Chống khai thác IUU: Phải ngăn chặn từ địa bàn, cơ sở (26-05-2022)

Sáng nay ngày 26/5, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức cuộc họp giữa các lực lượng chức năng nhằm trao đổi, đưa ra giải pháp phối hợp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.
Chống khai thác IUU: Phải ngăn chặn từ địa bàn, cơ sở

Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy sản và các đơn vị trực thuộc, Cục Kiểm ngư, Tổ công tác liên ngành chống khai thác IUU, Bộ đội Biên phòng Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Hải quân Việt Nam, Cục An ninh Kinh tế – Bộ Công An, Chi cục Thủy sản của một số địa phương đã tham dự cuộc họp.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Nguyễn Quang Hùng đã chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư đã báo cáo tổng hợp tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản; ông Quốc cho biết trong quá trình đấu tranh, ngăn chặn và xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, các lực lượng chức năng đã nhận định nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là do nguyên nhân chủ quan của ngư dân; vì nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, vì lợi ích kinh tế, ngư dân của chúng ta đã cố tình vi phạm vùng biển của nước ngoài.

Phát biểu tại cuộc họp ông Nguyễn Việt Triều, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh Cà Mau đã huy động các lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt để xử lý những trường hợp tàu cá trên địa bàn vi phạm vùng biển nước ngoài. Các cơ quan quản lý đã ban hành các quyết định xử phạt hành chính với mức xử phạt rất cao.

Tuy nhiên, trong quá thực hiện các quy trình xử phạt đã có những khó khăn vướng mắc liên quan đến đấu tranh pháp lý để xử lý vi phạm. Trong đó, vấn đề về thu thập bằng chứng chứng minh và thiết lập các hồ sơ pháp lý để làm căn cứ xử lý vi phạm cũng như quy trình xử lý vi phạm còn bất cập, cần có sự phối hợp các lực lượng chuyên môn để xử lý đúng quy định pháp luật.

Để ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, ông Triều cho rằng trong thời gian tới cần có một quy trình xử phạt rõ ràng, xác định trách nhiệm xử lý của từng cơ quan. Cùng với đó, cần thành lập đoàn liên ngành có chuyên môn trong xử lý các vi phạm hành chính, chịu trách nhiệm thu thập các hồ sơ pháp lý, thu thập bằng chứng chứng minh để có căn cứ, cơ sở xử lý vi phạm.

Song song với đó, hiện nay một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài là do nguồn lợi thủy sản cạn kiệt dẫn đến hiệu quả của chuyến khai thác rất thấp, vì vậy, trong thời gian tới cần nghiên cứu thực hiện cấm một số nghề khai thác có thời gian định kỳ trong năm để phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Tại cuộc họp các đại biểu cũng đã kiến nghị một số giải pháp liên quan đến khẩn trương hoàn thiện quy trình xử lý vi phạm; Quy trình xử lý hành vi tắt thiết bị giám sát hành trình; Thiết lập kênh thông tin với các cơ quan chức năng của Việt Nam ở nước ngoài và với các nước thông qua kênh ngoại giao để kịp thời cung cấp thông tin tàu cá vi phạm để lực lượng chức năng Việt Nam có căn cứ chứng minh thụ lý hồ sơ xử lý; Xây dựng chính sách để chuyển đổi nghề cho ngư dân để giảm số lượng tàu cá giảm cường lực khai thác; Điều chỉnh quy định bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá đối với khối tàu từ 12-13m trở lên khai thác vùng lộng; Ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với thiết bị giám sát hành trình tàu cá gắn trách nhiệm của các nhà cung cấp đối với chất lượng thiết bị giám sát hành trình; Xây dựng phần mềm liên thông giữa các địa phương để theo dõi dữ liệu tàu cá xuất bến, cập bến….

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Hùng ghi nhận đánh giá cao các lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt kịp thời ngăn chặn xử lý tàu cá vi phạm trong thời gian qua.

Tuy nhiên, tình trạng tàu cá vi phạm vẫn chưa được chấm dứt vẫn còn một số địa phương để tàu cá tiếp tục vi phạm. Để ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, ông Nguyễn Quang Hùng đã đặt câu hỏi tại sao đấu tranh với tội phạm ma túy nguy hiểm, rất tinh vi, kể cả trên đất liền hay vùng biên giới, hải đảo chúng ta vẫn xử lý được? Thì không có cớ gì xử lý tàu cá vi phạm chúng ta không ngăn chặn được.

Do đó, nếu quyết tâm vào cuộc của tất cả các lực lượng chức năng, phối hợp chặt chẽ, quyết tâm cao hơn nữa trong công tác chống khai thác IUU chắc chắn sẽ ngăn chặn thành công tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Chống khai thác IUU phải xác định được cái gốc của vấn đề là từ các cơ sở; dẫn chứng cho điều này, ông Hùng chỉ ra rằng trong số các tỉnh/thành phố có tàu cá vi phạm thì chỉ có một số lượng nhỏ địa phương phường, xã có tàu cá vi phạm, chính vì vậy, cần khoanh vùng bám sát cơ sở để vận động, tuyên truyền, giám sát địa bàn để kịp thời xử lý những trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

Bộ đội Biên phòng quản lý các cảng cá, bến cá, luồng, lạch cần kiểm soát chặt tàu cá bắt đầu ra khơi khai thác, kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm, kiên quyết không cho tàu cá ra khơi nếu không đủ điều kiện.

Các lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, phối hợp xử lý và triển khai các đợt cao điểm để xử lý kể cả trên bờ, tại cảng cá và trên biển.

Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự, các Đại sứ quán của Việt Nam tại các nước thông qua kênh ngoại giao, hợp tác quốc tế nắm bắt thông tin kịp thời, cung cấp cho các lực lượng chức năng của Việt Nam để đấu tranh xử lý các trường hợp vi phạm.

Tổng cục Thủy sản nghiên cứu cập nhật thông tin dữ liệu tàu cá vi phạm vào phần mềm xử lý vi phạm, khẩn trương hoàn thiện các quy chế, quy trình phối hợp xử lý tàu cá vi phạm, xác định rõ vai trò của từng cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện xử lý tàu cá vi phạm. Giao cơ quan chịu trách nhiệm điều tra xử lý và tổng hợp báo cáo.

Nghiên cứu xác lập vùng cảnh báo tàu cá có thể vi phạm để tích hợp vào hệ thống giám sát hành trình để kịp thời cảnh báo, phát tín hiệu cho tàu cá biết để tránh vi phạm.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác