Tham dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số tỉnh thành/phố khu vực miền Trung và khu vực phía Nam, Viện nghiên cứu Hải sản, Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản - Trường đại học Nha Trang, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; các chuyên gia trong lĩnh vực khai thác, doanh nghiệp cùng ngư dân.
Để tăng hiệu quả khai thác, nâng cao giá trị gia tăng trong các sản phẩm và giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản cũng như tăng cường công tác bảo tồn nguồn lợi thủy sản đưa lĩnh vực khai thác thủy sản Việt Nam phát triển một cách bền vững, việc ứng dụng khoa học công nghệ rất cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Trong những năm qua, đội tàu khai thác thủy sản của Việt Nam đã được nâng cấp hiện đại hóa đi kèm với đó đòi hỏi các chủ tàu, ngư dân, các doanh nghiệp phải đầu tư nâng cấp ứng dụng khoa học công nghệ để phục vụ trong sản xuất, ngư lưới, cụ, thiết bị khai thác, thiết bị bảo quản sản phẩm...
Tuy nhiên, do nguồn lực cũng như trình độ, khả năng áp dụng công nghệ vào đội tàu khai thác thủy sản hiện nay còn hạn chế, đặc biệt, là đội tàu khai thác thủy sản ở vùng biển xa bờ. Nguyên nhân được cho do công nghệ còn nhiều hạn chế như công suất máy nhỏ, thiết bị lạc lậu, năng suất khai thác và công nghệ bảo quản sau khai thác thấp…số lượng tàu khai thác, đánh bắt cá trên biển nhiều, nhưng chủ yếu lại là tàu có công suất nhỏ, bảo quản sản phẩm sau khai thác còn lạc hậu như áp dụng phương pháp bảo quản bằng nước đá xay hoặc bằng phương pháp ướp muối truyền thống, cho nên, độ lạnh không đủ ở mức cần thiết cho việc duy trì và bảo quản sản phẩm dẫn đến tổn thất sau thu hoạch còn cao. Chi phí thực hiện chuyến biển cao, thời gian tham gia khai thác của chuyến biển khá dài cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao.
Trước những thực trạng trên, trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các đơn vị Viện, trường, các chuyên gia nghiên cứu, cũng như phối hợp với các nước có nhiều kinh nghiệm trong phát triển lĩnh vực thủy sản nhằm nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ trong lĩnh vực khai thác thủy sản tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành các chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực khai thác thủy sản.
Diễn đàn lần này, các vấn đề được trao đổi, thảo luận như phát triển nghề khai thác viễn dương, một số kết quả nổi bật về công nghệ trong khai thác thủy sản. Trong đó, đã có nhiều nghiên cứu khoa học công nghệ về ngư lưới, cụ, thiết bị trong khai thác, bảo quản sản phẩm thủy sản khai thác, giải pháp bảo tồn nguồn lợi thủy sản như: Giải pháp ứng dụng hệ thống tời thủy lực cho nghề lưới chụp ở vùng biển xa bờ Việt Nam; Công nghệ khai thác hải sản bằng lưới rê hỗn hợp ở vùng biển xa bờ Việt Nam; Hệ thống tời thủy lực cho nghề lưới rê tầng đáy ở Việt Nam; Thiết bị ghi nhật ký khai thác thủy sản điện tử; Ra đa hỗ trợ tránh va trên biển; Thiết bị xua đuổi cá heo (Netshield Pinger 70ADP); Công nghệ chiếu sáng LED trong ứng dụng khai thác thủy sản; Sử dụng hầm bảo quản sản phẩm trên tàu cá bằng vật liệu Polyurethane (PU); Công nghệ dùng máy đá sệt lắp trên tàu khai thác thủy sản xa bờ; công nghệ sản xuất đá lỏng từ nước biển và ứng dụng trong bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ; Công nghệ xây dựng rạn nhân tạo để bảo vệ nguồn lợi ven bờ…đã được giới thiệu đến các nhà quản lý, doanh nghiệp và ngư dân trong lĩnh vực khai thác thủy sản.
|
Tại diễn đàn, nhóm tác giả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu hải sản đã giới thiệu “Giải pháp ứng dụng hệ thống tời thủy lực cho nghề lưới chụp ở vùng biển xa bờ Việt Nam”, qua thực tế triển khai tại 07 tỉnh (gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định và Bình Thuận) với 21 tàu tham gia dự án và khoảng hơn 400 tàu ngoài mô hình (kết quả nhân rộng) kết quả cho thấy việc áp dụng hệ thống tời thủy lực cho nghề lưới chụp khai thác hải sản đã mang lại hiệu quả rõ rệt hơn so với việc sử dụng tời cơ ma sát truyền thống của ngư dân, cụ thể: Sản lượng khai thác trung bình đạt 14,79 ± 2,58 tấn/tàu/chuyến, cao hơn tàu sử dụng tời cơ ma sát truyền thống khoảng 1,15 lần; Lợi nhuận trung bình đạt 123,82 ± 38,78 tr.đ/tàu/chuyến, cao hơn tàu sử dụng tời cơ ma sát truyền thống khoảng 1,25 lần. Thu nhập của lao động trung bình đạt 13,9 tr.đ/người/chuyến, cao hơn tàu sử dụng tời cơ ma sát truyền thống khoảng 1,23 lần; Lao động: Giảm được ít nhất 02 - 03 lao động/tàu. Sức lao động của thủy thủ trên tàu và mức độ an toàn lao động trên biển: khi sử dụng hệ thống tời thủy lực thì tất cả các thao tác thu thả lưới đều sử dụng máy, điều này giảm sức lao động của thủy thủ và đảm bảo an toàn lao động hơn. Số lượng mẻ lưới: Tăng số mẻ lưới từ 2 - 3 mẻ/đêm. Tăng diện tích mặt boong thao tác, thuận tiện cho sinh hoạt và phân loại sản phẩm. Mức độ hao mòn dây giềng rút: Giảm mức độ hao mòn dây giềng rút và dây ganh hơn so với tời cơ ma sát, từ đó tăng tuổi thọ dây từ 5,1 tháng lên 9 tháng. Mô hình cơ giới hóa nghề lưới chụp hoàn toàn mới ở Việt Nam, nên việc chuyển giao thành công sẽ góp phần từng bước cơ giới hóa, hiện đại hóa đội tàu lưới chụp nói riêng và đội tàu khai thác xa bờ nói chung trong cả nước.
Cũng tại Diễn đàn, Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản - Trường đại học Nha Trang đã giới thiệu kết quả nghiên cứu sử dụng Công nghệ xây dựng rạn nhân tạo để bảo vệ nguồn lợi ven bờ, hiện nay, Rạn nhân tạo đã được xây dựng ở một số địa phương như: Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Định…Theo đánh giá của các chuyên gia, tại mũi Bàn Than xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, kết quả xây dựng Rạn nhân tạo đã đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi hải sản ven bờ; Đa dạng sinh học ở vùng biển ven bờ tăng theo thời gian, càng lâu, mức độ đa dạng sinh học càng cao; Số lượng loài bắt gặp từ từ 44 lên 77 loài sau 9 tháng xây dựng rạn nhân tạo tại mũi Bàn Than xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh đó, một số loài có giá trị kinh tế cao (tôm hùm, cá mú) đã xuất hiện sau 6 tháng. Ngoài ra, đa dạng sinh học không chỉ tăng ở vùng xây dựng rạn mà còn tăng ở các khu vực lân cận.
Ngoài ra, nhiều công nghệ phục vụ trong lĩnh vực khai thác thủy sản đã được giới thiệu tại diễn đàn giúp nhà quản lý, chủ tàu, các doanh nghiệp, ngư dân nắm được những công nghệ mới trong lĩnh vực khai thác. Qua đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đưa ngành thủy sản phát triển có hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản cũng giới thiệu Đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước giai đoạn từ nay đến năm 2025. Mục tiêu giúp doanh nghiệp và ngư dân khai thác hải sản hợp pháp, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp, qua đó nhằm tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC. Theo đó, năm 2020, sẽ thí điểm ở 3 tỉnh Quảng Ngãi, Tiền Giang và Bà Rịa Vũng Tàu về hợp tác khai thác hải sản với Brunei, Papua Guinea và Micronesia. Và những năm tiếp theo, sẽ mở rộng thêm các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre và Kiên Giang khai thác hải sản sang một số quốc gia và vùng biển quốc tế khác.
Văn Thọ