KẾT QUẢ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA (16-01-2023)

1. Tên Dự án SXTN: Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) trên cát bằng nước biển ven bờ ở miền Trung đảm bảo an toàn  thực phẩm và an toàn dịch bệnh

2. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Công ty TNHH Thuỷ sản Đắc Lộc

3. Chủ nhiệm nhiệm vụ và những người tham gia chính

+ Chủ nhiệm nhiệm vụ : KS. Lê Hồng Duyệt

+  Những người tham gia chính:

* Công ty TNHH Thuỷ sản Đắc Lộc: KS.Trần Thị Lưu; KS.Tạ Phạm Quốc Huy; KS.Nguyễn Thị Ánh Ngọc; CN.Nguyễn Thị Xuân Diệu; CN.Phạm Thị Hậu; CN.Mai Thị Mỹ Lan; KS.Đặng Thị Hồng Vĩ; CN.Lê Thị Thanh Khiêm; CN.Trần Thị Ngân; CN.Trần Thị  Mỹ Vương; CN.Đào Thị Ánh Tuyết.

* Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản III: PGS.TS.Võ Văn Nha; ThS.Võ Thị Ngọc Trâm; ThS.Nguyễn Thị Chi; ThS. Võ Văn Tân.

4. Mục tiêu nhiệm vụ:

Xây dựng được quy trình công nghệ nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng trên cát bằng nước biển ven bờ đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh ở miền Trung

5. Kết quả thực hiện nhiệm vụ

5.1. Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi tôm trên cát dùng nước biển ven bờ an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, giảm thiểu tác động môi trường:

- Dự án đã nghiên cứu hoàn thiện thiết kế hạ tầng, trang thiết bị phục vụ nuôi tôm trên cát dùng nước biển ven bờ bao gồm: hệ thống ao nuôi gồm dạng hình vuông và hình tròn, ao lắng, ao xử lý nước thải, công trình lấy nước theo từng điều kiện vùng miền và nhà lưới cho ao tròn và ao vuông đảm bảo an toàn sinh học

- Hoàn thiện phương pháp lấy nước biển ven bờ để phù hợp với điều kiện nước biển từng vùng và quá trình nuôi tôm: Khai thác nước biển ven bờ bằng đường ống lấy nước đặt nằm ngang, thi công bằng cách đào hở, sau đó thả ống lọc và lấp lại, một đầu ống lọc cặp mép nước biển, đầu kia nối với máy bơm, bơm và Sato đặt trên cao. Phương pháp này có thể áp dụng cho toàn bộ khu vực miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận

- Tần suất và lượng nước lấy: với 20 ha nuôi tôm thẻ chân trắng: (i) giai đoạn vệ sinh ao bơm 24/lần, 6ngày/lần, bơm 3 lần; (ii) giai đoạn cấp nước đầu vụ: bơm 24h/lần, 1 ngày/lần, bơm 9 lần vào thời điểm con nước lớn trong ngày. (iii) Giai đoạn đầu quá trình nuôi: bơm 7h/lần, 3 ngày/lần, bơm 10 lần vào thời điểm con nước lớn trong ngày; (iv) các giai đoạn còn lại bơm 7h/lần, 2 ngày/lần, bơm 14 lần vào thời điểm con nước lớn trong ngày.

- Tối ưu chế độ cho ăn trong quá trình nuôi tôm: (i) cho ăn bằng tay 6 lần/ngày cho hiệu quả sử dụng thức ăn tốt hơn cho ăn bằng tay 4 lần/ngày. Tối ưu hoá bằng thiết bị cho ăn tự động cho hiệu quả sử dụng thức ăn là tốt hơn so với phương pháp cho ăn bằng tay.

- Trong quản lý ao nuôi: Việc sử dụng định kì chế phẩm sinh học có các thành phần chính: Nitrosomonas sp; Nitrobacter sp và nấm Saccharomyces sp với 7 ngày/lần (liều lượng 2g/m3 nước) ở tháng nuôi thứ nhất; 5 ngày/lần (liều lượng 3g/m3 nước) ở tháng nuôi thứ hai và 3 ngày/lần (liều lượng 5g/m3 nước) ở tháng nuôi thứ 3 cho hiệu quả sử dụng tốt hơn so với sử dụng liều lượng 0,5-1,0g/ m3 nước

- Trong xử lý nước thải: sử dụng chế phẩm có các thành phần chính: Bacillus sp; Lactobacillus sp; Nitrosomonas sp; Nitrobacter sp và nấm Saccharomyces sp với liều lượng 5ppm và tần suất sử dụng 7 ngày/lần trong 3 lần cho hiệu quả tốt

5.2. Xây dựng mô hình nuôi tôm trên cát

Xây dựng được 02 mô hình nuôi với diện tích 19,41ha, thời gian nuôi từ 77-81 ngày, tôm nuôi đạt kích cỡ 15,08 -16,06g/con; tỷ lệ sống đạt 88,37-89,9%, sản lượng thu hoạch 608,79 tấn và năng suất đạt 30,4-32,97 tấn/ha/vụ.

5.3. Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình công nghệ nuôi tôm trên cát sử dụng nước biển ven bờ miền Trung

Đã xây dựng các tiêu chuẩn phục vụ cho quá trình nuôi từ đầu vào đến đầu ra bao gồm:  Tiêu chuẩn kỹ thuật tôm giống, thức ăn, thuốc, hóa chất; tiêu chuẩn kỹ thuật hạ tầng, trang thiết bị; tiêu chuẩn kỹ thuật kiểm soát sức khỏe tôm nuôi.

5.4. Sản xuất thử nghiệm nuôi tôm trên cát bằng nước biển ven bờ ở miền Trung đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh

- Đã triển khai chuyển giao bên ngoài với quy mô khác nhau, sản lượng đạt 18.062 tấn, tôm đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh.

- Quy trình công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát bằng nước biển ven bờ an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh được chứng nhận là tiến bộ kỹ thuật với thời gian nuôi <90 ngày, tỷ lệ sống >85%, cỡ tôm >15g/con năng suất 30 tấn/ha/vụ (Quyết định số 496/QĐ-TCTS-KHCN&HTQT ngày 22/12/2021 của Tổng cục Thuỷ sản).

- Đào tạo, tập huấn cho 400 cán bộ kỹ thuật của các cơ sở triển khai tiếp nhận công nghệ, sản xuất thử nghiệm và tổ chức 03 Hội thảo giới thiệu mô hình tại Quảng trị, Bình Định, Phú Yên.

- Xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu có logo cho sản phẩm, chiến lược quảng bá thương hiệu và công bố chất lượng cho sản phẩm tôm thẻ chân trắng nuôi trên cát bằng nước biển ven bờ đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.

6. Thời gian thực hiện: 2018- 6/2022.

7. Kinh phí thực hiện:  49.080 triệu đồng trong đó: Kinh phí từ ngân sách nhà nước: 21.780 triệu đồng, kinh phí từ nguồn khác: 23.300 triệu đồng.

Ngọc Đức

Ý kiến bạn đọc

Tin khác