Đốc thúc công tác chống khai thác IUU tại Bình Định (15-03-2024)

Chiều 14/3, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã về kiểm tra công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của tỉnh Bình Định.
Đốc thúc công tác chống khai thác IUU tại Bình Định
Ảnh minh họa

Bình Định không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh; lãnh đạo thị xã Hoài Nhơn. Báo cáo với đoàn công tác Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, đặc biệt là sau đợt kiểm tra lần thứ 4 của Đoàn Thanh tra Châu Âu (EC) vào tháng 10/2023 vừa qua, tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện quyết liệt các các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, ý kiến kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU.

UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện rà soát danh sách tàu cá đăng ký trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép khai thác thủy sản, xóa đăng ký tàu cá theo quy định. Tỉnh đã triển khai các biện pháp mạnh không để tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Chỉ đạo tổ chức xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là tàu cá ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT).

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, đến ngày 30/9/2023, tỉnh Bình Định có 5.360 tàu cá đăng ký, trong đó số tàu cá chưa cấp giấy phép giảm còn 558 tàu (chiếm 10,41%, giảm hơn 5,59%). Hiện có 3.221/3.244 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đã được trang bị TBGSHT chiếm 99,29%, còn lại 23 tàu cá bị hư hỏng, nằm bờ, không hoạt động sản xuất nên chưa lắp TBGSHT. Đã thực hiện xóa đăng ký đối với 468 tàu cá không đạt yêu cầu. Tỉnh Bình Định đã không còn để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Kiểm soát chặt các tàu cá trên địa bàn

Đoàn Thanh tra EC kiểm tra lần thứ 4 đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế tại tỉnh, Bình Định đã tập trung khắc phục; trong đó, tỉnh chú trọng việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là tàu cá ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình. Từ tháng 10/2023 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện và cảnh báo 9 lượt tàu vượt ranh giới, 321 tàu mất kết nối trên sáu giờ. Lực lượng chức năng cũng xử lý 7 trường hợp mất kết nối trên 10 ngày.

Công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng cá đang tập trung thực hiện. Từ đầu năm 2024 đến nay đã kiểm tra chặt chẽ 221/940 lượt tàu rời cảng, 231/838 lượt tàu cập cảng, đảm bảo đạt yêu cầu về số lượt kiểm tra theo quy định.

Công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định, 100% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại cảng cá đều được giám sát và truy xuất nguồn gốc, đảm bảo về nhật ký khai thác, dữ liệu giám sát hành trình, sản lượng và thành phần loài phù hợp với nghề khai thác. Từ đầu năm 2024 đến nay đã xác nhận cho 67 hồ sơ cho 1708 tấn, chứng nhận 118 hồ sơ cho 1.442 tấn cá các loại; đảm bảo đúng quy trình, không có lô hàng nào được chứng nhận bị trả về.

Qua kiểm tra rà soát, Bình Định nhận diện được 455 tàu cá thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam hàng năm không về địa phương; trong đó, có 375 tàu cá thường xuyên hoạt động, 72 tàu cá đã bán ra ngoài tỉnh nhưng chủ tàu chưa làm thủ tục sang tên, 8 tàu cá chủ tàu chuyển nơi cư trú ra khỏi tỉnh.

Bình định đã ký kết quy chế phối hợp quản lý tàu cá với một số tỉnh phía Nam; ký quy chế phối hợp quản lý tàu cá chung với 10 tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa. Ngoài ra, Bình Định đã tổ chức 8 đoàn công tác liên ngành tới làm việc với các tỉnh phía Nam để phối hợp quản lý tàu cá của tỉnh. Đoàn công tác trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền, vận động ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài đối với hơn 350 chủ tàu cá, thuyền trưởng; tiến hành kiểm tra bất thường về an toàn kỹ thuật và điều kiện tàu cá hoạt động đánh bắt thủy sản đối với 142 tàu cá, đề nghị lực lượng chức năng tỉnh bạn không làm thủ tục xuất bến đi đánh bắt thủy sản đối với 18 tàu cá không đảm bảo an toàn kỹ thuật.

Xử lý nghiêm các vi phạm, cùng cả nước gỡ thẻ vàng

Sau khi nghe UBND tỉnh Bình Định báo cáo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến rất mừng khi tỉnh này được Thủ tướng Chính phủ biểu dương về những việc đã làm được trong công tác chống khai thác IUU. Tuy nhiên, Thứ trưởng Tiến nhắc nhở Bình Định cần phải khẩn trương khắc phục những tồn tại như đã nêu ở trên. Đặc biệt là công tác xử lý vi phạm hành chính những tàu cá vi phạm, phải xử lý nghiêm với mức phạt tối đa, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

“Đối với quy trình truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt, việc này phải dựa trên nhật ký khai thác và nhật ký khai thác mà nhập bằng container, nhật ký của chúng ta vẫn chưa chặt chẽ, chưa sát. Bình Định phải quán triệt ngư dân phải tuân thủ việc ghi chép nhật ký hành trình, không thể thực hiện theo kiểu “hồi ký” để đối phó, phải làm chuẩn mực. Khi đoàn Thanh tra EC sang đây kiểm tra là họ đã có hồ sơ đầy đủ, mình không thể cãi chày cãi cối với họ được. Hôm nay kiểm tra Bình Định, báo cáo đã thể hiện được nhận định, nhận thức và sát hơn với thực tiễn so với ngày trước. Bình Định là một tỉnh làm tốt, chúng tôi cũng hy vọng Bình Định trở thành tỉnh mẫu cho 27 tỉnh thành làm theo”, Thứ trưởng Tiến nhắc nhở.

Dự kiến tháng 6/2024, Đoàn Thanh tra của EC sẽ thanh tra lần thứ 5 và đây là cơ hội quyết định để Việt Nam gỡ "thẻ vàng" khai thác thủy sản. Lần này Việt Nam chưa gỡ được “thẻ vàng” IUU là kể như mất cơ hội. Trong lần kiểm tra vào tháng 10/2023, EC rất quan ngại đối với vấn đề kiểm soát tàu cá, đặc biệt là tàu cá "3 không" (không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép); đề nghị địa phương cần có giải pháp quản lý chặt chẽ 1.587 tàu này, từng vị trí, từng địa điểm. Việt Nam cần phải tiếp tục khắc phục theo các khuyến nghị của EC, không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; không để tàu mất kết nối 10 ngày; không để tàu "3 không"...

Tiếp thu ý kiến của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Phó Chủ tịch Nguyễn Tuấn Thanh tiếp thu các vấn đề tồn tại của tỉnh trong công tác chống khai thác vi phạm IUU mà đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã chỉ ra. Ông Nguyễn Tuấn Thanh cam kết sẽ chỉ đạo cho Sở NN&PTNT Bình Định, cơ quan thường trực phải tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp khắc phục những tồn tại, nhất là vấn đề giám sát tàu cá ra vào bến, giám sát sản lượng, giám sát hành trình, tàu mất kết nối, xác định nguồn gốc thủy sản, xử lý tàu cá vi phạm chưa thực hiện nghiêm.

Tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Kiểm ngư tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tàu cá hoạt động sai vùng, sai tuyến và tại các vùng biển giáp ranh với các nước trong khu vực để kịp thời bảo vệ, ngăn chặn và xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước. Đồng thời, sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT để địa phương giải quyết, xử lý dứt điểm tàu cá chưa đăng ký trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, tỉnh Bình Định tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt các các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU như tổ chức tốt công tác quản lý đội tàu; tập trung nguồn lực đảm bảo ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân địa phương vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; gắn trách nhiệm người đứng đầu các cấp với kết quả thực hiện chống khai thác IUU; nghiêm túc tổ chức kiểm điểm những tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm tại đơn vị, địa phương…

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác