa các quần xã cá khác nhau. Tuy nhiên, 6 tháng sau đợt tẩy trắng này, sự biến động này gần như mất hoàn toàn.”

“Được biết đến như ‘sự đồng thể hóa sinh vật’ (biotic homogenization), xu hướng giống nhau của các cá thể và quần xã này ngày càng được coi là một trong những khủng hoảng cấp bách nhất về đa dạng sinh học trên toàn thế giới, nhưng phần lớn chưa được công nhận.”

Bài báo “Tẩy trắng san hô hàng loạt gây đồng thể hóa sinh học cho các quần đàn cá rạn” được công bố trên Tạp chí Global Change Biology.

Vũ Hậu (theo sciencedaily)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác