Phú Yên hướng tới mục tiêu khai thác hợp lý tiềm năng kinh tế biển (20-06-2022)

Trung tuần tháng 6/2022, tại buổi làm việc với tỉnh Phú Yên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã lưu ý Phú Yên nên quan tâm một số tiềm năng, lợi thế về biển, phát triển hài hòa giữa các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Phú Yên hướng tới mục tiêu khai thác hợp lý tiềm năng kinh tế biển
Ảnh minh họa

Phú Yên là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển. Sau khi đi khảo sát và chứng kiến các hoạt động tại Cảng Vũng Rô; công tác chuẩn đầu tư xây dựng Cảng Bãi Gốc; hoạt động của Khu Công nghiệp Hoà Hiệp; hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng… cho thấy, Phú Yên đã rất nỗ lực, tích cực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và đang đi đúng hướng. Tại buổi làm việc, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh là chủ trương nhất quán trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là những năm gần đây, nhiệm vụ phấn đấu để nước ta trở thành quốc gia “mạnh về biển, giàu về biển”.

Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, trước những yêu cầu đặt ra đối với việc tiếp tục thực hiện “Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đòi hỏi Phú Yên phải có những đột phá trong thời gian tới. Ông mong muốn các Bộ, ngành, đặc biệt là Tỉnh Phú Yên phân tích, đánh giá về những khó khăn, tồn tại, hạn chế; nguyên nhân khách quan, chủ quan, kể cả nhận thức để phát triển kinh tế biển; đặt phát triển kinh tế biển trong bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay; trong liên kết phát triển vùng; trong biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường biển; thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hóa về biển đảo; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế…

Kết qu sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW

Là tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế biển, do vậy, Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, theo đó phấn đấu đưa Phú Yên thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển; Chương trình hành động của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030; Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên… Qua gần 04 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Phú Yên có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là vùng ven biển và các ngành kinh tế biển, kinh tế gắn liền với biển.

Tỉnh Phú Yên đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, các chương trình hành động và kế hoạch thực hiện nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển; tập trung rà soát, thống nhất, tích hợp toàn bộ quy hoạch ngành vào quy hoạch tỉnh, trong đó chú ý về quy hoạch các địa phương ven biển, định hướng liên kết phát triển kinh tế liên vùng, liên tỉnh; từng bước củng cố và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hiện đại hóa các ngành kinh tế biển quan trọng đột phá như ngành Thủy sản, Du lịch, Vận tải biển, Năng lượng… đặc biệt là Khu kinh tế trọng điểm Nam Phú Yên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW cũng còn không ít tồn tại, hạn chế.

Việc triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Việc triển khai rà soát, tích hợp quy hoạch tỉnh còn chậm nên khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư. Cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển đảo chưa đầy đủ, thiếu thông tin cần thiết để phục vụ cho lập Kế hoạch sử dụng không gian biển, Kế hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường vùng bờ; các ngành kinh tế biển quan trọng, đột phá, công nghiệp ven biển, khu kinh tế của tỉnh khai thác kém hiệu quả, chưa xứng tầm với tiềm năng hiện có.

Giải pháp đột phá trong thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nêu những thuận lợi của tỉnh Phú Yên trong việc đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản trong những năm qua nhưng tỉnh còn yếu trong khâu chế biến nên Thứ trưởng đã đề nghị tỉnh Phú Yên chú ý đẩy mạnh chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản. Lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng, so với các tỉnh, thành khác, Phú Yên có nhiều tiềm năng, tài nguyên để phát triển (hệ sinh thái biển thể hiện đặc trưng của Phú Yên) nhưng Phú Yên còn chưa thực sự phát huy được hết. Thứ trưởng Bộ Công Thương đặt vấn đề việc Phú Yên nên nghiên cứu đưa lĩnh vực phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo lên vị trí quan trọng hơn như hiện nay mới phù hợp với tiềm năng của Phú Yên cũng như xu thế hiện nay…

Phát biểu kết luận, ông Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự vào cuộc, triển khai quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao của Tỉnh uỷ Phú Yên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Ông khẳng định, trên cơ sở báo cáo của Tỉnh và những nội dung trao đổi tại buổi làm việc đã củng cố, bổ sung những nội dung quan trọng trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, giúp Đoàn Giám sát hiểu rõ hơn những vấn đề thực tiễn về phát triển kinh tế biển trên địa bàn Tỉnh.

Bên cạnh đó, ông Trần Tuấn Anh cũng cơ bản đồng tình với ý kiến phát biểu, đóng góp thẳng thắn, sâu sắc, những gợi ý, phân tích của các đại biểu về những tiềm năng cũng như những khó khăn nhằm giúp Phú Yên thực hiện tốt hơn nữa Chiến lược kinh tế biển gắn với Nghị quyết số 36-NQ/TW trong thời gian tới. Ông đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục chia sẻ, ủng hộ và phối hợp với địa phương để giúp Phú Yên phát huy tinh thần sáng tạo, quyết liệt thực hiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội nói chung và kinh tế biển nói riêng.

Đồng tình với 6 nhóm giải pháp của tỉnh Phú Yên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng lưu ý Tỉnh Phú Yên nên quan tâm một số tiềm năng, lợi thế của Phú Yên về biển, phát triển hài hòa giữa các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Phú Yên không chỉ chú ý đến lợi thế tĩnh mà còn lợi thế động, nhất là liên kết phát triển vùng; yêu cầu Phú Yên tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa định hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới; đặt ra những yêu cầu, định hướng phát triển trong bối cảnh phát triển công nghiệp 4.0, bối cảnh trong nước và quốc tế.

Bảo tồn và khai thác bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển

Tỉnh Phú Yên có bờ biển dài 189km với nhiều dãy núi theo hướng Đông-Tây, tạo ra nhiều đầm, vịnh, bãi biển đẹp, nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Đây cũng là vùng đất có nhiều di tích, danh thắng về biển đảo rất độc đáo; các lễ hội đặc sắc mang đậm bản sắc của ngư dân vùng biển; tất cả tạo nên nét văn hóa riêng và thế mạnh cho phát triển kinh tế biển. Nhận thức được vị trí, vai trò, tiềm năng đặc biệt quan trọng của biển, tỉnh Phú Yên đã luôn quan tâm, phát huy lợi thế về biển, đề ra nhiều giải pháp để phát triển kinh tế. Hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển được đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã kêu gọi các Bộ, ban, ngành và và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, các tổ chức quốc tế cùng thống nhất trong nhận thức và hành động để ứng xử có trách nhiệm với biển và đại dương; thúc đẩy hơn nữa việc phát triển các cộng đồng văn minh sinh thái biển. Thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo, phát triển các ngành kinh tế biển nhằm thu hút mạnh hơn các nguồn lực đầu tư; chú trọng phát triển nuôi biển xa bờ tại các đảo tiền tiêu; đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác có trách nhiệm tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển, khả năng phục hồi của hệ sinh thái.

Đối với Phú Yên, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế, tiến tới ngăn chặn căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực ven biển và trên biển, tăng cường xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh… Đồng thời, tận dụng tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, nhất là du lịch biển và khai thác, nuôi trồng thủy sản; khuyến khích ngư dân bám biển sản xuất kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, bảo đảm hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường đang là xu thế tất yếu. Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị thực hiện một số nhiệm vụ: Nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển và hải đảo, tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và cộng động quốc tế trong công cuộc bảo vệ biển đảo, phát triển bền vững kinh tế biển. Xác định kinh tế biển là động lực để phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch COVID-19.

Ngọc Thúy (t/h)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác