Bình Định: Sản lượng thủy sản khai thác quý I/2022  tăng 2,5% so với cùng kỳ (08-04-2022)

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, sản lượng thủy sản khai thác Quý I/2022  ước đạt  47.262 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Trong đó, cá ngừ đại dương 3.282 tấn, tăng 24% so với cùng kỳ.
Bình Định: Sản lượng thủy sản khai thác quý I/2022  tăng 2,5% so với cùng kỳ
Ảnh minh họa

Trong quý I, tình hình thời tiết diễn biến không thuận lợi, chịu ảnh hưởng của gió lớn trên biển và gió mùa Đông Bắc, bên cạnh đó tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động đến các hoạt động khai thác thủy sản. Hơn nữa, giá nhiên liệu và một số mặt hàng nhu yếu phẩm tăng làm tăng tổn phí của chuyến biển ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên ngư dân Bình Định đã di chuyển ngư trường và vẫn đảm bảo tình hình hoạt động sản xuất.

Toàn tỉnh có khoảng 5.000 tàu cá hoạt động khai thác, chiếm 84% trong tổng số tàu cá, trong đó hoạt động chủ yếu ở các ngư trường với các nghề cụ thể như:

Đối với khai thác ở các ngừ trường gần bờ và lộng: có khoảng 2.360 tàu cá, thời gian hoạt động trong ngày, ngư trường hoạt động từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, điểm lên cá chủ yếu tại các bến cá nhỏ lẻ, gồm các nghề lưới rê, nghề câu, mành, kéo....

Đối với khai thác ngư trường xa bờ: có khoảng 2.640 tàu cá hoạt động gồm các nghề chủ lực như: nghề câu cá ngừ, có khoảng 1.150 tàu cá hoạt động khai thác, sản phẩm khai thác chủ yếu là cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to. Ngư trường khai thác chính Hoàng Sa, Trường Sa. Sản lượng khai thác trung bình ước đạt khoảng 930 kg/tàu/chuyến.

Nghề lưới vây, có khoảng 624 tàu cá hoạt động khai thác, ngư trường hoạt động chính Khơi Miền Trung, Hoàng Sa, Trường Sa. Sản phẩm khai thác chính là các loại cá ngừ nhỏ, cá nục, cá chũa, mực xà. Sản lượng khai thác trung bình ước đạt khoảng 8 tấn/tàu/chuyến.

Nghề Mành chụp, có khoảng 232 tàu cá hoạt động ngư trường hoạt động chính Khơi Miền Trung, Hoàng Sa, Trường Sa. Sản phẩm khai thác chính là mực xà, cá nục, cá mè đen, chù ồ. Sản lượng khai thác trung bình ước đạt khoảng 13 tấn/tàu/chuyến.

Nghề Câu mực, có khoảng 245 tàu cá hoạt động ngư trường hoạt động chính Khơi Miền Trung, Hoàng Sa, Trường Sa. Sản lượng khai thác trung bình ước đạt khoảng 1,2 tấn/tàu/chuyến. Các nghề khác  như: lưới rê, lưới kéo, nghề mành…, có khoảng 389 tàu cá hoạt động.

Hoạt động khai thác trên đã cho tổng sản lượng thủy sản khai thác quý 1/2022  của tỉnh ước đạt  47.262 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ, trong đó cá ngừ đại dương 3.282 tấn, tăng 24% so với cùng kỳ.

Cũng trong quý I năm 2022, Chi cục Thủy sản đã kiểm tra 797 lượt tàu cá rời cảng và đã kiểm tra 698 lượt tàu cá cập cảng đảm bảo đạt yêu cầu về số lượt kiểm tra theo quy định. Chi cục cũng đã triển khai hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch và nội dung đăng ký thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phối hợp với phòng Cảnh sát giao thông, Bộ đội Biên phòng tỉnh và chính quyền địa phương các xã ven biển tổ chức 12/28 chuyến tuần tra, kiểm soát trên đầm Thị Nại, khu vực ven biển Quy Nhơn. Đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 01 trường hợp vi phạm quy định về khai thác thủy sản. 

Tổ chức trực hệ thống Trạm bờ 24/24 giờ để theo dõi, tiếp nhận thông tin, phát hiện và xử lý tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển. Chi cục Thủy sản đã có văn bản đề nghị các Đồn/Trạm kiểm soát Biên phòng trong tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương và các đơn vị lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tổ chức làm việc với chủ tàu, xử lý vi phạm theo quy định.

Để hoạt động khai thác thủy sản đảm bảo tốt hiệu quả, Chi cục Thủy sản đã đưa ra kế hoạch quản lý hoạt động khai thác thủy sản trong Qúy II năm 2022 như sau:

Tham mưu công tác chỉ đạo sản xuất đối với lĩnh vực khai thác thủy sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Phối hợp với Ban quản lý các cảng cá trên địa bàn tỉnh tập trung chỉ đạo sản xuất, đảm bảo không làm đứt gãy chuỗi khai thác, thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu thủy sản khai thác; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông triển khai thực hiện 02 mô hình sử dụng công nghệ Nano trong bảo quản sản phẩm cá ngừ.

Tập trung triển khai công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với các tàu cá, kiểm tra các trang thiết bị an toàn cho tàu cá hoạt động trên biển; theo dõi tình hình sản lượng khai thác thủy sản, trong đó chú ý đến các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP;

Đồng thời, hỗ trợ, đôn đốc các địa phương đăng ký tham gia phong trào toàn dân bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo dõi, hỗ trợ và giám sát hoạt động của Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại 4 xã/phường khu vực biển vịnh Quy Nhơn. Cùng đó, phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Bộ phận Cảnh sát Đường thủy), Đội phòng chống xung điện-xiết máy huyện Tuy Phước, các Đồn Biên phòng, Công an, Phòng Kinh tế/Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện/thành phố và chính quyền địa phương ven biển/đầm phá trong công tác tuần tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản.

Ngoài ra, đặc biệt chú ý thực hiện nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực thi Luật Thủy sản năm 2017 và chống khai thác bất hợp pháp không báo cáo, không theo quy định như: chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan kiểm tra, giám sát toàn bộ việc thực hiện Quy trình tiếp nhận thông tin, xử lý dữ liệu giám sát hành trình đối với tàu cá Bình Định có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên vượt ranh giới cho phép trên biển, không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển để làm cơ sở xử lý theo quy định.

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng cơ chế phối hợp, trao đổi, xử lý thông tin nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình hình tàu cá Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài; khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch rà soát, hướng dẫn việc cấp giấy phép khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh. 

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác