Khai thác thủy sản không có Giấy phép bị phạt tới 100 triệu đồng (17-04-2024)

Nghị định 38/2024/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ quy định hành vi khai thác thủy sản không có Giấy phép bị phạt tới 100 triệu đồng và có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá. Cụ thể như sau:
Khai thác thủy sản không có Giấy phép bị phạt tới 100 triệu đồng
Ảnh minh họa

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không mang bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy phép khai thác thủy sản khi tàu cá hoạt động khai thác thủy sản; Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m đến dưới 12m khai thác thủy sản không đúng nghề ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản; Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m đến dưới 12m khai thác thủy sản trong nội địa mà không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn.

Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m đến dưới 12m khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam mà không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn; Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m khai thác thủy sản không đúng nghề ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản; Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên khai thác thủy sản trong nội địa mà không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn.

Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m khai thác thủy sản trong nội địa và trong vùng biển Việt Nam mà không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn; Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên khai thác thủy sản không đúng nghề ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản. Đặc biệt lưu ý: Các hành vi này nếu tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần sẽ bị phạt tiền từ 60-100 triệu đồng.

Ngoài ra, tùy theo mức vi phạm, sẽ áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu thủy sản khai thác; Tịch thu ngư cụ hoặc tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá... Tất cả các mức phạt tiền nêu trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

XỬ LÝ NGHIÊM CÁC HÀNH VI VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG

Phạt tiền từ 300-500 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét khai thác thủy sản trên biển không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn; Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên để thăm dò, tìm kiếm, dẫn dụ, vận chuyển thủy sản, sản phẩm thủy sản cho tàu cá không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thuỷ sản hết hạn...

Phạt tiền từ 500-700 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét khai thác thủy sản trên biển không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần; Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên để chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản từ tàu cá không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản hết hạn…

Phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với một trong các hành vi như: Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên khai thác thủy sản trên biển không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn; Khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực mà không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản hết hạn hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn; Sử dụng tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam mà không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản hết hạn…

Ngoài ra, tùy theo mức vi phạm, sẽ áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu thủy sản khai thác; Tịch thu tàu cá; Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá; Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản. Về biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chủ tàu cá chi trả kinh phí đưa công dân Việt Nam bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ, xử lý về nước đối với hành vi vi phạm quy định.

Liên quan đến Giấy phép khai thác thủy sản thì Điều 24 Nghị định 38 cũng quy định việc xử lý hành vi vi phạm quy định về chuyển tải thủy sản (hoặc hỗ trợ cho tàu cá khai thác bất hợp pháp). Cụ thể như sau:

Phạt tiền đối với hành vi thăm dò, tìm kiếm, dẫn dụ nguồn lợi thủy sản, chuyển tải hoặc vận chuyển thủy sản từ tàu cá không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản hết hạn hoặc không có thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động hoặc không duy trì việc truyền thông tin từ thiết bị giám sát hành trình tàu cá về hệ thống giám sát tàu cá hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá theo quy định khi hoạt động theo các mức phạt sau: Phạt tiền từ 50-60 triệu đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoặc phương tiện thủy khác; Phạt tiền từ 60-70 triệu đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét; Phạt tiền từ 70-80 triệu đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét. Về hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu thủy sản khai thác bất hợp pháp; Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá.

Nghị định 38/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 5 năm 2024; thay thế Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. 

Có hai quy định chuyển tiếp như sau: (i) Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản xảy ra trước khi Nghị định 38 có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết mà Nghị định 38 không quy định trách nhiệm pháp lý (hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn) thì áp dụng quy định của Nghị định 38. (ii) Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định 38 có hiệu lực thi hành mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định 42 để giải quyết.

Thông tin chi tiết: Xem tại https://tongcucthuysan.gov.vn

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác