Ninh Thuận: Ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC (04-05-2023)

Đó là một trong những mục tiêu được đưa ra tại Kế hoạch số 1314/KH-UBND của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đến năm 2025.
Ninh Thuận: Ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC
Ảnh minh họa

 Kế hoạch đề ra các mục tiêu: Hoàn thành 100% việc đánh dấu tàu cá và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động thủy sản; 100% tàu cá tỉnh Ninh Thuận có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên trước khi rời cảng đi khai thác trên biển phải được kiểm tra đảm bảo đầy đủ các giấy tờ và trang thiết bị theo quy định và khi hoạt động khai thác thủy sản (KTTS) phải được theo dõi, giám sát qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá, được thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng.

Ngoài ra, 100% sản lượng thủy sản từ khai thác trong nước khi bốc dỡ qua cảng cá phải được kiểm tra, giám sát theo quy định; ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng tàu cá, ngư dân tỉnh Ninh Thuận vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và không để tái diễn ở các năm tiếp theo,..

Để phấn đấu thực hiện được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Ninh Thuận tập trung triển khai đợt cao điểm chống khai thác IUU, trong đó tăng cường triển khai quyết liệt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến tháng 5 năm 2023:

Thứ nhất: Thực hiện cao điểm chiến dịch thông tin truyền thông về chống khai thác IUU bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng; trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thủy sản nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân, nhất là chủ tàu cá, thuyền trưởng tàu cá, thuyền viên, ngư dân.

Thứ hai: Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật về thủy sản, quy định về chống khai thác IUU; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC.

Thứ ba: Tăng cường công tác quản lý tàu cá: rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép KTTS, chứng nhận an toàn thực phẩm, lắp đặt thiết bị VMS theo quy định; hoàn thành việc cập nhật 100% thông tin đăng ký, đăng kiểm, cấp phép cho tàu cá của tỉnh vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).

Đồng thời, lập danh sách tàu cá từ 15 mét trở lên chưa lắp đặt thiết VMS. Có ảnh vị trí cụ thể, đảm bảo các tàu cá từ 15 mét trở chưa lắp đặt thiết bị VMS không tham gia hoạt động thủy sản trên biển; lập danh sách các tàu cá không tham gia KTTS và các tàu nguy cơ cao vi phạm IUU, thông báo đến địa phương và các cơ quan chức năng, cùng tổ chức theo dõi quản lý.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại trạm/đồn biên phòng tuyến biển; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 24/7 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá,..

Thứ tư: Thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo đúng hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác; kiểm soát 100% thông tin liên quan của tàu cá tỉnh khác cập cảng làm xác nhận nhưng thực hiện chứng nhận tại tỉnh khác.

Tổ chức giám sát toàn bộ sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại các cảng cá, đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên cập cảng chỉ định bốc dỡ sản phẩm qua cảng; thuyền trưởng phải thông báo trước 01 giờ khi cập cảng và thực hiện ghi, nộp nhật ký khai thác theo quy định; kiểm tra, đối chiếu thông tin trong nhật ký khai thác đảm bảo phù hợp với dữ liệu giám sát tàu cá,..

Thứ năm: Mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU theo quy định, đặc biệt là các trường hợp tàu cá hoạt động nhưng cố tình không lắp đặt hoặc lắp đặt nhưng không duy trì kết nối thiết bị VMS, vi phạm vùng biển nước ngoài; Đồng thời, lập danh sách, khoanh vùng đối tượng, nắm chắc địa bàn để theo dõi, quản lý chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá có biểu hiện nghi vấn tổ chức đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh để tuyên truyền, răn đe, giáo dục.

Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng để đảm bảo thực hiện triệt để, đồng bộ, thống nhất trong công tác điều tra, xử lý các hành vi khai thác IUU theo quy định; cập nhật 100% kết quả xử phạt hành vi khai thác IUU vào hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Thứ sáu: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác IUU đối với các tổ chức, đơn vị đã được phân công nhiệm vụ; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Còn về lâu dài, đến năm 2025, tỉnh cũng sẽ tập trung 07 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chính: (1) Về thông tin truyền thông, tuyên truyền; (2) Cơ chế, chính sách; (3) Đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá và kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị tại cảng cá; (4) Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển của lực lượng kiểm ngư và các lực lượng chức năng khác có liên quan; (5) Quản lý đội tàu, cường lực khai thác, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá: (6) Thực thi pháp luật, xử lý các hành vi khai thác IUU; (7) Truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản.

 Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác