Phát triển khoa học công nghệ về giống thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 (29-01-2021)

Ngày 09 tháng 12 năm 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 4999/QĐ-BNN-KHCN Phê duyệt danh mục nhiệm vụ phục vụ Phát triển khoa học công nghệ về giống giai đoạn 2021 - 2025, thuộc Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, lĩnh vực thủy sản được phê duyệt một số danh mục dưới đây:
Phát triển khoa học công nghệ về giống thủy sản giai đoạn 2021 - 2025
Ảnh minh họa

Đối với nhiệm vụ bảo tồn, lưu giữ nguồn gen thủy sản, bao gồm:

Lưu giữ nguồn gen một số loài cá biển có giá trị kinh tế, phục vụ phát triển nuôi biển: Mục tiêu đặt ra là lưu giữ lâu dài, an toàn nguồn gen một số loài cá biển có giá trị kinh tế phục vụ nuôi biển. Lưu giữ nguồn gen 6 loài cá biển với số lượng 200 con/loài như sau: Cá chim (Trachinotus sp.). Cá song chanh (Epinephelus malabaricus). Cá song chấm nâu (Epinephelus coioides). Cá song hổ (Epinephelus /uscoguttatus). Cá song da báo (Plectropomus leopardus). Cá chẽm (Lates calcarifer). Sản xuất và cung ứng nguồn gen của 6 loài cá biển cho việc nghiên cứu chọn tạo và sản xuất giống: 5.000 con bố mẹ/loài/năm; 50.000 con giống phục vụ sản xuất/năm. Bộ cơ sở dữ liệu các nguồn gen lưu giữ: Nguồn gốc, đặc điểm sinh học (sinh trưởng, sinh sản), phát triển nuôi.

Lưu giữ nguồn gen phục vụ chọn tạo giống cá nước ngọt (cá tra, cá rô phi đỏ, cá rô phi vằn): Mục tiêu lưu giữ lâu dài và an toàn nguồn gen cá tra, cá rô phi đỏ, cá rô phi vằn phục vụ chọn tạo giống cá nước ngọt và góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Lưu giữ nguồn gen cá tra chọn giống tăng trưởng nhanh, cá tra chọn giống kháng bệnh, cá rô phi đỏ: 100 cá thể/quần đàn vật liệu ban đầu/năm. 400 cá thể chọn giống của 2 thế hệ mới nhất, 200 cá thể/1 thế hệ. Lưu giữ nguồn gen cá rô phi vằn: 100 cá thể/quần đàn vật liệu ban đầu/năm. 400 cá thể chọn giống của 2 thế hệ mới nhất, 200 cá thể/1 thế hệ. Sản xuất và cung ứng nguồn gen của 4 giống loài cá nước ngọt cho việc nghiên cứu chọn tạo và sản xuất giống: 20.000 con bố mẹ/loài/năm; 200.000 con giống phục vụ sản xuất/năm.

Về lưu giữ nguồn gen phục vụ chọn tạo, phát triển giống tôm (tôm chân trắng, tôm sú và tôm càng xanh): Lưu giữ lâu dài và an toàn nguồn gen các quần đàn tôm chân trắng, tôm sú và tôm càng xanh phục vụ chọn giống nâng cao sinh trưởng và tỷ lệ sống. Lưu giữ nguồn gen tôm chân trắng: 200 cá thể/quần đàn vật liệu ban đầu/năm. 1.000 cá thể chọn giống của 2 thế hệ mới nhất, 500 cá thể/1 thể hệ. Tôm chân trắng sạch bệnh: TSV, WSSV, IHHNV, YHV, AHPND, EHP. Lưu giữ nguồn gen tôm sú, tôm càng xanh: 200 cá thể/quần đàn vật liệu ban đầu/năm. 1.000 cá thể chọn giống của 2 thế hệ mới nhất, 500 cá thể/1 thế hệ. Tôm sú sạch bệnh: MBV, WSSV, IHHNV, YHV, AHPND, EHP. Sản xuất và cung ứng nguồn gen của 3 loài tôm cho việc nghiên cứu chọn tạo và sản xuất giống: 20.000-50.000 con bố mẹ/loài/năm; 50.000.000 con giống phục vụ sản xuất/năm.

Về lưu giữ nguồn gen một số loài rong biển có giá trị kinh tế phục vụ phát triển giống: Lưu giữ nguồn gen của 7 loài rong biển giá trị cao, 1.000kg/loài: Rong câu chỉ vàng (Gracilaria tenuistipitata); Rong sụn (Kappaphycus alvarezii); Rong câu thắt (Gracilaria firma); Rong câu cước (Gracilariaopsis bailinae)  Rong nho (Caulerpa lentillifera); Rong bắp sú (Kappaphycus striatus);Rong sụn gai (Eucheuma denticulatum). Sản xuất và cung ứng nguồn gen của 7 loài rong biển cho việc nghiên cứu chọn tạo và sản xuất giống: 200 kg rong gốc/loài/năm; 10.000 giống/loài/năm phục vụ sản xuất. Bộ cơ sở dữ liệu các nguồn gen lưu giữ: Nguồn gốc, đặc điểm sinh học (sinh trưởng, sinh sản, sức sống), phát triển nuôi.

Về lưu giữ nguồn gen một số loài nhuyễn thể (Tu hài, ốc hương, hầu, ngao) có giá trị kinh tế phục vụ phát triển giống nuôi biển: Lưu giữ các nguồn gen 3 loài nhuyễn thể, 500 con/loài: Tu hài; Hầu Thái Bình Dương; Ốc hương; Ngao Bến Tre. Sản xuất và cung ứng nguồn gen của 4 loài nhuyễn thể phục vụ sản xuất: 10.000-100.000 con bố mẹ/loài/năm, 2-5 triệu con giống/loài/năm phục vụ sản xuất. Bộ cơ sở dữ liệu các nguồn gen lưu giữ: Nguồn gốc, đặc điểm sinh học (sinh trưởng, sinh sản, sức sống), phát triển sản xuất.

Đối với nhiệm vụ nghiên cứu chọn tạo giống thủy sản, bao gồm:

Nghiên cứu chọn tạo giống cá tra, tăng trưởng nhanh, có khả năng chống chịu một số điều kiện bất thuận, Chọn tạo được đàn cá cá tra tăng trưởng nhanh và tỷ lệ sống cao trong môi trường nước ngọt và lợ mặn; kháng bệnh gan thận mủ và xuất huyết phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chọn giống cá tra tăng trưởng nhanh: Chọn tạo được thế hệ G5, với 100 cặp cá bố mẹ chọn lọc/thế hệ (kích cơ > 2,0 kg/con); hiệu quả chọn lọc ước tính > 10%/thế hệ. Đàn cá hậu bị cho phát tán: 5.000 con cá tra chọn giống mới nhất; Khối lượng trung bình ≥1,0 kg/con; Tỷ lệ đực: cái khi chuyển giao là 35%:65%. Xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ thông tin di truyền và phả hệ. Chọn giống cá tra kháng bệnh gan thận mủ và xuất huyết: Chọn tạo được 2 thế hệ (G2 và G3): 100 cặp cá bố mẹ chọn lọc/thế hệ (kích cỡ >2,0 kg/con); hiệu quả chọn lọc ước tính tăng 5-7%/thế hệ cho tính trạng kháng bệnh gạn thận mủ; hiệu quả chọn lọc tính trạng kháng bệnh xuất huyết ≥5%/thể hệ. Đàn cá hậu bị cho phát tán: 10.000 con cá tra chọn giống mới nhất; Khối lượng trung bình ≥1,0 kg/con; Tỷ lệ đực: cái khi chuyển giao là 35%:65%. Xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ thông tin di truyền và phả hệ.

Nghiên cứu chọn tạo giống cá rô phi vằn tăng trưởng nhanh, có khả năng chống chịu một số điều kiện bất thuận: Chọn tạo được đàn cá rô phi vằn tăng trưởng nhanh và tỷ lệ sống cao trong môi trường nước ngọt và lợ mặn. Chọn tạo được 4 thế hệ chọn giống (G3, G4, G5, G6): 200 cặp bố mẹ/thế hệ được lựa chọn từ ≥100 gia đình, với hiệu quả chọn lọc 5%/thế hệ; khối lượng 800- 900g/con sau 6 tháng nuôi từ cỡ 10g/con. Đàn cá rô phi vằn hậu bị chọn giống cho phát tán: 60.000 con cá rô phi chọn giống; Khối lượng trung bình 20 g/con; Tỷ lệ đực:cái khi chuyển giao là 1:2. Xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ thông tin di truyền và phả hệ.

Về nghiên cứu chọn tạo giống tôm nước lợ: Mục tiêu nghiên cứu chọn tạo giống tôm chân trắng tăng trưởng nhanh, có khả năng chống chịu một số điều kiện môi trường bất thuận. Yêu cầu đối với kết quả nghiên cứu: Chọn tạo được đàn tôm chân trắng bố mẹ tăng trưởng nhanh và có khả năng chống chịu với một số điều kiện môi trường bất thuận. Chọn tạo được 4 thế hệ chọn giống (G8, G9, G10, G11): 250 cặp tôm bố mẹ chọn giống/thế hệ, hiệu quả chọn giống tăng 4-6%/thế hệ, tối thiểu 100 gia đình/thế hệ, tôm chọn giống sạch bệnh. Đàn tôm hậu bị chọn giống phục vụ sản xuất: 100.000 con, kích cỡ 20-25g/con. Cơ sở dữ liệu đầy đủ thông tin di truyền và phả hệ.

Nghiên cứu chọn tạo giống tôm sú tăng trưởng nhanh, có khả năng chống chịu một số điều kiện môi trường bất thuận: Chọn tạo được đàn tôm sú bố mẹ tăng trưởng nhanh và có khả năng chống chịu với một số điều kiện môi trường bất thuận. Chọn tạo được 4 thế hệ chọn giống (G5, G6, G7, G8): 250 cặp tôm bố mẹ/thế hệ/quần đàn; tối thiểu 50 gia đình/quần đàn X 2 quần đàn/năm, hiệu quả chọn lọc ước tính tăng 5-7%/thế hệ, tôm chọn giống sạch bệnh. Đàn tôm hậu bị chọn giống phục vụ sản xuất: 50.000 con, kích cỡ 20g/con. Cơ sở dữ liệu đầy đủ thông tin di truyền và phả hệ.

Nghiên cứu chọn tạo giống loài rong bắp sú (Kappaphycus striatus) chất lượng cao: Chọn tạo được giống rong bắp sú (Kappaphycus striatus) cho năng suất và chất lượng cao. Chọn tạo được giống rong bắp sú có chất lượng tốt F0 (làm nguồn vật liệu ban đầu): Tốc độ sinh trưởng ≥ 2,5%/ngày; hàm lượng carragenan ≥ 40% trọng lượng rong khô sạch; sức đông kappa- carragenan ≥ 480 g/cm2. Sản phẩm rong bắp sú giống F1 đạt chất lượng cao tương đương F0: 5.000 tấn rong bắp sú từ nuôi cấy mô sẹo đạt kích thước ≥ 15cm. Sản xuất và cung cấp rong giống F2 đạt chất lượng cao tương đương F0 để cung cấp cho các cơ sở ương và lưu giữ giống dựa vào cộng đồng: 5.000kg rong bắp sú. Cơ sở dữ liệu về giống rong được chọn tạo.

Về nghiên cứu chọn tạo các chủng giống vi tảo: Nghiên cứu chọn tạo các chủng giống vi tảo có tốc độ sinh trưởng nhanh, mật độ cao, giàu dinh dưỡng, kích thước nhỏ và thích nghi rộng trong các môi trường khác nhau. Tạo được các dòng vi tảo biến dị để chọn lọc dòng mới mang các đặc điểm mong muốn có tốc độ sinh trưởng nhanh, đạt mật độ cao, hàm lượng protein và axit béo không no cao, kích thước nhỏ (đối với các loài sử dụng làm thức ăn tươi sống cho ấu trùng thủy sản), hàm lượng sắc tố, các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao, thích ứng trong các môi trường bao gồm nước nước lợ, nước mặn, nước thải có các nồng độ muối khác nhau. Tảo xoắn Spirulina (Arthrospira): Chọn tạo được ≥ 03 dòng biến dị, bảo quản ổn định di truyền, hàm lượng protein ≥ 65%, tốc độ sinh trưởng nhanh ≥ 10%, hàm lượng phycocyanin ≥ 12%, chịu mặn ≥ 15‰ NaCl so với quần thể ban đầu; ổn định qua ≥ 5 thế hệ. Tảo Chaetoceros (Chaetoceros calcitrans, Chaetoceros muelleri, Chaetoceros gracilis). Chọn tạo được ≥ 03 dòng biến dị, bảo quản ổn định, tốc độ sinh trưởng nhanh ≥ 10%, hàm lượng axit béo không no ≥ 5%; kích thước đồng đều <10 µm so với quần thể ban đầu; ổn định qua >3 thế hệ. Tảo Isochrysis galbana: Chọn tạo được ≥ 03 dòng biến dị, bảo quản ổn định, tốc độ sinh trưởng nhanh ≥ 10%; hàm lượng axit béo không no ≥ 5%; kích thước đồng đều từ < 6 µm so với quần thể ban đầu, ổn định qua >3 thế hệ.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác