Thực trạng và giải pháp tái cấu trúc nghề khai thác thủy sản tỉnh Kiên Giang (14-02-2023)

Để đánh giá thực trạng nghề khai thác thủy sản từ đó đưa ra các giải pháp tái cấu trúc lại nghề KTTS, giải quyết những hạn chế còn tồn khắc phục thực trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững, tỉnh Kiên Giang đã giao Phân viện Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản phía Nam triển khai thực hiện Đề án "Khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp tái cấu trúc nghề khai thác thủy sản tỉnh Kiên Giang".
Thực trạng và giải pháp tái cấu trúc nghề khai thác thủy sản tỉnh Kiên Giang
Ảnh minh họa

Kiên Giang là một trong những tỉnh có nghề khai thác thủy sản (KTTS) khá phát triển, có đội tàu KTTS lớn nhất cả nước với 9.1936 tàu cá, trong đó tàu có chiều dài 15m chiếm 35% tổng số tàu (năm 2021). Hoạt động KTTS góp phần không nhỏ trong tăng trưởng GDP và giải quyết lượng lớn lao động của tỉnh. Tuy nhiên trong những năm gần đây nghề KTTS đang gặp phải một số khó khăn.

Tình trạng tàu cá vi phạm ngư trường khai thác vẫn còn tồn tại, tàu cá của tỉnh bị bắt giữ, xử phạt ở nước ngoài còn nhiều gây thiệt hại về người và của, làm giảm hiệu quả sản xuất và giảm uy tín nghề cá tỉnh Kiên Giang cũng như cả nước đối với các nước nhập khẩu mặt hàng thủy sản Việt Nam. Đây cũng là vấn đề nan giải trong việc tháo gỡ thẻ vàng cho nghề cá nước ta về việc đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU).

Nguồn lợi thủy sản tại vùng biển tỉnh Kiên Giang đang có nguy cơ cạn kiệt do các tàu hoạt động nghề cấm còn tồn tại, tàu có chiều dài dưới 15m còn nhiều, chủ yếu tập trung khai thác khu vực gần bờ, tác động lớn đến nguồn lợi ven bờ. Với các nghề mang tính hủy diệt, ngư cụ có tính chọn lọc thấp, làm tàn phá môi trường đáy biển, ảnh hưởng đến các bãi đẻ, nơi cư trú của động, thực vật thủy sinh. Việc sử dụng mắt lưới có kích thước nhỏ hơn quy định cũng là nguyên nhân làm suy giảm nguồn lợi thủy sản.

Cơ sở hạ tầng, các dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh chưa phát triển; toàn tỉnh mới có 2 cảng cá đủ điều kiện để truy xuất nguồn gốc thủy sản (cảng Tắc Cậu và An Thới) các cảng chưa đáp ứng đủ nhu cầu neo đậu, cơ sở hạ tầng cảng xuống cấp, dịch vụ hậu cần mang tính nhỏ lẻ.

Công tác quản lý hoạt động KTTS của tỉnh còn một số khó khăn, nguồn nhân lực còn hạn chế trong khi quy mô nghề KTTS lớn dẫn đến chưa kiểm soát được hết, việc chuyển giao công nghệ, áp dụng các thiết bị tiên tiến trong nghề cá tại tỉnh chưa được phát triển phổ biến…

Xuất phát từ những thực tế trên, để đánh giá thực trạng nghề khai thác thủy sản từ đó đưa ra các giải pháp tái cấu trúc lại nghề KTTS, giải quyết những hạn chế còn tồn tại, khắc phục thực trạng tàu cá vi phạm ngư trường khai thác nước ngoài, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững; tỉnh Kiên Giang đã giao Phân viện Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản phía Nam triển khai thực hiện Đề án "Khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp tái cấu trúc nghề khai thác thủy sản tỉnh Kiên Giang".

Theo đó, để có căn cứ đưa ra những phân tích, đánh giá và định hướng đơn vị thực hiện đề án đã tập trung đánh giá về điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội liên quan đến phát triển thủy sản; phân tích đánh giá về điều kiện tự nhiên và môi trường; các điều kiện kinh tế xã hội giai đoạn 2016 – 2021. Đặc biệt, đánh giá chung điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội liên quan đến phát triển nghề KTTS.

Qua phân tích đánh giá, Đề án đã đưa ra kết quả tổng quan về ngành khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang về: số lượng hộ dân, cơ cấu nghề và tàu thuyền; thực trạng ngư cụ phục vụ khai thác thủy sản; Thực trạng lao động tham gia khai thác thủy sản; Tổ chức sản xuất và bảo quản sản phẩm, mùa vụ và thời gian khai thác; Thực trạng sản lượng thủy sản khai thác; thực trạng cơ sở hạ tầng khai thác thủy sản; thực trạng nguồn lợi thủy sản; thực trạng cường lực và sản lượng khai thác; tình trạng vi phạm quy định về tàu cá;...Ngoài ra, kết quả của đề án đã đánh giá về thực trạng công tác quản lý nghề KTTS của tỉnh Kiên Giang. Mặt khác, Đề án cũng đã phân tích những thuận lợi khó khăn cũng như phân tích dựa trên mô hình SWOT của ngành KTTS tỉnh Kiên Giang.

Với lợi thế bờ biển dài và diện tích biển lớn, tỉnh có thế mạnh và tiềm năng rất phong phú để phát triển kinh tế biển, với đội tài KTTS lớn nhất cả nước với 9.1936 tàu cá trong đó tàu có chiều dài 15m chiếm 35% tổng số tàu (năm 2021) tạo tiền đề cho định hướng phát triển nghề KTTS xa bờ của tỉnh. Bên cạnh những thuận lợi thì nghề KTTS của tỉnh Kiên Giang còn tồn tại không ít khó khăn.

Cán bộ thực hiện công tác quản lý còn nhiều hạn chế cả về chuyên môn lẫn nguồn lực, không đủ đáp ứng được khối lượng công việc. Khi thực thi hoạt động quản lý gặp khó khăn trong việc triển khai các quy định pháp luật, chính sách, quy chế còn bất cập, hiệu quả chưa cao, thiếu chế tài xử lý nhất là những hành vi vi phạm hoạt động khai thác ngoài vi phạm IUU. Công tác phối hợp liên ngành để thực thi các nhiệm vụ, kiểm tra giám sát hoạt động KTTS và phối hợp giữa các cơ quan ban ngành còn hạn chế, do thiếu kinh phí, nhân lực.

Nhìn chung số lượng tàu thuyền khai thác ven bờ có xu hướng giảm và lượng tàu khai thác xa bờ dần tăng tuy nhiên qua kết quả đánh giá NLTS đang dần suy yếu vì vậy cần có lộ trình cắt giảm tàu KTTS phù hợp.

Nguồn lao động phục vụ hoạt động KTTS của tỉnh ngày càng khan hiếm, trình độ học vấn không cao cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong việc triển khai các quy định, chính sách của nhà nước đến ngư dân, hạn chế khả năng tiếp cận của người dân trong việc áp dụng các công nghệ hiện đại vào KTTS. Nhiều ngư dân thiếu nguồn vốn phục vụ cho hoạt động khai thác.

Phương tiện đánh bắt xuống cấp chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu KTTS, công nghệ bảo quản sử dụng các phương pháp bảo quản đơn giản dẫn đến giá trị của sản phẩm khai thác không cao.

Các cảng cá, khu neo đậu chỉ đáp ứng tương đối nhu cầu neo đậu của các tàu thuyền, các cảng cá đã xuống cấp. Khâu bảo quản sản phẩm sau thu hoạch tại cảng còn sơ sài chủ yếu sử dụng công nghệ ướp đá, các hầm chứa không đủ để đáp ứng nhu cầu bảo quản.

03 nhóm lĩnh vực cần tái cấu trúc

Từ những kết quả phân tích các vấn đề trong nghề khai thác thủy sản và qua kết quả khảo sát cán bộ quản lý nghề khai thác thủy sản tỉnh Kiên Giang, đơn vị thực hiện đề án đã đề xuất 03 lĩnh vực ngành KTTS tỉnh Kiên Giang cần tái cấu trúc là : (1) công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy sản; (2) công tác thực thi và (3) là tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng trong nghề KTTS.

Trong đó công tác thực thi pháp luật liên quan đến thủy sản là khâu quan trọng nhất, cần được chú trọng đầu tiên. Bởi công tác thực thi như đường chuyền vận hành mọi hoạt động trong nghề khai thác thủy sản của tỉnh, từ thực thi công tác quản lý đến triển khai các hoạt động đánh bắt, bảo vệ nguồn lợi trong khai thác thủy sản và thực hiện các hoạt động, dịch vụ hậu cần.

Đối với công tác quản lý là một trong những yếu tố quan trọng cần được tái cấu trúc sau công tác thực thi. Để hoạt động thực thi diễn ra hiệu quả và có tính bền vững thì công tác quản lý phải chặt chẽ từ việc phân bổ cơ cấu tổ chức ở các cấp quản lý đến sắp xếp nhân sự phù hợp với từng vị trí, phân rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bên liên quan. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ quản lý đồng thời phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các cấp nhằm kịp thời tiếp nhận triển khai các quy định, chính sách từ cấp trên, phối hợp giữa các lĩnh vực liên quan để thực hiện các nhiệm vụ. Để công tác quản lý đạt hiệu quả cần phải có những giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế còn tồn tại và phát huy những lợi thế sẵn có.

Cơ sở hạ tầng trong nghề KTTS cũng là một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu trong việc phát triển nghề khai thác thuỷ sản của tỉnh, việc chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các dịch vụ hậu cần trong khai thác là cần thiết trong định hướng phát triển hoạt động khai thác thủy sản của tỉnh theo hướng xa bờ với đội tàu khai thác lớn. Vì vậy để hoạt động khai thác thủy sản tỉnh Kiên Giang hiệu quả và mang tính bền vững cần phải có những giải pháp cụ thể, phù hợp với từng khâu cần tái cấu trúc.

Giải pháp để tái cấu trúc ngành khai thác thủy sản

Tương ứng với 03 nhóm lĩnh vực cần tái cấu trúc của ngành KTTS tỉnh Kiên Giang mà đơn vị thực hiện đề án đề ra, đơn vị thực hiện cũng đưa ra nhóm giải pháp để thực hiện tái cấu trúc, cụ thể:  Giải pháp sử dụng ngư cụ, cường lực khai thác thủy sản; Giải pháp tuyên truyền, vận động; Giải pháp về vốn hỗ trợ vốn, đầu tư phát triển ngành khai thác thủy sản; Giải pháp đào tạo nâng cao chuyên môn cho cán bộ quản lý và ngư dân; Giải pháp trong công tác khuyến ngư; Giải pháp tái tạo nguồn lợi; Tập trung kiện toàn các cơ quan, tổ chức thuộc đảm bảo có đủ nguồn nhân lực để triển khai các hoạt động trong công tác quản lý nghề KTTS của tỉnh; Xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề; Phát triển cơ sở hạ tầng; Dịch vụ hậu cần trong nghề KTTS...

Để thực hiện những giải pháp trên, UBND tỉnh Kiên Giang cần sớm đề xuất lên Bộ NN&PTNT sớm bố trí nguồn vốn để hoàn thành các dự án đầu tư phục vụ cho KTTS, đặc biệt là các dự án liên quan đến dịch vụ hậu cần cảng cá, bến cá, khu neo tránh trú bão cho tàu cá nằm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Đối với những cảng cá không thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh cần kiến nghị đề xuất lên Trung ương.

UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT quan tâm hơn công tác khuyến ngư trong khai thác thủy sản đối với tỉnh Kiên Giang, cung cấp tài liệu và mô hình khuyến ngư để triển khai cho dân. Hỗ trợ về kinh phí thực hiện các chương trình khuyến ngư, mô hình thí điểm trong hoạt động KTTS tại tỉnh.

Các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn với thời hạn phù hợp với chu kỳ sản xuất và được hưởng các chế độ ưu đãi theo các quy định hiện hành.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác