Việt Nam kiên quyết xử lý mạnh các hành vi khai thác thủy sản trái phép (23-10-2024)

Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP nêu rõ: Khai thác thủy sản trái phép là thực hiện một hoặc nhiều hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Thủy sản 2017. 
Việt Nam kiên quyết xử lý mạnh các hành vi khai thác thủy sản trái phép
Ảnh minh họa

14 hành vi khai thác thủy sản trái phép: (1) Khai thác thủy sản không có giấy phép; (2) Khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm; (3) Khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; (4) Khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam; (5) Khai thác thủy sản vượt sản lượng theo loài, khai thác sai vùng, quá hạn ghi trong giấy phép; (6) Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; (7) Ngăn cản, chống đối người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; (8) Chuyển tải hoặc hỗ trợ cho tàu đã được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng; (9) Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định; (10) Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; (11) Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp; (12) Không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, không báo cáo theo quy định; (13) Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực; (14) Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.

Thẩm quyền quản lý vùng khai thác thủy sản tại Việt Nam

Theo Điều 48 Luật Thủy sản 2017: Chính phủ quy định vùng biển khai thác thủy sản bao gồm vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi; hoạt động của tàu cá trên các vùng biển. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý khai thác thủy sản tại vùng khơi. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý khai thác thủy sản tại vùng ven bờ, vùng lộng và khai thác thủy sản nội địa trên địa bàn.

Điều 7 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự người nước ngoài về hành vi đưa tàu cá khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển Việt Nam như sau: Người nước ngoài sử dụng tàu cá đi vào vùng biển Việt Nam để khai thác thủy sản mà không làm thủ tục nhập cảnh theo quy định thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về nhập cảnh quy định tại Điều 347 Bộ luật Hình sự.

Trường hợp người nước ngoài sử dụng tàu cá đi vào vùng biển Việt Nam hợp pháp nhưng khai thác thủy sản trái phép hoặc có hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng quy định tại Bộ luật Hình sự và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Truy cứu hình sự các hành vi khai thác thủy sản trái phép

08 hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau: (1) Khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài; (2) Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam; (3) Khai thác thủy sản vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; (4) Khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; (5) Người nước ngoài đưa tàu cá đánh bắt trái phép tại vùng biển Việt Nam; (6) Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá nhằm khai thác thủy sản trái phép; (7) Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản; (8) Buôn lậu, vận chuyển trái phép thủy sản, dùng thủ đoạn gian dối mua, bán thủy sản.

Theo Báo Chính phủ, 10 tỉnh, thành phố phía Nam (gồm: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh) hiện có trên 33.000 tàu cá, trong đó khoảng 13.760 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên hoạt động vùng khơi. Do đó, công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) tại đây có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong nỗ lực chung nhằm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" IUU.

Mới đây, 10 tỉnh, thành phố này đã tổ chức Hội nghị sơ kết một năm thực hiện “Kế hoạch phối hợp số 211” (được ký vào ngày 15/9/2023 giữa Công an 10 tỉnh, thành) nhằm tăng cường đấu tranh với các đối tượng tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép để khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Sau hơn 1 năm thực hiện, đến nay, công tác đấu tranh, xử lý các vụ việc vi phạm, sai phạm trong lĩnh vực thủy sản của 10 tỉnh, thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực. Đã điều tra, khởi tố 12 vụ, 19 đối tượng vi phạm các quy định về chống khai thác IUU. Đồng thời, đang tiếp tục khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ hàng loạt các vụ án, vụ việc khác để đưa ra truy tố, xét xử.

Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP đã có những hướng dẫn rất cụ thể, tạo thuận lợi rất lớn đối với công tác xử lý các vụ việc vi phạm liên quan đến IUU. Các hành vi đưa tàu đi đánh bắt ở vùng biển nước ngoài và ngắt kết nối hành trình đều có thể xử lý hình sự. Nhờ đó, việc chấp hành các quy định về chống khai thác hải sản IUU có chuyển biến tích cực, công tác quản lý nghề cá, đội tàu được thực hiện chặt chẽ, đa số ngư dân tuân thủ các quy định về chống khai thác hải sản IUU.

Yêu cầu đặt ra là, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an với các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng để quản lý chặt chẽ số tàu cá, ngư dân có nguy cơ cao vi phạm chống khai thác IUU; tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân bằng nhiều hình thức cụ thể. Quyết tâm cùng với cả hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC, vì một nghề cá bền vững, có trách nhiệm.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác